Doanh nghiệp nỗ lực trở lại "đường đua": Dệt may, da giày chờ "sóng yên biển lặng"

16/03/2022 10:10 AM | Kinh doanh

Đơn hàng dồi dào trở lại đã tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày gượng dậy phục hồi sau "bão" Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, da giày chấp nhận đạt lợi nhuận thấp trong năm nay để dồn sức củng cố nội lực, khôi phục lực lượng lao động, vượt qua những trở ngại phát sinh do xung đột Nga - Ukraine gây ra để làm nền tảng vững chắc trong giai đoạn tới.

Đơn hàng nhiều nhưng chưa vui

Đầu năm 2022, các DN dệt may, da giày của Việt Nam khởi đầu thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu từ 2 thị trường truyền thống là Mỹ và EU dồi dào trở lại. Ở lĩnh vực dệt may, một số DN lớn như May 10 (M10), Dệt may Thành Công (TCM), Sợi Thế Kỷ (STK), May Sài Gòn 3... cho biết đã ký đơn hàng đến quý II và quý III. Các DN cũng cho biết sẽ tăng tốc tiếp cận thị trường EU nhằm tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh quốc (UKVFTA) mang lại.

Với dự báo tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU đã mở cửa trở lại, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản. Trong đó, với kịch bản tích cực nhất là tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể đạt 42,5-43,5 tỉ USD; với kịch bản trung bình là tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hướng đến 40 - 41 tỉ USD. Trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022 thì tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt khoảng 38 - 39 tỉ USD.

 Doanh nghiệp nỗ lực trở lại đường đua (*): Dệt may, da giày chờ sóng yên biển lặng  - Ảnh 1.

Sản xuất tại Tổng Công ty CP May Việt Tiến .Ảnh: TẤN THẠNH

Tại TP HCM, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX), cho biết các DN dệt may rất lạc quan vì đơn hàng liên tiếp đổ về nhưng cũng đang rất áp lực vì giá các loại nguyên phụ liệu, vận chuyển trong chuỗi cung ứng hàng dệt may bất ổn, thậm chí tăng "nóng" trong vài tháng nay.

"DN đang cố gắng nâng cao giá trị sáng tạo và chủ động nguyên phụ liệu vì hiện nguyên phụ liệu trong nước chỉ đáp ứng được 3%-4%. Bên cạnh đó là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khâu thiết kế lẫn thương mại để chào bán các sản phẩm thiết kế thương hiệu Việt Nam, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm may mặc thương hiệu Việt, đặc biệt là thị trường trong nước" - bà Phú Xuân nói.

Theo bà, thị trường thời trang may mặc nội địa đang được định giá 5 tỉ USD và cạnh tranh rất khốc liệt, vì vậy DN rất mong muốn có một trung tâm thời trang tại thành phố để phát triển những thương hiệu thời trang trong nước có thể cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) thì kỳ vọng doanh thu toàn ngành trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 23-25 tỉ USD, tăng 10%-15% so với năm 2021. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số DN lớn ngành da giày cho biết tín hiệu lạc quan nhất cho đến thời điểm này là đơn hàng đang dịch chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với hàng loạt phát sinh mới, khả năng ngành da giày nói chung và từng DN nói riêng khó đạt mục tiêu tăng trưởng 15%, mà chỉ khoảng 7%-8%.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, chỉ ra thực tế DN đang bội chi do phải gánh thêm rất nhiều chi phí. "Sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch và đơn hàng có xu hướng tăng, DN tràn trề hy vọng nhưng đang "khựng" lại vì những khó khăn mới. Để cạnh tranh thu hút lao động, DN phải điều chỉnh tăng lương 5%-10%.

Chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu cũng tăng khoảng 30%, giá nguyên phụ liệu tăng theo giá xăng dầu, gần đây phát sinh phí hạ tầng cảng biển… trong khi khách hàng chưa đồng ý tăng giá để chia sẻ chi phí" - ông Trung phân tích và nhận định DN không kỳ vọng có lãi mà cố gắng không lỗ để ổn định sản xuất.

Nhiều nút thắt lớn cần tháo gỡ

Hàng loạt thách thức cho sự tăng trưởng của 2 lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, cũng là 2 lĩnh vực tạo công ăn việc làm cho đông đảo người lao động đã được các DN chỉ tên. Bà Ngô Ngọc Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Anh Khoa, cho biết xác định mục tiêu trong 6 tháng đầu năm là giữ đội ngũ, cải tiến quy trình, sắp xếp lại nội bộ để ổn định sản xuất chứ chưa nghĩ tới tìm kiếm lợi nhuận. Từ sau Tết đến nay, rất nhiều đối tác liên hệ đặt hàng nhưng công ty không đủ năng lực đáp ứng.

"Công ty sản xuất hàng may mặc nội địa lẫn xuất khẩu. Thời gian gần đây tiêu thụ trong nước có khởi sắc so với cuối năm 2021, đơn hàng xuất khẩu cũng tăng mạnh nhưng không có người làm. Trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4, công ty có hơn 300 lao động, giãn cách xã hội chỉ còn hơn 100 lao động, đến khi hết giãn cách, việc tuyển dụng lao động cực kỳ khó khăn, dù huy động mọi kênh vẫn tuyển không đủ người" - bà Hoa phản ánh.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP HCM, cho rằng nút thắt lớn nhất để giải bài toán tăng trưởng cho DN trong ngành là nguồn nhân lực và vốn. Bởi hầu hết DN đang mất khoảng 20%-30% lao động so với cùng kỳ năm 2021, lực lượng lao động hiện hữu cũng biến động do có người là F0, ông Khánh cho biết DN rất đau đầu với việc bảo đảm tiến độ giao hàng. "Chưa bao giờ tuyển dụng lao động lại nan giải như lúc này. Hội đã nỗ lực phối hợp với trường cao đẳng tuyển sinh, rút ngắn thời gian đào tạo từ 6 tuần còn 2-3 tuần để bổ sung lực lượng lao động cho các DN da giày nhưng tuyển được rất ít. Các DN cũng liên hệ với nhiều kênh cung ứng lao động và rao tuyển lao động khắp nơi, lo ăn ở cho công nhân nhưng cũng không tìm được người làm" - ông Khánh bày tỏ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LEFASO, cũng cho hay các DN thuộc hiệp hội đã có đơn hàng đến hết quý II/2022, song do tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên hầu hết phải đàm phán để lùi lịch giao hàng. "Số ca mắc Covid-19 vẫn nhiều dẫn theo số lượng F1 lớn nên DN rơi vào tình trạng thiếu người lao động, phải tuyển mới nhưng cũng không dễ" - bà Thanh Xuân nói.

Để ứng phó, các DN đã linh hoạt bố trí cho F1 được làm việc tại khu vực riêng hoặc giãn cách phù hợp theo công đoạn. Dù vậy, do lĩnh vực này sản xuất theo chuỗi nên không phải DN nào cũng áp dụng máy móc theo cách trên, mặt khác, cũng không phải DN nào cũng có đủ không gian để tổ chức cho F1 làm việc. "Hy vọng với các quy định ngày càng cởi mở của Bộ Y tế, DN có thể dễ dàng tổ chức sản xuất hơn. Bản thân các DN cũng đang nỗ lực sắp xếp nhân sự, duy trì sản xuất để trả được các đơn hàng đã ký, giữ được uy tín của DN Việt với thị trường quốc tế" - bà Thanh Xuân cho hay.

Một số DN lớn ở cả ngành da giày và dệt may đã thông qua hội, hiệp hội kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho F0 không có triệu chứng đi làm bình thường để ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh. "Đa số người lao động đã được tiêm 2-3 mũi vắc-xin, hầu hết F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể tham gia lao động bình thường. DN có thể tăng cường kiểm soát an toàn phòng chống dịch bằng việc giữ khoảng cách cho người lao động, trang bị thêm kính chống giọt bắn…" - tổng giám đốc một DN dệt may lớn tại TP HCM đề xuất.

Ngoài mối lo về nguồn nhân lực, các DN còn bày tỏ mong muốn có gói hỗ trợ vay vốn đặc thù cho 2 ngành này đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, giảm lệ thuộc vào công nhân - lao động, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh.


Theo Thanh Nhân - Phương Nhung

Cùng chuyên mục
XEM