Điều trị Covid-19 tại nhà: Cảnh báo bệnh nhân bị hạ thân nhiệt dưới 35°C có thể TÊ LIỆT hệ thần kinh, cần làm 5 bước trước khi đi cấp cứu
Khi nhiệt độ cơ thể giảm sẽ khiến hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác không hoạt động bình thường. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Hạ thân nhiệt là tình trạng khi đo nhiệt độ ở hậu môn thấp hơn 35 độ C và có các cấp độ như sau: từ 35 – 34 độ C là hạ thân nhiệt nhẹ; 34 – 32 độ C là hạ thân nhiệt trung bình; 32 – 25 độ C là hạ thân nhiệt nặng; dưới 25 độ C là hạ thân nhiệt nguy kịch.
Khi theo dõi bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, đa số mọi người sẽ chỉ lo lắng khi người bệnh bị sốt nhưng ít ai biết rằng, nếu thân nhiệt bị hạ còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Khi nhiệt độ cơ thể giảm, tim, hệ thần kinh và các khác không thể hoạt động bình thường. Nếu không được điều trị, hạ thân nhiệt có thể dẫn đến thất bại hoàn toàn của tim và hệ hô hấp và cuối cùng dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng cơ bản của hạ thân nhiệt
Điều đầu tiên bạn sẽ thấy khi nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm xuống đó là rùng mình. Đây là cơ chế tự động của cơ thể chống lại nhiệt độ lạnh. Cùng với đó, cơ thể sẽ có các triệu chứng như sau:
Hạ nhiệt thể nhẹ: Rét run trừ ở trẻ sơ sinh không có triệu chứng này, da lạnh tái xanh tím, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, hạ huyết áp. Trẻ sơ sinh có thể bắt đầu có triệu chứng cứng bì.
Bệnh nhân bị hạ thân nhiệt dẫn đến tê liệt hệ thần kinh. Ảnh minh hoạ
Hạ thân nhiệt thể trung bình: Da tím tái, đầu chi thâm tím, mạch yếu, tình trạng lờ đờ, hạ huyết áp, thở nhanh nông, tiểu ít, tim đập chậm. Trẻ sơ sinh bị cứng bì lan rộng.
Hạ nhiệt nặng và nguy kịch: Da lạnh tái nhợt, các đầu chi tím, cứng cơ trừ trường hợp giảm nhiệt độ do nhiễm độc, do gây mê sâu thì cơ nhẽo; rối loạn ý thức. Nếu nhiệt độ dưới 28 độ C thì hôn mê, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng. Nếu phản xạ gân xương còn, điện não đồ còn hoạt động thì còn khả năng hồi phục.
Hạ thân nhiệt phải làm sao?
Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu bị hạ thân nhiệt, cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu để đưa người bệnh đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Trong thời gian chờ đợi, cần tiến hành sơ cứu theo các bước sau:
1. Sưởi ấm: Cởi bỏ lớp quần áo ướt thay bằng quần áo khô ráo, đắp nhiều lớp chăn khô hoặc áo choàng, sưởi ấm bằng đệm nước ấm và đặt bệnh nhân nằm ở những nơi tránh gió lùa, che kín đầu bệnh nhân;
2. Cho bệnh nhân uống nước ấm hoặc uống cháo nóng, thức uống không chứa caffein;
Giữ ấm cơ thể cho bệnh nhân. Ảnh minh hoạ
3. Theo dõi nhịp thở của bệnh nhân để có thể hà hơi thổi ngạt kịp lúc khi có biểu hiện thở chậm hoặc nông trầm trọng;
4. Không nên chườm nóng trực tiếp hoặc dùng đèn sưởi, nệm sưởi làm ấm, không cố làm ấm tay và chân vì sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi dẫn đến hạ thân nhiệt trung tâm và tử vong;
5. Không chà xát, xoa bóp quá mạnh để tránh nguy cơ ngừng tim.
Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Bệnh viện Hồng Ngọc; Vinmec