Điều gì xảy ra với sức khỏe người Á Đông khi ăn theo kiểu Phương Tây?

23/01/2022 11:34 AM | Sống

Khi một cửa hàng ăn nhanh múa lân khai trương trong khu phố nhà bạn, nó báo hiệu bệnh tật cũng sắp sửa đổ bộ.

Có thể bạn đã nghe "chế độ ăn Phương Tây" (Western diet hay Western pattern diet) ở đâu đó. Đây là một cụm từ thông dụng được cả thế giới, bao gồm các nhà dinh dưỡng học sử dụng để chỉ một chế độ ăn giàu thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thịt và sữa công nghiệp, thực phẩm đóng gói, đồ chiên rán, bơ, muối, đường và đồ ngọt....

Nhưng ngược lại, "Western diet" lại có ít trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên vỏ, các loại hạt, thịt trắng như cá, sản phẩm động vật nuôi vườn hoặc nuôi trên đồng cỏ… Sở dĩ được gọi là chế độ ăn Phương Tây bởi chế độ ăn dạng này chỉ mới xuất hiện và phổ biến sau Cách mạng Công nghiệp, khi người Phương Tây đã đi trước người Á Đông đến hơn 100 năm.

Sự ra đời của nhiều phát minh khoa học cho phép Phương Tây phát triển nền nông nghiệp và chăn nuôi công nghiệp, có quy mô lớn hơn rất nhiều trang trại truyền thống. Họ cũng tạo ra các chất bảo quản cho phép giữ được thực phẩm lâu hơn, các phụ gia thực phẩm để làm thức ăn nhanh và đặt tiền đề cho cả ngành công nghiệp thực phẩm chế biến khổng lồ ngày nay.

 Điều gì xảy ra với sức khỏe người Á Đông khi ăn theo kiểu Phương Tây?  - Ảnh 1.

Đáng nói là các nghiên cứu dịch tễ được thực hiện trong vòng 1 thế kỷ qua đang chỉ ra sự nguy hiểm của chế độ ăn Phương Tây mang lại. Nó có thể làm tăng tỷ lệ béo phì, tử vong do bệnh tim mạch, ung thư (đặc biệt là ung thư đại trực tràng).

Mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Viện Francis Crick ở London còn chỉ ra chế độ ăn Phương Tây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn. Khi chế độ ăn này lan dần về các nước Á Đông, tỷ lệ mắc bệnh tự miễn ở các nước này cũng tăng lên.

"Số lượng các ca mắc bệnh tự miễn bắt đầu gia tăng ở các nước Phương Tây từ 40 năm trước", nhà nghiên cứu James Lee cho biết. "Nhưng đến thời điểm này thì ngay cả các quốc gia khác cũng chứng kiến sự xuất hiện của các căn bệnh tự miễn mà họ chưa từng có trước đây. Chẳng hạn như bệnh viêm ruột đang gia tăng nhiều nhất trong nhóm các quốc gia Trung Đông và Đông Á. Trước đó họ hầu như không ghi nhận ca bệnh viêm ruột tự miễn nào".

Bệnh tự miễn là một nhóm bao gồm nhiều căn bệnh từ bệnh tiểu đường type 1 đến viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột, vẩy nến, lupus ban đỏ, Addison, bệnh Grave, Celiac, hội chứng Sjogren, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh nhược cơ, viêm mạch máu, thiếu máu ác tính và bệnh đa xơ cứng...

Điểm chung của chúng là các rối loạn khiến hệ miễn dịch nhắm mục tiêu vào các tế bào khoẻ mạnh của cơ thể, thay vì tế bào bệnh hoặc các tác nhân ngoại lai như vi khuẩn, virus, nấm...

Bệnh tự miễn thường rất khó chữa dứt điểm, bệnh nhân mắc phải nó thường phải chịu đựng tình trạng mạn tính đến suốt đời, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và cả tuổi thọ.

 Điều gì xảy ra với sức khỏe người Á Đông khi ăn theo kiểu Phương Tây?  - Ảnh 2.

Chỉ riêng tại Vương quốc Anh, ít nhất 4 triệu người đã phát triển các tình trạng tự miễn dịch, với một số cá nhân thậm chí còn mắc nhiều hơn một bệnh. Trên thế giới, người ta ước tính các trường hợp mắc bệnh tự miễn đang tăng từ 3% lên 9% một năm. Hầu hết các nhà khoa học tin rằng các yếu tố môi trường và lối sống phải chịu trách nhiệm cho sự gia tăng này.

Lee cho biết: "Các yếu tố di truyền học của con người không thể thay đổi chỉ trong vài thập kỷ. Vì vậy, phải có một yếu tố nào đó khác ở thế giới bên ngoài đã thay đổi, và làm tăng khuynh hướng mắc bệnh tự miễn dịch của chúng ta".

Carola Vinuesa, một đồng tác giả nghiên cứu cho biết những thay đổi trong chế độ ăn uống đang diễn ra trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia có xu hướng ăn theo chế độ ăn phương Tây và chúng ta đang mua nhiều thức ăn nhanh hơn.

"Các chế độ ăn dựa trên thức ăn nhanh bị thiếu một số thành phần quan trọng nhất định, chẳng hạn như chất xơ. Bằng chứng khoa học cho thấy chuyển sang chế độ ăn này gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột của mọi người. Đây là tập hợp các sinh vật bé nhỏ mà chúng ta có trong ruột của mình, chúng đang góp vai trò quan trọng vào việc kiểm soát nhiều chức năng khác nhau của cơ thể", Vinuesa nói.

"Những thay đổi trong hệ vi sinh vật này sau đó gây ra các bệnh tự miễn dịch, trong đó hơn 100 loại hiện đã được phát hiện".

 Điều gì xảy ra với sức khỏe người Á Đông khi ăn theo kiểu Phương Tây?  - Ảnh 3.

Ngoài việc làm biến đổi hệ vi sinh đường ruột, chế độ ăn Phương Tây còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn qua nhiều cơ chế tinh tế khác. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Allergy and Asthma Reports năm 2014 cho biết ăn quá nhiều chất béo có thể dẫn đến sự tích tụ mô mỡ trắng, kích hoạt những chất trung gian được gọi là "adipokine" gây ra tình trạng viêm nhiễm âm ỉ trong cơ thể.

Những viêm nhiễm mạn tính này tác động sâu vào cơ chế tế bào T, là những tế bào miễn dịch vốn chỉ tấn công mầm bệnh nhưng giờ quay sang tấn công chính cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn dịch.

Bản thân việc để bản thân thừa cân và béo phì trong chế độ ăn Phương Tây cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn. Việc ăn ít rau củ quả cũng khiến bạn không có được những chất chống oxy hóa cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi các căn bệnh này.

Trong nghiên cứu năm 2014, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy xu hướng gia tăng bệnh tự miễn ở các quốc gia Á Đông. "Bệnh tự miễn vốn có tỷ lệ mắc cao ở các xã hội phương Tây và các nền kinh tế thị trường đã hình thành, trái ngược với tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn ở thế giới phương Đông và các nước đang phát triển", nghiên cứu viết.

"Điều đáng quan tâm là ngày nay các bệnh tự miễn… đang gia tăng hẳn ở các khu vực có tỷ lệ lưu hành thấp trước đây. Xu hướng mắc bệnh cao hơn thường đi đôi với tốc độ cải thiện kinh tế - xã hội và tốc độ phương Tây hóa cao ở các quốc gia này".

Số lượng cửa hàng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới từ năm 1971 đến năm 2019

Hãy cứ thử nhìn vào tốc độ phát triển của các hệ thống cửa hàng ăn nhanh làm ví dụ. Năm 2019, Subway đã có hơn 42.000 cửa hàng trên khắp thế giới. Con số của McDonald's là hơn 37.000. KFC, Pizza Hut và Burger King nắm giữ các vị trí tiếp theo với 22.000, 18.000 và 17.000 cửa hàng.

Vì vậy, việc có một cửa hàng đồ ăn nhanh mới khai trương trong khu phố nhà bạn không phải là dịp vui mừng gì. Nó là dấu hiệu cho thấy xung quanh bạn sẽ ngày càng có nhiều người đau khổ vì mắc các bệnh tự miễn hơn.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Francis Crick cho biết sự gia tăng của các căn bệnh này trên toàn thế giới đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ cần nhiều hơn các phương pháp điều trị và các loại thuốc.

"Hiện tại, không có phương pháp chữa trị các bệnh tự miễn dịch thường phát triển ở những người trẻ tuổi - trong khi họ đang cố gắng hoàn thành chương trình học, kiếm việc làm đầu tiên và có gia đình", Lee nói. "Điều đó có nghĩa là sẽ ngày càng có nhiều người phải phẫu thuật hoặc sẽ phải tiêm thuốc thường xuyên trong suốt phần đời còn lại của họ".

Tham khảo Theguardian,Ncbi, Healthline

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM