Cuộc chiến giao đồ ăn 'không dễ xơi' ở châu Á: Foodpanda vừa tháo chạy khỏi Nhật Bản sau hơn 1 năm hoạt động

28/12/2021 08:55 AM | Kinh doanh

Sau Việt Nam, Indonesia, Foodpanda tiếp tục tháo chạy khỏi Nhật Bản.

Tờ Nikkei đưa tin, chỉ hơn một năm sau khi thâm nhập thị trường Nhật Bản, gã khổng lồ giao đồ ăn Delivery Hero của Đức - được biết đến với thương hiệu Foodpanda ở châu Á đã tuyên bố rút lui. Lý do được đưa ra là bởi cạnh tranh ngày một gia tăng và thiếu tài xế.

Việc rút lui của Foodpanda nêu bật những thách thức đối với các công ty giao đồ ăn ở Nhật Bản và các nơi khác ở châu Á, nơi các công ty trong khu vực phải đối mặt với những gã khổng lồ toàn cầu. Mặc dù thị trường giao đồ ăn được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển, nhưng các công ty đang buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược tăng trưởng của mình khi các nhà phân tích cho rằng sẽ có nhiều sự hợp nhất trong ngành trong những năm tới.

Delivery Hero vào Nhật Bản thông qua thương hiệu Foodpanda vào tháng 9/2020. Do nhu cầu giao hàng thực phẩm ngày càng tăng bởi đại dịch COVID-19, công ty đã kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ là một thị trường quan trọng đối với công ty và thu hút rất nhiều tài nguyên vào việc thiết lập các hoạt động ở đó.

Giám đốc điều hành Foodpanda, ông Jakob Angele, người lãnh đạo các hoạt động tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của công ty từ trụ sở chính tại Singapore, đã ở lại Nhật Bản trong ba tháng từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 để xây dựng công việc kinh doanh tại thị trường mới. Với kinh nghiệm thành công ở nhiều thị trường khác nhau - từ Singapore và Đài Loan đến Bangladesh - Foodpanda tự tin vào thị trường Nhật Bản. Họ bắt đầu ở các thành phố lớn như Kobe, Yokohama và Nagoya, với mục đích cuối cùng là mở rộng hoạt động kinh doanh giao hàng nhanh ngoài thực phẩm.

Nhưng với tư cách là người đến sau Nhật Bản, công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.

Dẫn đầu thị trường Nhật Bản là hai đối thủ: Uber Technologies và công ty trong nước Demae-can niêm yết tại Tokyo được hỗ trợ bởi ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Line. Theo người phát ngôn của Uber, dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats hiện có khoảng 130.000 nhà hàng và cửa hàng khác trên nền tảng tại Nhật Bản. Demae-can đã thông báo vào thứ Sáu rằng họ đã vượt qua mốc 100.000 cửa hàng. Cả hai dịch vụ vẫn đang đầu tư mạnh mẽ để thu hút người dùng. Kết quả là Demae-can đã báo cáo khoản lỗ ròng 20,6 tỷ yên (180 triệu USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 8.

Foodpanda chưa tiết lộ số lượng nhà hàng trên nền tảng của mình tại quốc gia này. Nhưng sự hiện diện của họ đã yếu hơn so với hai gã khổng lồ. Trong số khoảng 3.600 người trả lời cuộc khảo sát trực tuyến do Công ty Nghiên cứu và Tư vấn CNTT-TT Nhật Bản tiến hành vào tháng 2, 428 người cho biết họ đã sử dụng Demae-can, trong khi 426 người cho biết họ dùng Uber. Chỉ có 34 người nói họ dùng Foodpanda.

Ngoài ra, nhu cầu do COVID thúc đẩy đã thu hút các đối thủ khác tham gia vào thị trường: đối thủ DoorDash của Uber tại Mỹ đã vào Nhật Bản vào tháng 6. Gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing cũng khai trương một doanh nghiệp giao đồ ăn ở Osaka vào năm ngoái và từ đó đã mở rộng dịch vụ đến tám tỉnh.

"Kể từ khi ra mắt dịch vụ, bối cảnh của thị trường Nhật Bản đã thay đổi đáng kể", một đại diện của Foodpanda tại Singapore nói với Nikkei Asia sau thông báo rút lui. "Các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như số lượng người chơi gia tăng và sự thiếu hụt tài xế dẫn đến thực tế mới vào cuối năm nay".

TÌNH HÌNH CHUNG TRÊN TOÀN CHÂU Á

Việc thoái vốn của Foodpanda chủ yếu phản ánh thị trường giao hàng cạnh tranh của Nhật Bản - nơi các nhà khai thác nhỏ hơn gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng và nhân viên giao hàng. Nhưng tình trạng tương tự cũng có thể thấy ở các thị trường châu Á khác, nơi các công ty Mỹ, châu Âu và địa phương đang cạnh tranh khốc liệt, trong khi chi phí tiếp thị để có được khách hàng và tài xế lại cản trở lợi nhuận.

Ví dụ như ở Singapore, Foodpanda và Deliveroo của Vương quốc Anh đang phải chạy theo Grab - công ty "cây nhà lá vườn" trong một cuộc chiến tay ba. Thị trường Indonesia là một cuộc chiến giữa các công ty châu Á. GoFood của Gojek và GrabFood của Grab là những người chơi lớn nhất, nhưng công ty công nghệ của Singapore là Sea đã nhanh chóng mở rộng dịch vụ giao hàng ShopeeFood ở Indonesia trong năm qua.

Trước khi Foodpanda tuyên bố rút khỏi thị trường Nhật Bản, việc hợp nhất ngành trong khu vực đã diễn ra. Vào tháng 7, Gojek đã bán phần lớn hoạt động kinh doanh tại Thái Lan, bao gồm cả giao đồ ăn cho AirAsia của Malaysia. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Momentum Works tại Singapore, Gojek chiếm 7% thị phần giao đồ ăn tại Thái Lan vào năm 2020, xếp sau Grab với 50%, Foodpanda là 23% và Line là 20%.

Ngành giao đồ ăn dự kiến ​​sẽ phát triển ở nhiều thị trường. Ví dụ, ở Đông Nam Á, tổng giá trị hàng hóa của khu vực này dự kiến ​​sẽ tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2025 từ 12 tỷ USD vào năm 2021. tại Nhật Bản, báo cáo của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu CNTT-TT cho thấy quy mô thị trường sẽ tăng 38% lên 682 tỷ Yên (5,9 tỷ USD) từ năm 2020 đến năm 2023.

Nhưng việc thoát khỏi Nhật Bản của Foodpanda cho thấy không phải ai cũng nhất thiết được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này. Jianggan Li, Giám đốc điều hành của Momentum Works, nói với Nikkei Asia: "Nền tảng giao đồ ăn cuối cùng là một ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp, cần phải xây dựng khối lượng và mật độ lớn để sinh lời".

Thay đổi môi trường pháp lý cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn thu, khiến các nhà khai thác phải suy nghĩ lại về các mô hình tăng trưởng. Ví dụ, vào tháng 8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ lo ngại về mức lương thấp của nhân viên giao hàng và kêu gọi bảo vệ nhóm người này nhiều hơn, điều này sẽ dẫn đến chi phí phúc lợi cao hơn cho các nhà khai thác nền tảng. Ở một số khu vực phương Tây, đã có xu hướng yêu cầu các công ty coi người lái xe là nhân viên thay vì chỉ ký hợp đồng độc lập.

Khi các cuộc chiến bùng nổ trên khắp châu Á, nhiều nhà khai thác đang mở rộng sang lĩnh vực giao hàng tạp hóa và các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu khác.

Khi rời Nhật Bản, Foodpanda cho biết họ sẽ mở rộng dịch vụ giao hàng tạp hóa "thương mại nhanh" ở các thị trường khác. "Chúng tôi liên tục xác định các cơ hội tăng trưởng mới trong khu vực, ở các thị trường, khu vực tăng trưởng và ngành mới, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại nhanh", đại diện Foodpanda cho biết.

Grab, cũng đang mở rộng giao hàng tạp hóa với GrabMart. Họ đã công bố mua lại một chuỗi siêu thị Malaysia vào đầu tháng này.

"Cạnh tranh vẫn còn gay gắt. Do đó, thách thức đối với mỗi người chơi là làm thế nào để tiếp tục tăng khối lượng và mật độ trong khi đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động ở mọi cấp độ. Họ cần phải làm tất cả những điều này trong một môi trường cạnh tranh cao".

Foodpanda có kế hoạch bán mảng kinh doanh tại Nhật Bản vào quý đầu tiên của năm 2022. Việc thoái vốn là một "quyết định rất khó khăn", công ty cho biết. Nhưng có thể sẽ còn có nhiều thương vụ thoái vốn và mua lại trong ngành giao đồ ăn trong khu vực.

Li nói: "Tôi nghĩ ở một vài thị trường đều có hơn hai nền tảng giao đồ ăn lớn, chưa kể các công ty khởi nghiệp cửa hàng tạp hóa mới nổi. Thật khó để nhìn thấy một thị trường nào trong trung hạn có một công ty có lợi nhuận".

Nguồn: Nikkei

Phương Linh

Từ khóa:  foodpanda
Cùng chuyên mục
XEM