Dịch vụ chăm sóc người già 1 Nhân dân tệ/ngày ở Trung Quốc

13/08/2019 11:46 AM | Kinh doanh

Thị trường chăm sóc sức khỏe người già Trung Quốc hiện khá tiềm năng bởi quốc gia này có tới 250 triệu người trên 60 tuổi. Con số này có thể lên đến 500 triệu người vào năm 2050, tương đương 35% tổng dân số.

Bạn đã bao giờ nghe đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già với mức chi phí chỉ 0,15 USD (1 Nhân dân tệ)/ngày chưa? Đây là dịch vụ mà Lanchuang Network Technology đang thực hiện để tiếp cận thị trường người cao tuổi đang ngày một đông ở Trung Quốc.

Chỉ với một bộ điều khiển trung tâm kết nối với tivi kèm hệ thống hỗ trợ giọng nói, những người già Trung Quốc có thể mua thuốc trực tuyến cũng như chi trả cho các dịch vụ khác như dọn dẹp hay giao đồ ăn. Tất cả chỉ với mức phí 1 Nhân dân tệ/ngày.

Nếu trả thêm 2 Nhân dân tệ/ngày, khách hàng sẽ được cung cấp thêm dịch vụ thông báo khẩn cấp đến trung tâm y tế khi cần.

Mặc dù chỉ mới khai trương 4 tháng nhưng Lanchuang đã ký kết được 220.000 hợp đồng cho người già ở 16 thành phố. Công ty hiện hướng tới mục tiêu 1,5 triệu khách hàng trong năm nay và 12 triệu trong năm tới, đạt 30 triệu vào năm 2021.

Dịch vụ chăm sóc người già 1 Nhân dân tệ/ngày ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Điều thú vị là startup này không hướng đến việc thu lợi nhuận từ người già, những khách hàng chỉ có lương hưu thấp, thậm chí là vài trăm Nhân dân tệ/tháng. Mục tiêu thu lợi của Lanchuang là những công ty cung cấp dịch vụ y tế với kỳ vọng xây dựng được hệ thống khách hàng đủ lớn để thu hút được các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe tham gia.

"Thị trường chăm sóc cho người già ở Trung Quốc khá lớn nhưng dịch vụ trong ngành này thì vẫn khá rời rạc", CEO Li Libo của Lanchuang cho biết.

Hiện Lanchuang thậm chí đã hợp tác với China Mobile để phát triển ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên điện thoại cho người cao tuổi, tạo nên hệ thống chăm sóc thông minh tại gia cho hộ gia đình.

Thị trường chăm sóc sức khỏe người già Trung Quốc hiện khá tiềm năng bởi quốc gia này có tới 250 triệu người trên 60 tuổi. Con số này có thể lên đến 500 triệu người vào năm 2050, tương đương 35% tổng dân số.

Bản thân CEO Lin cũng thấu hiểu sự vất vả của con cháu khi phải chăm sóc cho người cao tuổi. Mẹ của ông bị tắc đường tiết niệu và đã phải làm phiền con gái của bà khá nhiều vào những lúc nửa đêm.

"Tôi ước mình có thể kiếm được bác sĩ ngay lúc đó để chăm cho mẹ nhưng họ lại không thể túc trực 24 giờ mỗi ngày được", cô Lin tâm sự.

Chăm sóc người già hiện đang là thách thức cực lớn trong xã hội Trung Quốc khi chính sách 1 con khiến nhiều bạn trẻ phải chăm cả bố mẹ đẻ lần họ hàng nhà vợ, tạo nên sức ép vô cùng lớn. Đó là chưa kể rất nhiều thanh thiếu niên bỏ lên thành phố để mưu sinh, để lại những người giả cả ở quê.

Trong khi đó, những viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc người già mọc lên khá nhiều ở Trung Quốc, nhưng chi phí lại quá đắt đỏ cho phần lớn hộ gia đình. Đó là chưa kể những vụ bê bối hành hạ, ngược đãi người già ở nhiều trung tâm. Khảo sát gần đây cho thấy ¾ số người già Trung Quốc mong muốn được sống tại gia hơn là vào các viện dưỡng lão như vậy.

Dịch vụ chăm sóc người già 1 Nhân dân tệ/ngày ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Chính phủ vào cuộc

Trong khi chính quyền Bắc Kinh đang nhanh chóng xây dựng chính sách trợ giúp người cao tuổi và hệ thống dưỡng lão thì chính quyền địa phương lại khá lóng ngóng về việc này. Theo nhiều nhận định, chính quyền địa phương tại Trung Quốc không coi trọng việc chăm sóc sức khỏe người già bởi họ còn có nhiều nhiệm vụ khác cần làm hơn.

Dẫu vậy tình hình đang dần thay đổi. Tháng 4/2019, chính quyền Bắc Kinh đã ban hành văn bản cụ thể về việc phải phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại địa phương, bao gồm cả việc phát triển công nghệ y tế cũng như hỗ trợ về tài chính.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã cấp gần 22 triệu Nhân dân tệ (3 triệu USD) để hỗ trợ Lanchuang trong việc phát triển. Riêng tỉnh Shandong, nơi đặt trụ sở của Lanchuang cũng đã chi 3 triệu Nhân dân tệ cho startup này.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình hình hiện nay đã thay đổi khi Trung Quốc coi trọng hơn về người già. Nhà khởi nghiệp người Mỹ Wang Jie cho biết mình đã từng có ý tưởng giống Lanchuang nhưng vấp phải khá nhiều khó khăn cách đây 10 năm ở Trung Quốc. Hàng loạt những nghi vấn từ chính quyền đặt ra khi ông đề xuất ý tưởng lắp hệ thống cảm biến cho các hộ gia đình có người già ở Trung Quốc.

Năm 2013, anh Wang sang Canada để thử nghiệm ý tưởng của mình và về nước xây dựng lại dự án vào năm 2013. Sau nhiều cố gắng, dự án của anh Wang đã được 2 quận tại Bắc Kinh chấp nhận và đang đàm phán với 3 quận nữa.

Trong năm 2019, công ty Beijing eCare Smart Tech đã bán được vài trăm chiếc cảm biến lắp cho các hộ gia đình ở Bắc Kinh.

"Nếu một người già qua đời và họ chỉ bị phát hiện 3 ngày sau đó thì đây sẽ là hình ảnh rất tiêu cực với chính quyền địa phương, bởi vậy các quan chức không muốn điều đó", anh Wang nói.

Dịch vụ chăm sóc người già 1 Nhân dân tệ/ngày ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Còn nhiều gian nan

Tại những quốc gia lão hóa cao như Mỹ, Anh hay Hàn Quốc, ngành kinh doanh chăm sóc sức khỏe người già đã vô cùng phát triển với hàng loạt công nghệ, từ nhận diện giọng nói cho đến robot kết bạn với người cao tuổi tại gia.

Tuy nhiên tại Trung Quốc, mọi thứ vẫn còn quá sớm.

Trung tâm Zhuojing Healthcare Center tại Weifang, một trong 147 trung tâm cộng tác với Lanchuang cho biết mỗi ngày họ chỉ nhận được 1-2 cuộc gọi qua hệ thống.

Khảo sát của hãng tin Reuters tại 2 hộ gia đình sử dụng dịch vụ của Lanchuang cũng cho thấy người già phần lớn dùng bộ ứng dụng này để gọi video cho người thân.

Cô Zhao Xi, 55 tuổi, cho biết mình mua bộ ứng dụng này để liên lạc với mẹ của mình sống gần đó. Do quanh khu vực của cô chưa có cửa hàng mua sắm hay thực phẩm nào kết nối với Lanchuang nên số lượng dịch vụ mà bộ ứng dụng cung cấp còn khá hạn chế.

Thậm chí, bản thân cô Zhao còn chẳng biết chiếc nút đỏ thông báo khẩn cấp cho cơ sở y tế là cái gì.

"Nó là nút bật/tắt thiết bị à?", cô Zhao tò mò hỏi.

AB

Cùng chuyên mục
XEM