Cuộc chiến kép của ông Trump nhằm "hạ gục" Trung Quốc: Hồi gay cấn còn ở phía trước
Những ngày tới đây sẽ rất quan trọng để xác định liệu TQ và Mỹ có tiếp tục dìm nhau và dìm nền kinh tế toàn cầu xuống mức suy thoái, hay liệu bằng cách nào đó cả hai sẽ rút lui?
"Chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thắng!" – Donald Trump
Sau những đòn thuế quan và trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong tháng 5 năm 2018, các nhà quan sát hy vọng hai nước sẽ nỗ lực chấm dứt chiến tranh thương mại trong những tháng tới.
Tưởng như đã cầm chắc trong tay một thỏa thuận thương mại vào tháng 6 thì ngay tháng 7 các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ đột ngột rời bàn đàm phán, từ bỏ cuộc thương lượng kéo dài suốt nhiều tháng trời. Không ai biết lý do thực sự vì cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Donald Trump phàn nàn rằng chính phủ Trung Quốc đã không mua đủ số lượng đậu nành như thỏa thuận. Trung Quốc lại tuyên bố rằng ngay từ đầu, họ chưa bao giờ đồng ý với các điều khoản thương mại.
Các cuộc đàm phán sau đó cũng không đi đến đâu khiến Tổng thống Trump không còn giữ được bình tĩnh nữa và quyết định phá thế bí: Từ 1/9 tới, Mỹ sẽ áp tiếp 10% thuế lên tổng lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào nước này nếu hai bên không đạt được thoả thuận thương mại. Mức thuế quan ông Trump đưa ra sẽ áp dụng cho toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Thực tế là từ tháng 3/2018, Mỹ đã bắt đầu áp 25% thuế lên 300 tỷ đô la hàng hoá và sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Thời gian không còn nhiều nữa.
Hầu hết báo chí Mỹ, thậm chí cả đến các cố vấn thương mại của ông Trump và đặc biệt các nhà đàm phán Trung Quốc đều cho rằng việc ông Trump đe doạ đòn thuế quan là một bất ngờ. Có vẻ như ban đầu ông Trump muốn tiếp tục đàm phán mà không áp đặt thuế quan. Nhưng, đúng chất của ông chủ Nhà Trắng, mọi việc đột nhiên đổi chiều.
Không chịu thua kém, ngày 5/8, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ gây ra tổn thất kỷ lục trên các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu. Chỉ số Dow Jones đã giảm 767 điểm tương đương 2,9% trong ngày giao dịch tồi tệ nhất năm 2019.
Ngay lập tức, ông Trump tuyên bố Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ" – đây là một đòn mạnh giáng vào uy tín của Trung Quốc trong giới tài chính quốc tế. Ngay sau đó, Trung Quốc đã có động thái "xoa dịu" với mức tăng nhẹ của đồng Nhân dân tệ khiến thị trường nhúc nhích chút ít.
Đến lượt mình, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tẩy chay toàn bộ các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ trị giá 5,9 tỷ USD. Sau đó, để trả đũa, ông Trump tuyên bố duy trì lệnh trừng phạt đối với "ông lớn" Huawei – động thái này sẽ làm kiệt quệ tập đoàn công nghệ đa quốc gia Trung Quốc và các công ty đối tác của họ trên toàn cầu. Ông Trump cũng công bố gói cứu trợ cho nông dân Mỹ trị giá 16 tỷ đô la để giảm ảnh hưởng xấu đến ngành nông nghiệp Mỹ.
Tiếp đó, ông chủ Nhà Trắng gửi đi thông điệp mạnh mẽ trên Twitter, gây áp lực cho FED giảm lãi suất cơ bản để cạnh tranh với sự mất giá của đồng Nhân dân tệ. Ít có khả năng FED sẽ tuân thủ bởi họ không lệ thuộc vào các ảnh hưởng chính trị. Chỉ đến tuần trước, lãi suất cơ bản đã được giảm. Mặc dù vậy, điều này cho thấy ông Trump đang tính đến việc phát động một cuộc chiến tiền tệ song song với cuộc chiến thương mại.
Khác với Mỹ, Trung Quốc kiểm soát Ngân hàng Trung ương của họ, thậm chí đã phá giá đồng Nhân dân tệ từ trước ngày 8/8, sau đó lại có động thái "xoa dịu". Thị trường toàn cầu chao đảo khi các nhà đầu tư và các chính phủ cố gắng đoán trước các bước đi tiếp theo của ông Trump và Trung Quốc.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều có các công cụ tài chính bổ sung có thể dùng để trừng phạt lẫn nhau chẳng hạn như khép cánh cửa đối với các hoạt động đầu tư của đối phương. Và cả hai quốc gia đều không ngần ngại gì trong việc dùng con bài này.
Những ngày tới đây sẽ rất quan trọng để xác định liệu Trung Quốc và Mỹ có tiếp tục dìm nhau và dìm nền kinh tế toàn cầu xuống mức suy thoái hay không, hay liệu bằng cách nào đó cả hai sẽ rút lui? Các chỉ dấu thể hiện không có gì khả quan: Ngày 10/8, ông Trump tuyên bố sẽ không có cuộc gặp nào với phía Trung Quốc trước ngày 1/9, đúng ngày đòn thuế mới chính thức có hiệu lực.
Mọi việc đang rối như tơ vò!
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump hứa sẽ tái cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc - trong nhiều thập kỷ, mối quan hệ này chỉ có lợi cho Trung Quốc trong khi Mỹ phải gánh chịu tổn hại. Mỹ đã chơi trò chơi thương mại này theo các quy tắc của WTO trong khi Trung Quốc lại áp dụng quy tắc riêng để có lợi cho mình.
Theo các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ông Trump đã bắt đầu từ bỏ hệ thống thương mại có quy tắc và chọn một hệ thống dựa trên quyền lực để ông có thể đối đầu với hành vi của Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng để đạt được một kết quả có lợi bằng cách đẩy các sự kiện nguy hiểm đến bờ vực của xung đột hoạt động (brinksmanship): Mỗi bên đều sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại, và hiện giờ là cuộc chiến tiền tệ, trừ khi có một bên chịu nhượng bộ.
Với Mỹ, mục tiêu của chính sách thương mại là giảm thâm hụt thương mại của nước này trong trao đổi thương mại với Trung Quốc; tăng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, đồng thời giảm nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ; trả lại cho nước Mỹ số việc làm và những doanh nghiệp của Mỹ đã bị Trung Quốc "đánh cắp"; loại bỏ hành vi trộm cắp trên mạng của Trung Quốc; cải thiện an ninh quốc gia gắn liền với thương mại; và kiểm soát chủ nghĩa bành trướng toàn cầu của Trung Quốc.
Ông Trump tin rằng thuế quan tăng sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ hệ thống thương mại có quy tắc. Trong nhiều thập kỷ kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc đã áp dụng các thực tiễn thương mại không công bằng cho phép nước này phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khi Mỹ và các quốc gia khác phải gánh chịu tổn hại.
Lập luận của ông Trump là Trung Quốc xuất khẩu 539,5 tỷ đô la hàng năm sang Mỹ, nhưng Trung Quốc chỉ nhập khẩu 120,3 tỷ đô la hàng hoá và sản phẩm từ các công ty Mỹ, gây ra khoản thâm hụt thương mại khổng lồ trị giá 419 tỷ đô la. Như vậy chỉ từ năm 2017 đến 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng từ 375,5 lên 419 tỷ đô la.
Ông Trump đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại bằng cách gây áp lực buộc Trung Quốc "tự do hoá" hệ thống giao dịch của mình để giải quyết các vấn đề sau đây.
Trung Quốc đã lấy đi việc làm của người Mỹ bằng cách sản xuất hàng hóa rẻ hơn nhiều so với hàng hoá Mỹ với cách thức không công bằng. Trump cáo buộc Trung Quốc trợ cấp rất nhiều cho các doanh nghiệp nhà nước và và các tập đoàn bán quốc doanh lớn để khiến các công ty Mỹ phải bật ra khỏi thị trường.
Trung Quốc cũng ngăn chặn một số công ty Mỹ làm ăn tại nước này hoặc kiểm soát họ thông qua các quy định và áp lực pháp lý có lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc thực hiện gián điệp công nghiệp thông qua hành vi trộm cắp trên mạng để chiếm đoạt tài sản trí tuệ, bí mật thương mại và kế hoạch kinh doanh cho các công ty Trung Quốc khai thác. Nước này cũng buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ tài sản trí tuệ của họ để đổi lấy cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc.
Ngoài việc tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, ông Trump đang làm tê liệt "ông lớn" viễn thông Huawei bằng cách cấm tập đoàn này hợp tác với các công ty Mỹ để sản xuất điện thoại thông minh, bộ định tuyến internet và thiết bị liên lạc.
Nhiều chuyên gia tin rằng cuộc chiến thương mại là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm chống lại sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc ở châu Á và trên toàn thế giới. Việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp, xây dựng trái phép trên các đảo, đá với mục đích kiểm soát Biển Đông, sáng kiến Vành đai Con đường với hạ tầng giao thông kết nối Trung Quốc với các đối tác thương mại từ khắp châu Á đến châu Phi và châu Âu, và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang làm thay đổi cán cân quyền lực.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã đổ thêm dầu vào lửa trước những bất ổn ở Hồng Kông, hỗ trợ Đài Loan đối trọng với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng giúp Venezuela chống đỡ đòn trừng phạt của Mỹ đối với nước này.
Ông Trump đang tăng cường củng cố và hiện đại hóa quân đội Mỹ, đặc biệt là năng lực vũ khí hạt nhân. Mới gần đây, Mỹ tuyên bố cân nhắc việc đặt vũ khí hạt nhân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đã có rất nhiều suy đoán về thất bại của thoả thuận thương mại Mỹ-Trung. Có giả thuyết cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vấp phải sự phản đối của các phe phái lớn trong chính phủ, quân đội và những doanh nghiệp không ủng hộ thỏa thuận này. Những giả thuyết khác cho rằng Chủ tịch Tập muốn thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trước thềm kỷ niệm 70 năm thành lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cả hai giả thuyết này đều không có căn cứ: Những thành công gần đây của ông Tập trong việc củng cố quyền lực ở Trung Quốc đã khiến ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông đến giờ.
Nhiều khả năng, Trung Quốc đang chơi trò "câu giờ" khi đàm phán thương mại với Mỹ. Có lẽ, Trung Quốc tin rằng việc đàm phán với ông Trump sẽ chẳng đi đến đâu. Và họ có thể đàm phán tốt hơn nếu Đảng Dân chủ thắng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2021.
Phó Tổng thống của ông Barack Obama, Joe Biden, là ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống trong đảng Dân chủ và đang dẫn trước ông Trump trong cuộc khảo sát mới đây. Ông Biden đã nói rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với Mỹ. Khi được hỏi ông đã làm gì dưới thời Tổng thống Obama để kiềm chế Trung Quốc, ông Biden nói rằng ông đã thuyết phục Trung Quốc tham gia Hiệp ước Paris về Biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Obama Obama, ông Max Baucus, gần đây đã chỉ trích ông Trump vì cách đối xử khắc nghiệt với Trung Quốc trong thương mại, cho thấy đảng Dân chủ sẽ không chủ trương đối đầu với Trung Quốc. Còn nhớ, trong suốt 8 năm làm Tổng thống, ông Obama hầu như đã không làm gì để kiềm chế sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.
Cả đảng Dân chủ và Cộng hoà đều im lặng trước tuyên bố của Tổng thống Trump gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ", mặc dù cả hai đảng đều ủng hộ việc này. Sự hậu thuẫn dành cho ông Trump ở trong nước quá ít ỏi.
Trong khi đó, từ giờ đến khi viễn cảnh Đảng dân chủ thắng cử tổng thống có thể xảy ra, Trung Quốc còn 18 tháng để gây tổn thương nặng nề cho nền kinh tế Mỹ. Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào chiến dịch tranh cử của đương kim tổng thống: Một nền kinh tế Mỹ hùng mạnh là thành tựu lớn nhất của ông.
Ngày 5/8, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ, giảm mạnh so với đô la Mỹ: Để mua 1 đô la Mỹ, người ta sẽ phải bỏ ra nhiều đồng Nhân dân tệ hơn.
Ông Trump dự định buộc Trung Quốc, chứ không phải người Mỹ, phải trả thuế nhập khẩu, từ đó cân bằng cán cân thương mại giữa các nước. Mọi lý thuyết kinh tế đáng tin cậy đều cho thấy Ông Trump đã SAI khi tin rằng đây là quân bài hiệu quả trong thương chiến.
Ông Trump lập luận rằng các công ty Trung Quốc sẽ hạ giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ bằng số tiền thuế nhập khẩu vào Mỹ. Các công ty Trung Quốc sau đó sẽ trả khoản thuế quan lên đến hàng tỷ đô cho Mỹ.
Điều này đã không hề xảy ra kể từ khi áp thuế quan chính thức vào tháng 3/2018. Các công ty Trung Quốc đã không hạ giá sản phẩm và không đóng số tiền thuế quan dự kiến. Thay vào đó, chính các công ty nhập khẩu Mỹ phải đóng thuế nhập khẩu khi nhập hàng hoá vào Mỹ. Vì vậy, thực tế là người Mỹ đang đóng hơn một nửa số tiền thuế.
Ngoài ra, việc Trung Quốc làm suy yếu đồng Nhân dân tệ khiến giá hàng nhập khẩu của Trung Quốc rẻ hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Lượng hàng Trung Quốc bán ra tại Mỹ tăng chứ không giảm.
Vì xuất khẩu Trung Quốc giảm, các nước khác đã tăng cường xuất khẩu sang Mỹ khiến tổng thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên. Đồng thời, các công ty Trung Quốc đang bắt đầu dịch chuyển sang các nước châu Á khác để tránh thuế quan của Mỹ. Điều này cũng làm tăng thâm hụt thương mại.
Phá giá cũng có nghĩa là hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn ở các nước khác, mang lại cho họ lợi thế xuất khẩu so với các nước khác bao gồm cả Mỹ.
Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận nhiều tổn thương kinh tế để vượt mặt ông Trump. Trung Quốc có thể nhìn thấy là các nhà đầu tư bắt đầu dịch chuyển vốn sang các nước khác để tránh tổn thất lớn từ việc đồng Nhân dân tệ mất giá. Các công ty đang thoái vốn khỏi Trung Quốc để tìm đến các quốc gia có chính sách hỗ trợ kinh doanh tốt hơn. Các công ty có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn trả các khoản vay bằng đô la được thực hiện vào thời điểm tỷ giá đô cao. Đặc biệt là với Hồng Kông trong bối cảnh bất ổn xã hội hiện tại thì đây sẽ là vấn đề. Các nhà đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông có thể coi đây là một dấu hiệu để họ nên rời khỏi Trung Quốc.
Có lẽ rủi ro lớn nhất đối với Trung Quốc là khi quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ và bị dán nhãn là "quốc gia thao túng tiền tệ", Trung Quốc đã cản trở chính mục tiêu dài hạn của mình là trở thành đồng tiền quốc tế có thể thay thế đồng đô la Mỹ toàn năng.
Đồng thời, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ cũng làm đồng đô la Mỹ mạnh lên. Đúng như trông đợi của Trung Quốc, điều này làm tổn thương các nhà xuất khẩu Mỹ bởi họ phải tăng giá sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài. Nhưng điều này cũng có nghĩa là số tiền đô la đầu tư vào Mỹ sẽ tăng mạnh. Với khoản nợ quốc gia của Mỹ đang ở mức 22,5 nghìn tỷ USD, đây là một điều tốt lành.
Nhưng ông Trump muốn đồng đô la giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ. Ông đã vận động FED giảm lãi suất và đang tính đến việc Bộ Ngân khố can thiệp để thao túng đồng đô la. Nói cách khác, nước Mỹ sẽ hành động như một quốc gia thao túng tiền tệ.
Ông Trump rõ ràng muốn đẩy cuộc chiến tiền tệ đi xa hơn.
Triển vọng cho tương lai
Trái với lời khẳng định của ông Trump, đến giờ chúng ta đã thấy: Chiến tranh thương mại không phải là điều tốt và không dễ thắng!
Có vẻ như các chuyên gia thương mại và tài chính quốc tế ngày càng thống nhất rằng chiến tranh thương mại còn kéo dài nhiều tháng, có lẽ đến qua kỳ bầu cử 2021. Nhưng cả ông Trump và ông Tập đều là người khó đoán định nên không có gì là chắc chắn.
Theo phân tích của Bloomberg, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai gần là 35%. Các ngân hàng trung ương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tìm cách xoay sở để tận dụng sự bất ổn toàn cầu trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại hoạt động.
Có vẻ như mối quan hệ cộng sinh giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ có từ nhiều thập kỷ sẽ bắt đầu tan vỡ. Thay vào đó là việc hình thành các mối quan hệ kinh tế mới.
Không rõ liệu Trung Quốc có tiếp tục mạo hiểm uy tín của mình trong cuộc chiến thương mại. Ông Tập đang cố gắng hết sức để Trung Quốc thay thế vị trí cường quốc toàn cầu của Mỹ, thiết lập lại hệ thống thương mại theo ý mình. Nhưng nếu Trung Quốc đi quá xa, mọi nỗ lực của họ từ trước đến giờ sẽ thành xôi hỏng bỏng không và các quốc gia khác sẽ không đi theo sự lãnh đạo toàn cầu mới của Trung Quốc nữa.
Ông Trump sẽ có thêm một tình huống điển hình nữa cho mình trong cuộc chiến thương mại, nhưng cho đến nay ông vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Giống như Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng đang đặt cược sự tín nhiệm của Mỹ vào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại. Ông Trump đã từ bỏ các đối tác và đồng minh trong cuộc chiến này để cương quyết "một mình một ngựa" - một chiến binh cô đơn trong một thế giới liên kết.
Nếu ông Tập và ông Trump nhất định từ bỏ hệ thống có quy tắc để thay thế bằng một hệ thống dựa trên quyền lực thì thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ tồi tệ khi các quốc gia hùng mạnh bắt nạt những nước yếu hơn và thường xuyên gây hấn với nhau khiến tất cả các bên đều bất lợi.
Thật không may, hệ thống thương mại chỉ là một phần của vấn đề. Vấn đề lớn hơn liên quan đến việc ai sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành vị thế thống trị hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu.
Vài tháng tới bức tranh sẽ trở nên rõ ràng hơn.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.