Đây là khó khăn lớn nhất trong cuộc đời kinh doanh của nữ tướng FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp

16/03/2018 08:32 AM | Kinh doanh

Nhân sự cũng được xem là 1 trong những bài toán đau đầu không chỉ với bà Điệp mà còn với nhiều lãnh đạo đứng đầu ngành bán lẻ khác.

"Đạt mục tiêu doanh thu không khó, nhưng thay đổi nhận thức của đội ngũ là rất khó", CEO Nguyễn Bạch Điệp của FPT chia sẻ với tạp chí Forbes trong một bài phỏng vấn. Vị nữ tướng ngành bán lẻ còn thừa nhận đây là khó khăn lớn nhất trong cuộc đời mình.

Khi kinh doanh không phải là khó

Gia nhập FPT từ thập niên 90, bà Điệp trải qua nhiều công ty khác nhau trong tập đoàn này từ FIS, FMB, Ftelecom. Năm 2010, bà Điệp được giao gia nhập dự án liên doanh bán lẻ với giữa FPT và tập đoạn Alpha Mart của Indonesia. Dự án này sau không thực hiện nhưng là nền tảng để bà Điệp tham gia vào ngành bán lẻ sau này.

Dự án tự tay xây dựng chuỗi FPT Retail từng đứng trên thế chông chênh 50-50 được phê duyệt khi thời điểm này tập đoàn cũng đang cân nhắc mua lại một chuỗi bán lẻ đã có mặt trên thị trường. Bà Điệp tiết lộ lá phiếu đồng ý của chủ tịch Trương Gia Bình mang tính quyết định cho việc FPT Retail ra đời. Dự kiến ban đầu chuỗi này sẽ lỗ trong 3 năm đầu tuy nhiên dưới sự chèo lái của bà Điệp cùng các công sự, FPT Retail lỗ ít hơn dự kiến trong 2 năm đầu và bắt đầu có lãi từ năm thứ 3.

Theo số liệu của FPT Retail công bố hiện có 469 cửa hàng với doanh thu khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Nếu so sánh với Thế giới di động, con số này còn khá khiêm tốn nhưng là chiến tích lớn với bà Điệp khi chỉ trong 6 năm gây dựng từ 17 cửa hàng lên con số hiện tại. Công ty cũng dự kiến doanh thu năm 2018 sẽ tiếp tục tăng lên 17,5 nghìn tỷ đồng và hướng tới 25,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. Lợi nhuận dự kiến cũng kỳ vọng đạt 659 tỷ đồng vào năm 2020.

Bà Điệp cũng tự hào chia sẻ với Forbes rằng doanh thu trên mỗi mét vuông của hàng của FPT Retail là 16.000 USD, cao hơn các đối thủ khác cùng ngành bán lẻ điện máy, di động.

Đây là khó khăn lớn nhất trong cuộc đời kinh doanh của nữ tướng FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp - Ảnh 1.

Tất nhiên nếu so sánh biên lợi nhuận thì FPT Retail vẫn thua xa người đứng đầu. Theo số liệu của SSI, tỷ suất lội nhuận ròng quý 4 năm 2017 FPT Retail là 2,9%, cao hơn 1,9% cùng kỳ 2016 nhưng vẫn thấp hơn mức 3,5% của Thế giới di động. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Đức Tài chủ tịch của Thế giới di động cũng từng giải thích về con số 3,5% này đáng lẽ phải là cao hơn nhưng tập đoàn này chấp nhận để duy trì chính sách đổi trả, vì lợi ích của khách hàng.

Vai trò của đội ngũ nhân sự

Không phải là ngẫu nhiên mà 3 việc quan trọng đầu tiên trong quá trình xây dựng FPT Retail của bà Điệp gồm: Đào tạo nhân viên, xây dựng phần mềm quản trị và nghĩ cách tạo ra sự nhận diện trong thời gian ngắn nhất có thể. Nhân sự cũng được xem là 1 trong những bài toán đau đầu không chỉ với bà Điệp mà còn với nhiều lãnh đạo đứng đầu ngành bán lẻ khác.

Xét trong ngành bán lẻ điện máy, điện thoại, ông Tài của Thế giới di động cũng rất nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân sự. Theo ông chỉ cần một đội ngũ đâu ra đó, tất cả sẽ làm được. Đội ngũ này sẽ là tạo ra vốn, tạo ra tất cả chứ không phải vốn là thứ tạo nên đội ngũ . "5 người này không ai trùng lắp lên ai, bù cho nhau nhiều hơn là trùng lắp", Chủ tịch Thế giới di động rất tự hào về đội ngũ các thành viên sáng lập. Cũng nhờ những người này mà Thế giới di động luôn có những sáng tạo, đổi mới cũng như đồng lòng thực hiện chiến lược.

Ở cấp độ thấp hơn, để tạo ra được nhận thức tốt cũng như niềm tin cho đội ngũ nhân viên, ông Tài còn đặt họ lên vị trí thứ 2 sau khách hàng. Đồng thời chủ tịch Thế giới di động cũng luôn là người truyền niềm tin tương lai công ty tới họ.

Xét ở một ngách khác của ngành bán lẻ là các sản phẩm mẹ và bé, CEO chuỗi Bibomart Trịnh Lan Phương cũng từng chia sẻ sự thiếu hụt về nhân sự trong ngành kèm theo đó là rào cản nhận thức.

"Ở Việt Nam các bạn trẻ có tư duy học hết cấp 3 thì học đại học, ra trường làm nghề sang chảnh. Bán hàng chỉ là công việc ngắn hạn thôi và không ai muốn làm lâu dài. Từ tư duy bán hàng như vậy không ai xem đây là nghề nghiệp lâu dài. Khi họ đã không muốn làm thì không làm tốt được", CEO này từng trăn trở.

Để giải quyết bài toán này, việc đầu tiên Bibomart thực hiện sau khi tuyển dụng là lập trình lại nhận thức của những người này. Từ đó cho họ tư duy để thực sự yêu nghề bán lẻ, yêu nghề phục vụ. Sau khi truyền được niềm cảm hứng muốn làm nghề này rồi tiếp đến mới là công việc đào tao. Quá trình này cũng rất vất vả khi phải liên tục hàng năm trời, tìm được thầy giỏi cho họ.

Rõ ràng với tiềm năng lớn như vậy, bán lẻ trở thành cơ hội nghề nghiệp sáng giá cho những người trẻ có đam mê, nhiệt huyết theo đuổi ngành dịch vụ này.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM