Cựu SV Ngoại thương dành cả thanh xuân làm tai nghe xuất ngoại, công nghệ lõi tầm quốc tế mang trí tuệ Việt, từ chối lên Shark Tank vì không muốn "diễn"

28/01/2020 15:00 PM | Kinh doanh

Rất nhiều người nổi tiếng đã đặt hàng và tin dùng tai nghe inear của itsfit như nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Ngô Kiến Huy, Lâm Bảo Ngọc, Cường Seven…

Văn phòng MN Audio (tiền thân là Notes Audio) nằm gọn trong khu Up Co-working Space, một không gian làm việc chung đã không còn xa lạ với giới khởi nghiệp trong nước. CEO Nguyễn Công Tuấn mời tôi đến tham quan lab, nơi thường rất ít người ngoài được ghé đến với lý do để hạn chế tối đa các tác động bên ngoài làm ảnh hưởng, xao nhãng đến công việc nghiên cứu của kỹ sư.

Không có nhiều nhân viên, diện tích phòng nghiên cứu khá khiêm tốn, còn những thiết bị âm thanh, con chip, từ hoàn chỉnh đến đang trong quá trình "giải phẫu" thì ở khắp mọi nơi.

Tất cả, đều được phát triển bởi trí tuệ của kỹ sư Việt!


TÔI THÍCH HỌC NHỮNG THỨ MÌNH THIẾU 

Hành trình và tình yêu với công nghệ, có lẽ đã sớm được Tuấn nhen nhóm từ thời thơ bé. Người ba làm thuyền trưởng thường xuyên mang về cho anh những món đồ công nghệ, sản phẩm nghe nhìn mà thời bấy giờ trong nước còn rất hiếm.

Thời phổ thông, Tuấn cũng có thiên hướng mạnh hơn về các môn khoa học tự nhiên khi học chuyên Toán, Lý. Nhưng thay vì chọn Bách Khoa hay một trường kỹ thuật nào khác, anh đăng ký và thi đỗ Đại học Ngoại thương - một trường về kinh tế.

Tại sao vậy? 

"Tôi thích học những thứ mình thiếu, để bổ trợ cho những gì mình thích và muốn làm. Thú thật, tôi không thích học nhiều và muốn một môi trường năng động, cởi mở, nên Đại học Ngoại thương là lựa chọn hợp lý."

Cựu SV Ngoại thương dành cả thanh xuân làm tai nghe xuất ngoại, công nghệ lõi tầm quốc tế mang trí tuệ Việt, từ chối lên Shark Tank vì không muốn diễn - Ảnh 1.

Năm 2007, khi mới vào đại học, Tuấn đã hừng hực khí thế, bắt tay vào làm luôn. Ban đầu chỉ dừng lại ở việc buôn bán tai nghe của một số thương hiệu từ Nhật Bản, Trung Quốc, nhưng sau đó, cậu sinh viên bắt đầu nghiên cứu công nghệ sâu hơn và cộng tác cùng đối tác để tạo ra sản phẩm theo ý mình.

"Tôi tham gia nghiên cứu sản xuất sản phẩm âm thanh cùng với một vài người bạn Trung Quốc, vì lúc ấy Việt Nam chưa đủ công cụ và chuỗi cung ứng. Bắt đầu bằng việc trao đổi, làm việc online và gửi các mẫu sản phẩm qua lại để cùng phát triển, sau mới sang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất và nhà máy. Đến năm 2009 – 2010, sản phẩm đã có trên Amazon, bán ở nhiều quốc gia như Canada, Mỹ, Anh, Nga, Tây Ban Nha,… và sản lượng bán chủ yếu đến từ thị trường ngoài Việt Nam."

Thời điểm 10 năm về trước, máy nghe nhạc cao cấp như iPod còn hiếm, thị trường tai nghe đang bùng nổ lại ít cạnh tranh nên có những lúc, thu nhập của Tuấn lên tới 4000 – 5000 USD/tháng từ các thị trường nước ngoài.

Không chỉ với một cậu sinh viên còn chưa tốt nghiệp, thậm chí với những người đang đi làm, đó quả là khoản thu nhập đáng mơ ước. Tuy nhiên, khoản tiền đó chỉ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của cá nhân, còn mong muốn xây dựng 1 chuỗi cung ứng – sản xuất riêng, đặc biệt tại Việt Nam của Tuấn thì chưa đủ. 

Khoảng thời gian 2010, trong không khí "Đại lễ 1000 năm Thăng Long", Tuấn cùng nhóm thiết kế, tung ra sản phẩm tai nghe có in họa tiết Rồng Triều Lý nhưng rồi chỉ bán đượcở một số nước ngoài Việt Nam. Sau đó thương hiệu cùng làm với các bạn Trung Quốc không bảo hộ được tại thị trường Trung Quốc do anh chưa hiểu biết nhiều về sở hữu trí tuệ.


Samsung – kẻ xác định lại cuộc chơi

Năm 2015, bằng cách cung cấp tai nghe cao cấp AKG như một phụ kiện kèm điện thoại và thậm chí là bán ra thị trường dạng phụ kiện giá rất rẻ, SamSung đã khiến thị trường tai nghe cá nhân trở nên bão hòa. Bài toán với sản phẩm phổ thông ngày càng khó và nguyện vọng nâng cao tiêu chuẩn nghe cho số đông đã có người giải, Tuấn quyết định tập trung vào làm tai nghe custom (tai nghe đúc riêng theo khuôn tai của từng người), bắt đầu nghiên cứu mạch xử lý âm thanh, đồng thời cùng sáng lập một thương hiệu dành riêng cho thị trường quốc tế có tên Simphonio.

Những sản phẩm của Simphonio

Simphonio tập trung vào các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức, hướng đến khách hàng là giới ca – nghệ sĩ, người chơi nhạc chuyên nghiệp. Tại xứ sở hoa anh đào, sản phẩm của Simphonio đã nhận được giải thưởng từ Tokyo Headphone Festival và giải vàng VGP cho tai nghe cao cấp trên 2000 USD. Tuấn cho biết doanh số bán hàng của Simphonio tại thị trường nước ngoài đã đạt trên 1 triệu USD đối với các tai nghe cao cấp có giá từ 300 – 2.500 USD.

Trong khi đó, mảng tai nghe custom trước đây là một nhánh trong Notes Audio hiện được phát triển thành một thương hiệu riêng, hoạt động độc lập có tên itsfit – itsfit Lab. Rất nhiều người nổi tiếng đã đặt hàng và tin dùng tai nghe inear của itsfit như nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Ngô Kiến Huy, Lâm Bảo Ngọc, Cường Seven…

Tai nghe custom của itsfit 


Công nghệ lõi mang trí tuệ Việt?

Năm 2015, Tuấn cùng nhóm kỹ sư Việt Nam bắt đầu triển khai thêm dự án nghiên cứu mạch xử lý khuếch đại và kế đó là chip xử lý âm thanh (từ 2017) với nguyện vọng tiến đến công nghệ lõi mang trí tuệ của người Việt Nam. Sau hơn 4 năm làm nghiên cứu phát triển, những sản phẩm đầu tiên mang tên Sóng biển Đông và Thác rừng Tây Bắc đang chuẩn bị được giới thiệu.

Tôi có hỏi: “Anh ấp ủ gì đằng sau những sản phẩm với cái tên nghe rất Việt Nam này, hay chỉ đơn thuần là để nghe cho “kêu”?

“Tâm nguyện đầu tiên, đương nhiên là nâng cao trải nghiệm nghe của người dùng, trước hết khẳng định bằng cách hướng đến những đối tượng nhạy cảm với âm thanh, giới nghệ sĩ, ca sĩ. 

Nhưng bên cạnh đó là thông điệp hãy chú ý đến những tài nguyên môi trường, đặc biệt là rừng và biển, để khơi gợi lòng tự hào và sự chú ý của mọi người đến vấn đề này. Từ đó tìm hiểu sâu để có hiểu biết về nơi mình đang sống, các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần bảo vệ. Kế đó là phát triển các phương thức sản xuất mang tính tri thức cao để chuyển hoá tốt hơn các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, lưu giữ được vẻ đẹp tự nhiên cho các thế hệ sau.”

Cựu SV Ngoại thương dành cả thanh xuân làm tai nghe xuất ngoại, công nghệ lõi tầm quốc tế mang trí tuệ Việt, từ chối lên Shark Tank vì không muốn diễn - Ảnh 4.

Sản phẩm Sóng biển Đông của MN Audio

Tuấn tự hào và khẳng định đội ngũ của mình tự thiết kế được con chip và đang hoàn thiện ở tầm chất lượng quốc tế, vẽ và thử nghiệm được mạch khuếch đại cao, tỷ lệ nội địa hóa đạt tới 70% – 90% trên giá trị, tùy từng sản phẩm.

Founder sinh năm 1989 chia sẻ: “Các tập đoàn công nghệ Việt Nam đa số đang phải đi mua nguyên các giải pháp, bảng mạch, chip từ các hãng nước ngoài. Thiểu số bắt đầu tuỳ biến, tuỳ chỉnh được một số thứ dựa trên những giải pháp đã mua. Tất cả đều phải đi mua linh kiện từ nhiều nơi khác nhau, không ai làm một mình cả. Mình chỉ có thể gọi là tiến vào công nghệ lõi, chứ ai nói làm và sở hữu được 100% công nghệ của Việt Nam thì tôi cho đó là ảo tưởng.”

Cựu SV Ngoại thương dành cả thanh xuân làm tai nghe xuất ngoại, công nghệ lõi tầm quốc tế mang trí tuệ Việt, từ chối lên Shark Tank vì không muốn diễn - Ảnh 5.

Nếu như tai nghe custom thiên về tính nghệ thuật, thủ công nhiều thì chip âm thanh và mạch khuếch đại, hệ thống loa dường như gánh trên vai sứ mệnh lớn lao hơn, đi vào công nghệ lõi để sản xuất phần điện tử bên trong và cơ khí chính xác bên ngoài với chất lượng đồng đều, sau đó hướng tới bán giải pháp chuyên về công nghệ âm thanh cho các tập đoàn trong nước và quốc tế.


Từ chối lên sóng Shark Tank vì không muốn diễn

Làm phần cứng tốn kém, cả thời gian lẫn chi phí nghiên cứu, Tuấn cũng đã tiêu không ít tiền.

Cựu SV Ngoại thương dành cả thanh xuân làm tai nghe xuất ngoại, công nghệ lõi tầm quốc tế mang trí tuệ Việt, từ chối lên Shark Tank vì không muốn diễn - Ảnh 6.

“Trước khi gọi vốn xây dựng MN Audio, tôi đã đốt khoảng 200.000 USD của mình và gia đình rồi. Sau đó là 50.000 USD của anh Namster (sáng lập UpGen). Tiếp đấy là sự đồng hành của VSV (Vietnam Silicone Valley) với 50.000USD và gần đây, MN Audio tiếp tục được một nhà đầu tư thiên thần cùng một quỹ của Hàn Quốc đầu tư và hiện giá trị của công ty đã vượt ngưỡng 1,8 triệu USD.”

Con đường phía trước còn dài và vị CEO biết sẽ phải sử dụng thêm nhiều tiền nữa, cần tiếp tục gọi vốn thêm nữa. Nhưng tìm ở đâu thì tìm, chứ không phải trên Shark Tank.

“Được nhận lời đề nghị tham gia Shark Tank Việt Nam nhưng tôi từ chối. Dù có sức lan tỏa lớn nhưng tôi cho rằng chương trình không phù hợp với mô hình của MN Audio. Tôi lại không thích diễn. Hơn nữa, khi sản phẩm chưa hoàn thiện mà vội truyền thông, người ta sẽ nhìn mình và đồng đội như người đã thành công, sẽ tạo áp lực và gây xao nhãng cho đội ngũ.”


Tham vọng số 1 thị trường

“Sau hơn một thập kỷ làm công nghệ phần cứng, tôi biết mình vẫn chưa thành công. Thành tựu lớn nhất của bản thân đến bây giờ là quy tụ được những người bạn đồng hành và học hỏi, phát triển cùng họ.

May mắn, tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Nhưng có nhiều giai đoạn vẫn phải tự đối mặt với những thử thách riêng, áp lực riêng. Áp lực thì luôn luôn có, nhưng muốn làm điều mình thích, mình tin tưởng thì phải kiếm tìm niềm tin và nguồn lực trong chính bản thân mà thôi.”

Cựu SV Ngoại thương dành cả thanh xuân làm tai nghe xuất ngoại, công nghệ lõi tầm quốc tế mang trí tuệ Việt, từ chối lên Shark Tank vì không muốn diễn - Ảnh 7.

Năm mới đã đến, anh có mục tiêu gì không? - người viết hỏi.

“Mục tiêu của tôi trong năm 2020 là đưa MN Audio trở thành nhà cung cấp sản phẩm và giải pháp âm thanh cao cấp số 1 Việt Nam và tiến ra thị trường quốc tế.”

Thùy Dương

Cùng chuyên mục
XEM