Cuộc chiến đốt tiền trong thị trường giao đồ ăn: Grab 'ví dày nhất', chiếm ngôi vương ở 7 thị trường nhưng mãi không có lãi
Nhờ niêm yết thông qua công ty SPAC, Grab đã nhận được một khoản tiền mặt lớn. Vì vậy, so với những đối thủ khác, họ có vị trí tiền mặt tốt nhất.
Tờ Nikkei nhận định, nhà phát triển siêu ứng dụng Grab đang củng cố vị thế là công ty giao đồ ăn thống trị tại Đông Nam Á, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của mảng dịch vụ kỹ thuật số từng bùng nổ này chậm lại đáng kể.
Hiện Grab đang dẫn đầu tại Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines theo báo cáo được công bố bởi Momentum Works có trụ sở tại Singapore. Công ty tư vấn này xuất bản thông tin chi tiết hàng năm về một trong những phân khúc dịch vụ phát triển nhanh nhất, vốn đã thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng internet trong những năm gần đây.
Grab chiếm 54% tổng giá trị thị trường giao đồ ăn của khu vực ASEAN vào năm ngoái, tiếp theo là các đối thủ Foodpanda ở mức 19% và Gojek ở mức 12%, dựa trên ước tính của Momentum Works. Báo cáo lưu ý rằng Grab đã giành lấy vị trí dẫn đầu tại Malaysia từ Foodpanda và từ ShopeeFood tại Việt Nam trong giai đoạn này.
Jianggan Li, Giám đốc điều hành của Momentum Works cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến vào thứ Ba: “Nhờ niêm yết thông qua công ty SPAC, Grab đã nhận được một khoản tiền mặt lớn. Vì vậy, so với những đối thủ khác, họ có vị trí tiền mặt tốt nhất".
Ông Li đang đề cập đến đợt IPO của Grab tại Mỹ vào tháng 12/2021, bằng cách sáp nhập với công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) có tên Altimeter Development. Thông qua việc này, Grab đạt mức vốn hóa thị trường khoảng 34,6 tỷ USD tại thời điểm chốt phiên ngày họ IPO.
Lộ trình IPO qua công ty SPAC cho phép Grab huy động một lượng lớn vốn để mở rộng sự hiện diện của mình thông qua siêu ứng dụng, cung cấp nhiều loại dịch vụ kỹ thuật số ở Đông Nam Á trên một nền tảng Internet di động - từ gọi xe đến tài chính, giao đồ ăn…
Nhưng báo cáo của Momentum Works cho thấy việc mở rộng có thể đạt đến một bước ngoặt. Đại dịch COVID-19 đã mở ra một làn sóng tăng trưởng cho dịch vụ giao đồ ăn, khi những người tiêu dùng bị mắc kẹt ở nhà chuyển sang các dịch vụ kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu của họ.
Từ năm 2019 đến năm 2020, tổng giá trị thị trường của phân khúc giao đồ ăn tại các thị trường lớn của ASEAN tăng vọt 183%, sau đó là mức tăng trưởng 30% một năm. Tuy nhiên, năm ngoái, con số này chỉ là 5%, từ giá trị 15,5 tỷ USD lên 16,3 tỷ USD. Thậm chí, một vài thị trường như Indonesia, Thái Lan và Singapore ghi nhận sự sụt giảm.
Momentum Works lưu ý rằng lần đầu tiên sau ba năm, tăng trưởng được thúc đẩy chủ yếu bởi các thị trường giao đồ ăn nhỏ nhất trong khu vực bao gồm Philippines, Malaysia và Việt Nam, khi Đông Nam Á dần mở cửa sau các hạn chế về COVID.
Báo cáo nhấn mạnh, dưới áp lực phải tìm ra con đường dẫn đến lợi nhuận, những công ty giao đồ ăn mới và hiện tại đã tiếp tục cắt giảm trợ cấp cho người tiêu dùng và cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ.
Điều này phản ánh tình trạng thua lỗ của các công ty như Grab, vốn đã nỗ lực gây quỹ lớn để thúc đẩy tăng trưởng và thu hút khách hàng nhằm giành quyền thống trị thị trường, nhưng lại không thể hiện khả năng mang lại lợi nhuận ổn định.
Báo cáo lưu ý rằng Shopee, một đơn vị của gã khổng lồ công nghệ Singapore Sea, đã thu hẹp lực đẩy ShopeeFood của mình để tập trung vào việc làm cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi có lãi. Giống như Grab, Sea đã báo lỗ trong hàng trăm triệu USD.
Mặc dù cắt giảm trợ cấp và ưu đãi trong lĩnh vực giao đồ ăn là một hành động rõ ràng để các nền tảng cải thiện tỷ suất lợi nhuận, nhưng Momentum Works lưu ý rằng trong môi trường cạnh tranh, điều này có thể khó đạt được vì những động thái như vậy có thể mang lại thị phần cho các đối thủ cạnh tranh vẫn chịu “đốt tiền”.
Theo truyền thống, các nền tảng giao đồ ăn tạo doanh thu thông qua hoa hồng từ người bán và phí giao hàng. Báo cáo nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, các công ty đang tìm cách tạo ra doanh thu phi hoa hồng, chẳng hạn như thông qua các gói đăng ký và quảng cáo khi các đối thủ tiếp tục cạnh tranh để giành thị phần.
"Cuối cùng, sẽ chỉ có một hoặc hai nền tảng lớn có thể thống trị toàn bộ lĩnh vực", ông Li nhận định. "Những công ty nhỏ hơn sẽ chiếm những phần còn lại của hệ sinh thái - không ai muốn thấy một doanh nghiệp duy nhất thống trị thị trường cả".
Nguồn: Nikkei