Cụ ông 74 tuổi bị lừa toàn bộ tiền dưỡng già 1,7 tỷ đồng chỉ vì app gọi đồ ăn online, lập tức báo cảnh sát và chất vấn một lỗi của ngân hàng

01/10/2023 14:40 PM | Sống

Trong 6 giờ đồng hồ, một người đàn ông 74 tuổi tại Singapore đã trò chuyện trực tuyến với một người bán vịt quay thân thiện mà ông gặp trên Facebook, để rồi số tiền tiết kiệm cả đời của mình gần như “bốc hơi” ngay sau đó.

Cụ ông 74 tuổi bị lừa toàn bộ tiền dưỡng già 1,7 tỷ đồng chỉ vì app gọi đồ ăn online, lập tức báo cảnh sát và chất vấn một lỗi của ngân hàng - Ảnh 1.

Những kẻ lừa đảo đã “tẩu thoát” khoảng 70.000 USD (tương đương 1,7 tỷ đồng) từ thẻ tín dụng DBS, POSB và tài khoản ngân hàng của ông Loh, sau khi lây nhiễm phần mềm độc hại vào điện thoại Android của người này, tờ The Straits Times cho biết.

Trước đó, ông Loh tình cờ thấy một quảng cáo trên Facebook về vịt quay Bắc Kinh của một nhà cung cấp có tên là “Xiao Xiao Ya Zi” vào ngày 26/8. Ông bị lôi kéo bởi mức giá 23,8 USD cho một con vịt Bắc Kinh nặng 1,5kg với phí vận chuyển 5 USD và đã liên hệ với người bán này trên Facebook.

Ngay sau đó, người bán vịt quay nhắn tin cho Loh trên WhatsApp và hướng dẫn ông qua tin nhắn thoại để tải xuống ứng dụng của một bên thứ ba có tên là Grab&Go trên điện thoại của ông này. Ứng dụng đã nhắc Loh thanh toán 5 USD thông qua PayNow dưới dạng “tiền đặt cọc” trước khi đơn hàng của ông ấy hoàn tất.

Loh - một người từng làm về nhập khẩu, ban đầu đã nghi ngờ quảng cáo này nhưng mất cảnh giác khi người bán thuyết phục ông rằng chương trình khuyến mãi này không phải là lừa đảo.

“Tôi hỏi anh ta: 'Đây có phải là lừa đảo không?' Hắn nói rằng chẳng có ai bị lừa 5 USD và đây chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí tôi còn là người đã có kinh nghiệm và giàu trí tuệ. Vì vậy, tôi đồng ý tiếp tục sử dụng ứng dụng vì nghĩ rằng nó chỉ là 5 USD”, ông Loh nói.

Tuy nhiên trong vòng vài phút, khi vẫn đang trò chuyện với người bán, Loh thấy màn hình điện thoại của mình trống rỗng. Khi khởi động lại điện thoại nhiều lần trong vòng 30 phút, ông đã cố gắng đóng ứng dụng của Grab&Go và tắt điện thoại nhưng không thành công.

Hoảng sợ, ông Loh liên hệ với kẻ lừa đảo, người này trấn an ông rằng việc khởi động lại điện thoại là bình thường.

Sau đó gia đình ông Loh đã liên hệ ngay với Ngân hàng DBS. Nhân viên nhà băng này nói với gia đình rằng những kẻ lừa đảo đã tăng hạn mức giao dịch của ông Loh lên mức 3.000 USD. Đồng thời, họ đã chuyển đi khoảng 59.000 USD từ tài khoản DBS và tài khoản tiết kiệm POSB của ông ấy. Những kẻ lừa đảo cũng đã tạm ứng khoản tín dụng trị giá 11.000 USD bằng thẻ tín dụng DBS của Loh.

Loh cho biết ông đã để dành toàn bộ số tiền này cho việc nghỉ hưu và chi phí y tế. “Tôi không thể tin được. Tôi nghĩ sao mình lại ngu ngốc thế nhỉ? Tôi rất giận bản thân vì đã bị lừa mất số tiền tiết kiệm cả đời”, vị này nói.

Ông Loh cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ DBS và trình báo cảnh sát vào ngày 27/8 và cuộc điều tra đang diễn ra. Ông cũng đặt câu hỏi tại sao bản thân không nhận được bất kỳ thông báo nào từ ngân hàng khi hạn mức giao dịch của ông được tăng lên.

Kể từ đó, Loh đã đổi điện thoại di động và xóa các ứng dụng Facebook cũng như Internet Banking của mình. “Điều tôi học được là không nên dễ dàng tin tưởng mọi người trên mạng. Tôi không rành về công nghệ nên tốt nhất nên nhờ con tôi mua đồ trên mạng thay vì tự mình làm”, ông Loh chia sẻ.

Trong nửa đầu năm 2023, hơn 750 nạn nhân đã mất tổng cộng ít nhất 10 triệu USD do các giao dịch ngân hàng trái phép được thực hiện thông qua các phần mềm độc hại cài đặt trên điện thoại của nạn nhân.

Những kẻ lừa đảo, dưới chiêu bài “bán” tất cả mọi thứ từ bánh trung thu, vé tham quan vườn sầu riêng trên mạng xã hội, đã hướng dẫn những người mua quan tâm click vào liên kết để tải xuống ứng dụng của một bên thứ ba, sau đó cho phép kẻ lừa đảo chiếm quyền kiểm soát điện thoại của nạn nhân.

Ngay sau đó, các ngân hàng Singapore như OCBC, UOB và DBS gần đây đã công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ khách hàng khỏi các hành vi lừa đảo dựa trên phần mềm độc hại.

Theo Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM