Sang Ấn Độ chữa bệnh giá rẻ
Ấn Độ đã trở thành “hiệu thuốc của các nước đang phát triển”. Thậm chí ngày càng nhiều bệnh nhân các nước Âu - Mỹ tìm đến Ấn Độ những mong mua được thuốc generic giá rẻ.
Khi nghe các bác sĩ thông báo mắc bệnh viêm gan siêu vi C và chắc đã ung thư gan, ông Greg Jefferys, 61 tuổi, cảm thấy choáng váng. Ở Úc, ông không thể nào mua nổi biệt dược gốc Sovaldi dùng điều trị bệnh viêm gan C.
Ông nhớ lại: “Cuộc trò chuyện với các bác sĩ Úc lúc đó chỉ xoay quanh các loại thuốc generic mới ở Ấn Độ cùng gốc với biệt dược Sovaldi. Tôi liền mua vé máy bay đi Chennai và sau hai ngày đã có cuộc hẹn với thầy thuốc chuyên khoa”.
Đây là hiện tượng tôi thấy ngày càng phổ biến. Đủ dạng bệnh nhân khắp thế giới bắt đầu tìm đến thuốc sản xuất tại Ấn Độ. Họ có thể sang Ấn Độ hoặc liên hệ với một người bạn.
- Cô LEENA MENGHANEY (phụ trách chiến dịch tiếp cận thuốc chính yếu của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới)
Vừa du lịch, vừa chữa bệnh giá rẻ
Tương tự ông Greg Jefferys, nhiều bệnh nhân trên thế giới, đặc biệt là các bệnh nhân viêm gan siêu vi C, ung thư hay nhiễm HIV, cũng tìm đến Ấn Độ như niềm hi vọng sống duy nhất.
Đầu tiên họ tiếp cận với các “hội mua thuốc” hoạt động bí mật, sau đó họ đến Ấn Độ tìm nhà phân phối dược phẩm chính thức hay đánh liều đặt hàng mua trên mạng với mong ước trị bệnh bằng thuốc generic giá rẻ.
AFP ghi nhận Ấn Độ đã trở thành “hiệu thuốc của các nước đang phát triển” bởi lẽ ở Ấn Độ, chỉ các loại dược phẩm mới thì mới được bảo hộ sáng chế. Do đó, các hãng Ấn Độ chạy đua sản xuất thuốc generic với giá bán hết sức cạnh tranh.
Biệt dược Sovaldi (phân tử sofosbuvir) của hãng dược phẩm Mỹ Gilead có giá 84.000 USD cho đợt điều trị 12 tuần ở Mỹ.
Còn ở Ấn Độ, thuốc generic với giá chưa tới 900 USD cho một đợt điều trị, như thuốc MyHep của Hãng Mylan. Trong số này chỉ một ít có giấy phép nhượng quyền từ Hãng Gilead. Vì thế không ít bệnh nhân cho rằng sang Ấn để chữa bệnh vừa được đi du lịch, vừa có thể tìm được thuốc có giá phù hợp túi tiền.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 130 triệu người mắc bệnh viêm gan siêu vi C và mỗi năm có nửa triệu người tử vong do một bệnh nào đó phát triển từ viêm gan. Vì thế, từ khi ông Greg Jefferys mở trang blog, ông nhận đều đều mỗi ngày khoảng 150 thư điện tử của những người mắc bệnh cần giúp đỡ.
Ông nhận định từ chính câu chuyện của mình: “Thuốc generic điều trị viêm gan C của Ấn Độ đã cứu hàng ngàn sinh mạng mỗi tuần”.
Một trường hợp cụ thể khác là Loon Gangte - nhà hoạt động phòng chống AIDS tại New Delhi (Ấn Độ). Anh bị nhiễm HIV cách đây 19 năm. Tiền bạc của anh không mấy rủng rỉnh, vậy nên thuốc generic giá rẻ đã cứu mạng anh. Sau đó, anh mang thuốc generic từ Ấn Độ ra nước ngoài cho nhiều bệnh nhân khác.
Anh cho biết trong 10 năm qua chỉ bị bắt một lần khi đi qua hải quan Thái Lan và bị phạt tiền. Hầu hết các nước cho người nhập cảnh mang theo một ít thuốc men dùng cho cá nhân.
Các chiến dịch đấu tranh để bệnh nhân tiếp cận thuốc generic do những người như Loon Gangte tổ chức đã góp phần hình thành các “hội mua thuốc” như trong phim Dallas Buyers Club của Mỹ (phim của đạo diễn Jean-Marc Vallée sản xuất năm 2013, tựa đề tiếng Việt là Căn bệnh thế kỷ).
Chiếm thị phần thuốc generic ở Mỹ
Song song đó, các hãng dược phẩm Ấn Độ đang tìm cách lấn sân trên thị trường thuốc generic ở Mỹ. Năm ngoái, các hãng dược phẩm Ấn Độ đã chi 1,5 triệu USD mua lại các xí nghiệp dược của Mỹ và đang chiếm 19% thị trường thuốc generic ở Mỹ, tăng 13% so với năm 2010.
Báo Wall Street Journal phân tích dù chi phí lao động ở Ấn Độ thấp hơn ở Mỹ nhưng các hãng dược Ấn Độ vẫn nhảy vào Mỹ vì nhiều lý do.
Đầu tiên là thị trường thuốc generic ở Mỹ đang trở nên hấp dẫn. Ước tính đến năm 2018, thị trường này sẽ đạt doanh thu 71,9 tỉ USD. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh thuốc generic ở Ấn Độ ngày càng khốc liệt hơn.
Kế đến, luật của Mỹ bắt buộc phải sản xuất trong nước các loại thuốc có chất gây nghiện và các chất cần được kiểm soát. Vì vậy, để khỏi bị loại khỏi cuộc chơi, các hãng dược phẩm Ấn Độ đã mua cổ phần ở Mỹ. Và một khi đã bỏ vốn đầu tư, họ đã sản xuất thuốc có chất lượng tốt hơn.
Thuốc generic rộ trên mạng
Thuốc generic là thuốc có cùng hoạt chất với thuốc biệt dược gốc, được sản xuất không có giấy phép nhượng quyền và được bán trên thị trường sau khi bằng phát minh và các độc quyền đã hết hạn.
Hiện nay, các trang mạng hợp pháp cung cấp thuốc generic đang nở rộ, ví dụ như Ikris Pharma Network (IPN) ra đời hồi tháng 8-2014 ở New Delhi. Phó chủ tịch IPN Praveen Sikri nhận mỗi ngày 70 cuộc gọi của bệnh nhân tìm thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là thuốc generic Veenat của Ấn Độ.
Nguy hiểm hơn là mô hình bán thuốc qua mạng trái phép cung cấp thuốc generic không bảo đảm nguồn gốc theo kiểu “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”.