Chính phủ Trung Quốc: Alibaba đang gặp khủng hoảng niềm tin

29/01/2015 08:29 AM | Công nghệ

"Alibaba không chỉ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất kể từ khi ra đời mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực cho các công ty Internet khác đang cố gắng hoạt động đúng với pháp luật", bản báo cáo cả SAIC nhận định.

Nội dung nổi bật:

- Chính phủ Trung Quốc công bố báo cáo buộc tội Alibaba dung túng cho nạn hàng giả, hàng nhái

- Tài khoản Weibo của Alibaba đăng bài viết cho rằng các tiêu chuẩn phán xét của cơ quan chức năng không đồng nhất

- Alibaba cho biết kể từ đầu năm 2013 đến hết tháng 11/2014, Alibaba cũng đã chi 160,7 triệu USD để chống hàng giả và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.


Chính phủ Trung Quốc vừa công bố báo cáo trong đó cho rằng tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đang gặp phải “một cuộc khủng hoảng niềm tin” vì không thể loại bỏ nạn hàng giả, hối lộ và các khuyến mại dễ gây hiểu nhầm trên các trang web bán hàng trực tuyến.

Bản báo cáo khá ‘cay độc” mới được Ủy ban công nghiệp và thương mại Trung Quốc (SAIC) công bố buộc tội Alibaba dung túng cho các thương nhân hoạt động mà không có giấy phép và bán rượu cùng túi xách giả nhái theo các thương hiệu nổi tiếng. Nhân viên Alibaba cũng bị thuộc nhận hối lộ và Alibaba đã không kịp thời sửa chữa theo các khiếu nại phản hồi của khách hàng.

“Trong một thời gian dài, Alibaba không dành đủ sự quan tâm cho các hoạt động trái phép và cũng không thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Alibaba không chỉ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất kể từ khi ra đời mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực cho các công ty Internet khác đang cố gắng hoạt động đúng với pháp luật”, bản báo cáo viết.

Bob Christie, phát ngôn viên của Alibaba, từ chối bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, trong một cuộc họp với các quan chức của SAIC hồi tháng 7 năm ngoái, Alibaba đã thừa nhận rằng có những vấn đề tồn tại và Alibaba sẽ nỗ lực giải quyết cũng như tăng cường hợp tác với cơ quan quản lý.

SAIC cho biết mặc dù cuộc họp diễn ra từ tháng 7, đến nay báo cáo mới được công bố nhằm tránh ảnh hưởng đến vụ IPO của Alibaba. Hồi tháng 9/2014, Alibaba đã huy động được số tiền kỷ lục 25 tỷ USD trong vụ IPO lịch sử.

Li Muzhi, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Arete, nhận định có vẻ như SAIC đang muốn “dạy cho Alibaba một bài học”. Jack Ma không chỉ nhận được sự chú ý ở Trung Quốc mà còn được cả thế giới chú ý với những ảnh hưởng to lớn lên ngành bán lẻ. Alibaba cũng bước chân vào ngành tài chính với ngân hàng ảo đầu tiên được cấp phép ở Trung Quốc.

Bản báo cáo được công bố một ngày sau khi xuất hiện bài viết trên một trong những tài khoản Weibo chính thức của Alibaba cho rằng thanh tra đã áp dụng những tiêu chuẩn không nhất quán và cho Alibaba quá ít thời gian để phản ứng trước các lời buộc tội.

Bản thân Alibaba cũng đang nỗ lực phòng chống nạn hàng giả càng hoành hành mạnh hơn khi công ty này mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế. Alibaba cho biết đã loại bỏ 90 triệu mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trước khi IPO. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng danh tiếng của Alibaba – công ty giờ đây đã trở thành công ty công nghệ lớn nhất châu Á với giá trị vốn hóa 254 tỷ USD.

Kể từ đầu năm 2013 đến hết tháng 11/2014, Alibaba cũng đã chi 160,7 triệu USD để chống hàng giả và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.

Kết thúc phiên hôm qua (27/1), cổ phiếu Alibaba đóng cửa ở mức 102,94 USD, cao gần gấp đôi so với mức giá IPO 68 USD/cổ phiếu.

>> Jack Ma vs. Jeff Bezos: Đông- tây khác biệt (P1)

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM