Apple và tham vọng biến iPhone thành iCar

06/10/2015 21:23 PM | Công nghệ

Từng định hình lại ngành công nghiệp máy tính cá nhân và điện thoại di động, Apple giờ đang chuyển mình hướng tới một mục tiêu khác – ra mắt chiếc xe điện vào năm 2019

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều tin đồn cho rằng Apple đang muốn bước chân vào ngành công nghiệp xe hơi. Có thông tin cho rằng hãng này đã thuê tới 600 kỹ sư tài năng làm việc trong một dự án mang tên Titan.

Với khoảng 200 tỷ USD tiền mặt đang giữ, Apple hoàn toàn có thể chi trả cho việc thành lập một công ty mới. Lực lượng hùng hậu người hâm mộ của hãng thì luôn mong muốn được nhìn thấy những sản phẩm, dịch vụ mới – tuyệt vời đến khó tin của họ.

Tuy thế thì sản phẩm mới nhất của hãng là chiếc Apple Watch thì không tạo được nhiều dấu ấn như nhiều nhà phân tích kỳ vọng; trong khi sự kiện đầu tháng 09 vừa rồi thì chẳng có gì mặn mà ngoài những điều chỉnh – nâng cấp cho các sản phẩm hiện có.

Vì thế, trên lý thuyết, nếu hãng tung ra chiếc xe hơi đầu tiên của mình thì sẽ thu được nhiều sự chú ý, đi kèm với đó là sinh lời cao hơn. Mặt khác thì doanh số bán xe toàn cầu trị giá gần 2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, là mảnh đất màu mỡ để Apple dấn thân.

Tuy nhiên, đâu phải muốn bán xe là bán được ngay – đặc biệt khi ngành công nghiệp này khá xa lạ với Apple, không giống với bán điện thoại. Chu kỳ thay thế sản phẩm của iPhone khoảng 2 năm một lần. Còn người tiêu dùng thì giữ chiếc xe của mình lâu hơn thế nhiều. Vì thế mà những chiếc xe của hãng cần phải đem về lợi nhuận tương đương với các sản phẩm hiện có, thì mới nên tung ra.

Nhưng hiện tỷ suất lợi nhuận gộp của Apple vào khoảng 40% hoặc hơn chút xíu – một con số mà bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào đều mong ước. Còn tại BMW, con số tỷ suất lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 20%.

Một yếu tố quan trọng hơn là những chế tài luật pháp áp dụng lên mặt hàng xe thì phức tạp hơn nhiều so với đồ điện tử tiêu dùng – minh chứng như vụ lùm xùm liên quan đến an toàn khí thải của hãng Volkswagen trong vài tuần qua. Và có vẻ như việc tuân thủ cũng như chế tài áp đặt lên các tiêu chuẩn an toàn và quy định khí thải sẽ được thi hành một cách chặt chẽ trong tương lai. Đó là viễn cảnh khó khăn cho ngay cả những hãng xe giàu kinh nghiệm nhất, chứ chưa nói đến một hãng mới gia nhập ngành.

Khả năng của Apple trong ngành thiết bị di động là một lợi thế đáng kể, khi những chiếc xe ngày càng cần kết nối với Internet. Nhưng những rủi ro gắn liền với chiếc xe được kết nối cũng hoàn toàn khác với rủi ro trên chiếc di động.

Tuần trước, có nhiều thông tin cho rằng đã có các phần mềm động hại thâm nhập vào một số ứng dụng trên điện thoại thông minh được bán ở các cửa hàng của Apple, bao gồm cả những ứng dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc. Những mã độc đó chỉ khiến người dùng lúng túng chứ chưa tai hại. Nhưng thử tưởng tượng nếu những mã độc đó xâm nhập vào chiếc xe được kết nối, thì hậu quả có thể gây chết người.

Những mối lo ngại như vậy là không đủ để ngăn cản những công ty công nghệ dừng phát triển các sản phẩm trong ngành công nghiệp xe hơi. Đẫn đầu xu hướng phải kể đến Tesla, hãng sản xuất xe điện được sáng lập bởi Elon Musk, một trong những doanh nhân công nghệ thành công nhất thế giới. Google cũng đang thử nghiệm chiếc xe tự lái và một hệ điều hành riêng cho ngành công nghiệp xe hơi.

Quyết định của Apple tham gia ngành công nghiệp xe hơi có lẽ một phần vì không muốn để miếng bánh thị phần hệ điều hành xe thông minh cho Google trong tương lai. Và giờ cạnh tranh giữa hai hãng như một cuộc đua công thức 1, ngày càng trở nên khốc liệt trên tất cả các “mặt trận”.

Ngọc Quân

Cùng chuyên mục
XEM