"Công bố về arsen trong nước mắm là thông tin lá cải"!

19/10/2016 14:50 PM | Xã hội

"Hàng nghìn năm nay dân tộc Việt Nam dùng nước mắm, có ai bị làm sao đâu", PGS.TS Trần Hồng Côn bức xúc trước việc một số đơn vị công bố thông tin "nước mắm có arsen vượt ngưỡng".

PGS.TS Trần Hồng Côn công tác tại Khoa Hoá học, Trường ĐH KHTN - ĐH QG Hà Nội là một chuyên gia có hàng chục năm nghiên cứu về arsen .

Thực tế, arsen trong nước mắm là an toàn vì đó là arsen hữu cơ (không phát hiện arsen vô cơ), cho nên, trước các thông tin khiến người tiêu dùng hoang mang, thiệt hại cho ngành hàng nước mắm, PGS.TS Trần Hồng Côn tỏ ra rất bức xúc.

PV: Là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về arsen, ông có sợ không trước thông tin về hàm lượng arsen vượt quá ngưỡng cho phép có trong nước mắm vừa được công bố?

PGS.TS Trần Hồng Côn: Tôi thấy bình thường vì đó mới chỉ là kết quả phân tích 1 lần của 1 cơ quan (ở đây là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng - pv).

Muốn có một kết quả có thể công bố rõ ràng được thì ít nhất phải có kết quả phân tích của 3 cơ quan có thẩm quyền. Khi 3 số liệu khớp với nhau, thì lúc bấy giờ mới nên công bố.

Còn nếu không, thì phải chỉ rõ đây là cơ quan nào phân tích và cơ quan đó có chức năng phân tích hay không?

Bởi vì phân tích hàm lượng các chất như vậy là rất nhỏ, rất khó, phải có máy móc và trình độ mới làm được.

Thế nên, mức độ chính xác của kết quả có đáng tin cậy hay không là một điều rất đáng phải quan tâm.

Kết quả công bố nêu trên là về tổng lượng arsen, mà lại không có arsen vô cơ, nên tôi thấy rất mập mờ. Là người làm liên quan đến arsen mấy chục năm nay, tôi thấy rất khó tin.

PGS, TS. Trần Hồng Côn (Ảnh: Thiên Bình - VNU Media)
PGS, TS. Trần Hồng Côn (Ảnh: Thiên Bình - VNU Media)

PV: Vậy ông đánh giá việc công bố thông tin về arsen trong nước mắm như vậy có thận trọng không?

PGS.TS Trần Hồng Côn: Tôi cho rằng công bố như vậy là rất vô trách nhiệm! Vì không nói rõ cái gì cả, không nói rõ cơ quan phân tích, không nói rõ cái sai số...

Cá nhân tôi coi đó như một thông tin lá cải!

Arsen là một nguyên tố vi lượng rất cần đối với cơ thể con người. Với lượng cho phép, khi đi vào cơ thể thì cơ thể sẽ đào thải được.

Vấn đề ở đây là phải công bố như thế nào để người dân hiểu, khách quan, chứ công bố như báo chí đã đưa vừa qua thì tôi thấy rất không chuyên nghiệp.

PV: Cũng có thông tin rằng nước mắm có độ đạm càng cao thì lượng arsen càng cao. Cần hiểu điều này như thế nào cho chính xác, thưa ông?

PGS.TS Trần Hồng Côn: Cái này có thể là đúng về mặt khoa học. Nồng độ đạm cao có nghĩa là nồng độ các amino axit cao, không pha loãng, ví dụ như nước mắm cốt... Và đương nhiên độ đậm đặc cao thì mọi thứ trong nước mắm đó đều có nồng độ cao hơn.

Tôi cho rằng, người công bố thông tin này cần phải xem lại xem cách làm như vậy đã đúng chưa, đã đủ chưa, có tác dụng không hay phản tác dụng.

PGS.TS Trần Hồng Côn: Asen hữu cơ thì ít độc hơn arsen vô cơ nhiều. Tuy nhiên, việc này mới chỉ được thử trên chuột, chứ chưa được thử trên người.

Arsen vô cơ vào trong cơ thể sẽ chuyển hoá thành arsen hữu cơ. Trong quá trình chuyển hoá thành arsen hữu cơ đó thì có một cơ chế xảy ra.

Cụ thể, trong cơ thể có một loại enzym giúp quá trình chuyển hoá trong tế bào. Enzym này có nhóm chất Photphas. Khi arsen vô cơ vào cơ thể, arsen sẽ thay thế nhóm Photphas này. Khi đó enzim sẽ mất tác dụng ban đầu, dẫn đến việc ngưng trệ quá trình chuyển hoá năng lượng.

Còn khi chỉ có arsen hữu cơ, nó đã là sản phẩm của arsen vô cơ rồi. Vì thế, khi gặp enzim thì xác suất tương tác để arsen thay thế nhóm Photphas rất thấp. Vì thế mức độ ảnh hưởng với cơ thể thấp hơn.

Còn thấp hơn ở mức độ nào thì cần phải có thêm nghiên cứu, tuỳ theo thể trạng từng cơ thể, tuỳ nồng độ...

PV: Sau thông tin như vừa công bố, gia đình ông có dùng nước mắm không?

PGS.TS Trần Hồng Côn: Nhà tôi vẫn dùng bình thường. Hàng nghìn năm nay dân tộc Việt Nam dùng nước mắm, có ai bị làm sao đâu!

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng, thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết: Với tư cách một người nội trợ, bà cảm thấy hoang mang khi thông tin nước mắm có hàm lượng arsen vượt ngưỡng được công bố như vậy.

Theo bà Chi, việc thông tin về arsen được công bố nhưng lại không đi kèm cảnh báo lượng arsen đó trong nước mắm có nguy hiểm cho người tiêu dùng hay không là tác nhân khiến người dân hoang mang.

"Người dân đâu có quan tâm arsen vô cơ hay hữu cơ, chỉ nghe có arsen vẫn được biết đến với cái tên thạch tín thì đã hết hồn rồi"!

Bà Chi cũng thẳng thắn nói: "Tôi không biết ai là người đứng đằng sau việc công bố thông tin này... Nếu các cơ quan chức năng của Nhà nước mà là những người phát hiện ra thì tôi cho rằng các bước đi trong việc công bố thông tin sẽ thận trọng hơn như thế này rất nhiều".

Theo Tuệ Minh

Cùng chuyên mục
XEM