Nước mắm chứa thạch tín hữu cơ: Gấp 300 trăm lần cũng an toàn cho người sử dụng

19/10/2016 09:47 AM | Sống

Thạch tín hữu cơ không độc hại cho con người như thạch tín vô cơ. Trong cá để làm nước mắm vẫn có thạch tín hữu cơ. Thạch tín hữu cơ dù gấp 300 lần cũng an toàn với sức khoẻ người dùng.

Cần công bố lại

Ngày 17/10/2016, Hội tiêu Chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả khảo sát và làm xét nghiệm thì có tới 99,5%/150 mẫu nước chấm cao đạm có chứa thạch tín vượt ngưỡng cho phép.

Theo TS Trần Thị Dung, chuyên gia Công nghệ Chế biến và Bảo quản thủy sản, sản xuất nước mắm truyền thống, sau khi nghe kết quả báo cáo của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, bà đã cho rằng kết quả kiểm nghiệm này có thể ảnh hưởng tới cả hệ thống sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam.

Theo kết quả kiểm nghiệm, thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/l).

Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/L.

Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm arsen của Hội này cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,3%) không đạt quy định của QCVN này.

Trong đó, hàm lượng arsen tổng của mẫu không đạt dao động từ trên 1.0mg/L đến 5mg/L. Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ các mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng.

Cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Bà Dung cho rằng kết quả báo cáo này dễ gây hiểu lầm bởi vì trong nước mắm có chứa 1 lượng thạch tín hữu cơ. Về mặt nguyên tắc, thạch tín hữu cơ không độc hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người như thạch tín vô cơ bởi trong bản thân cá để làm nước mắm vẫn có thạch tín hữu cơ.

Bà Dung cho rằng Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng cần sửa lại công bố là 95,5% là chứa thạch tín hữu cơ hay vô cơ chứ không thể nói mập mờ như thế này được. Hơn nữa, đây là các mẫu nước chấm thì bao gồm tất cả các loại từ nước tương, nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

Cả đời tâm huyết với ngành sản xuất nước mắm, bà Dung cho rằng, nếu nói nước mắm nhiễm thạch tín như trên thì rất hại cho doanh nghiệp cũng như người dân làm nước mắm truyền thống.

Một chuyên gia về nước mắm khác cũng nhìn nhận rằng kết quả công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam không nói rõ kết quả trên là thạch tín hữu cơ hay vô cơ.

Thạch tín vô cơ rất nguy hiểm nhưng thạch tín hữu cơ dù gấp 300 lần cũng an toàn với sức khoẻ người dùng. Nếu không nói rõ thạch tín trong nước mắm là vô cơ hay hữu cơ là rất nguy hiểm, gây hoang mang cho người sử dụng.

Thạch tín hữu cơ đến từ đâu?

Trao đổi với chúng tôi, PGS Trần Hồng Côn – Giảng viện Khoa Hoá học trường Đại học Khoa học tự nhiên cho biết việc công bố nước mắm chứa thạch tín nhưng không nói rõ là thạch tín vô cơ hay hữu cơ rất nguy hiểm, gây hoang mang cho người tiêu dùng,

PGS Côn cho biết khi con người ăn phải nước ngầm, thực vật nhiễm arsen hay còn gọi là thạch tín, thì khi vào cơ thể nó sẽ chuyển thành lượng thạch tín hữu cơ và nó an toàn trong cơ thể con người.

Chính vì vậy trong các loại động vật, cá đều chứa hàm lượng thạch tín hữu cơ nhất định và về cơ bản thạch tín hữu cơ không có hại cho người dùng nên người ta không đưa ra quy chuẩn cho thạch tín hữu cơ.

PGS Côn cho biết thạch tín vô cơ hiện nay chỉ xuất hiện ở nước ngầm, các mạch nước chảy qua những khu vực có quặng sắt, một số loại thực vật nhiễm phải.

Về ảnh hưởng tới sức khoẻ con người thạch tín vô cơ được coi là chất kịch độc, có thể gây tử vong nhanh chóng. PGS Côn cho biết chỉ 0,06g thạch tín vào cơ thể cũng đủ gây ngộ độc. Với liều lượng gấp đôi, nó sẽ gây tử vong.

Trong công nghiệp, nó được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thủy tinh, thuốc rụng lá, thuốc pháo... Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao.

Ở Việt Nam, một số khu vực nước ngầm nhiễm thạch tín người dân sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt rất nguy hiểm cho sức khoẻ nên đã được các nhà khoa học lên tiếng khuyến cáo.

Khi ngộ độc thạch tín ở trường hợp cấp tính: Có triệu chứng giống như bệnh tả, xuất hiện rất nhanh, có thể là ngay sau khi ăn phải thạch tín. Bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và chết sau 24 giờ.

Còn ở trường hợp mãn tính thạch tín được tích luỹ với liều lượng nhỏ trong một thời gian dài sẽ gây ra các biểu hiện ở sức khoẻ như mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày, viêm ruột, đau mắt, đau tai, đi đứng loạng choạng, xét nghiệm có thạch tín trong nước tiểu, người gầy còm, kiệt sức rồi tử vong trong vài tháng hoặc vài năm.

Theo P.Thuý

Cùng chuyên mục
XEM