Lãnh đạo Vinastas: Danh sách 101 thương hiệu nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng không phải của chúng tôi

19/10/2016 14:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Song song với công bố 67% mẫu nước mắm Việt Nam có hàm lượng Thạch tín vượt ngưỡng nhiều lần, một danh sách được cho là danh tính của 150 thương hiệu nước mắm được khảo sát cũng được công khai. Trong đó, các thương hiệu nước mắm Chinsu, Nam Ngư,... nằm trong giới hạn ngưỡng Thạch tín cho phép.

Trong khi kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) có nhiều nghi vấn từ việc lựa chọn Thạch tín (Arsen) làm 1 trong 5 chỉ tiêu khảo sát, đến việc “lập lờ” giữa Thạch tín hữu cơ – chất gần như vô hại - và Thạch tín vô cơ – chất cực độc, thì một danh sách được cho là danh tính của 150 thương hiệu nước mắm được khảo sát cũng được công khai.

Trong đó, đáng lưu ý, các thương hiệu nước mắm có độ đạm cao được liệt vào hàng nước mắm có hàm lượng Thạch tín hữu cơ vượt ngưỡng cao nhất.

Ở mặt ngược lại, các thương hiệu nước mắm Chinsu, Nam Ngư,... lại nằm trong giới hạn ngưỡng arsen cho phép.

Nói về danh sách này, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Vinastas – khẳng định: Đây không phải danh sách của hội.

“Tôi đại diện cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định: Hội chưa đưa ra 1 danh sách nào ra công chúng. Danh sách này lấy ở đâu là chuyện của họ”, ông Tuấn nói.

Ông cho biết, để công bố danh tính các thương hiệu nước mắm không đảm bảo tiêu chuẩn thì cần cẩn trọng. Vinastas, theo quy định, có quyền được khảo sát công bố về thực trạng vấn đề. Nhưng liên quan đến công bố danh tính các doanh nghiệp cụ thể thì phải có những quy định chặt chẽ hơn, chứ không phải muốn công bố là được.

Bình luận về việc tại sao lựa chọn Thạch tín hữu cơ, khi chất này chính ông khẳng định là không độc, để đưa vào 5 tiêu chí khảo sát, mà không chọn các loại độc tố khác như chì, thủy ngân…, ông Tuấn cho biết, Hội không có tiền để khảo sát hết các tiêu chí, chỉ khảo sát trên cơ sở nguồn lực và xác định cái nào cần khảo sát. Các chỉ tiêu này mang tính chất hoá học, quan trọng, thường được ghi trên nhãn mác của sản phẩm.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, cuộc khảo sát này gồm 3 mục đích:

- Đưa thông điệp nhất định đến người tiêu dùng để người tiêu dùng có thông tin đầy đủ về chất lượng, thành phần dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nước mắm hiện nay.

- Đưa ra thông điệp góp tiếng nói để thương hiệu nước mắm được nâng cao

- Gửi đến cơ quan quản lý xem xét, cần bổ sung, sửa đổi gì về tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh thực phẩm về nước mắm

Trước ý kiến cho rằng Masan trả tiền cho cuộc khảo sát, ông Tuấn khẳng định: “Hội không nhận bất cứ tiền nào của doanh nghiệp nào trong cuộc khảo sát nước mắm này”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM