Chủ tịch THACO: Kinh doanh đừng dàn hàng ngang kiểu "tất cả cùng mở quán phở", phải có sự hỗ trợ nhau giữa người bán bánh phở, thịt bò, tương ớt...

22/10/2016 10:38 AM | Kinh doanh

"Nếu như ở Pháp, người ta sẽ tìm đến để làm sao cho ông này mở được thêm nhiều quán phở, họ chia nhau cung ứng nguyên liệu cho quán; người cung ứng bánh phở, người cung ứng tương ớt… hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Còn ở Việt Nam, ông này mở quán phở bán chạy thì chỉ mấy hôm sau là xuất hiện quán phở y chang sát kế bên".


Đó là chia sẻ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, trong cuộc phỏng vấn gần của chúng tôi. Doanh nhân họ Trần có dẫn câu chuyện người này mở quán phở bán chạy thì chỉ mấy hôm sau là xuất hiện quán phở y chang sát kế bên.

"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tại sao nhiều nước họ chẳng có lợi thế gì cả mà họ lại phát triển? Tôi đơn cử là Hàn Quốc. Cách đây mấy chục năm họ nghèo hơn Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng giờ đây họ đã là một cường quốc với tất cả các ngành nghề và đến nay họ đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với Nhật, thậm chí với Mỹ. Hay như Thái Lan, đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn đang lo ngại rằng nếu hội nhập 2018 thì ô tô và nhiều hàng hóa khác do người Thái sản xuất sẽ tràn ngập Việt Nam.

Họ xác định rõ ngành công nghiệp nào họ có thể làm và dựa vào ngành công nghiệp đó để phát triển các ngành nghề khác. Trong thành phần kinh tế bắt buộc phải có doanh nghiệp lớn để làm mũi nhọn, nhưng cũng cần rất nhiều doanh nghiệp nhỏ. Và tất cả các doanh nghiệp phải được tổ chức, cấu trúc trong các nhóm chuyên biệt", ông Dương nói.

Theo ông Dương, đối với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, khi họ làm tốt lên, họ thấy rằng cần thiết lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ cùng làm với họ.

"Tôi lấy ví dụ về câu chuyện một ông mở quán phở, kinh doanh rất tốt. Nếu như ở Pháp, người ta sẽ tìm đến để làm sao cho ông này mở được thêm nhiều quán phở, họ chia nhau cung ứng nguyên liệu cho quán, người cung ứng bánh phở, người cung ứng tương ớt… hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Còn ở Việt Nam, ông này mở quán phở bán chạy thì chỉ mấy hôm sau là xuất hiện quán phở y chang sát kế bên", Chủ tịch Thaco chia sẻ.

Lãnh đạo của Thaco nhận định kêu gọi khởi nghiệp ở thời điểm hiện tại là đúng đắn. "Nhưng cùng với kêu gọi thì nên có định hướng, cần làm rõ từng ngành nghề nên làm và làm như thế nào. Trách nhiệm của chúng ta là nên khởi nghiệp thế nào, khởi nghiệp ra sao và định nghĩa thế nào cho phù hợp.

Đồng thời phải xác định bối cảnh hội nhập, chúng ta đừng dàn hàng ngang kiểu như "tất cả cùng mở quán bán phở" mà phải có sự phân công, hợp tác liên kết với nhau để tạo ra giá trị. Mọi người đều được phân công và có quyền lợi. Nó tốt hơn việc chúng ta cạnh tranh lẫn nhau, kéo nhau cùng suy yếu mà cuối cùng chẳng ai được gì", ông Trần Bá Dương cho biết.

Theo Chủ tịch Trường Hải, đối với một nền kinh tế, một đất nước thì thách thức và cơ hội luôn luôn đan xen. Hãy nhìn cơ hội là điều gì đó mà chúng ta sẽ làm tốt hơn ngày hôm qua.

"Trong ASEAN, Việt Nam cùng với Myanmar, Lào, Campuchia đang ở top dưới. Theo tôi, cơ hội vươn lên top trên của chúng ta là hoàn toàn có thể. Vì vậy trước mắt, hãy phấn đấu và chúng ta hoàn toàn có cơ hội ở top trên trong ASEAN đã", vị doanh nhân nhận định.

THACO là công ty sản xuất - lắp ráp - phân phối, cung ứng dịch vụ bảo trì sửa chữa và phụ tùng ôtô: bao gồm sản xuất và kinh doanh xe thương mại (xe tải và xe bus); Sản xuất và kinh doanh xe du lịch (Kia, Mazda, Peugeot); sản xuất các linh kiện phụ tùng với tỷ lệ nội địa hóa gần 50% đồng thời đảm nhiệm các công đoạn vận chuyển thành phẩm qua 2 hệ thống chính là đường bộ và đường biển để điều phối xe và linh kiện phụ tùng đến tất cả các showroom, đại lý của Thaco trên cả nước.

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh xe, THACO còn mở rộng thị trường sang các lĩnh vực logistics, Hạ tầng khu công nghiệp và địa ốc để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành tầm cỡ khu vực.

Theo số liệu thống kê được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, 9 tháng năm 2016, Tập đoàn ô tô Trường Hải bán được 82.619 ô tô, chiếm 42,8% thị phần, bỏ xa đối thủ cạnh tranh trực tiếp là ông lớn Toyota, với chỉ 20,2% thị phần.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM