Chủ tịch ACB hiến kế cho các ‘startup xanh’ không chết yểu: Bán tín chỉ carbon để tạo dòng tiền và tìm đến tổ chức tài chính nước ngoài
Để khiến ACB xanh hơn, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã đề nghị nhân viên thay ly nhựa bằng sứ ở trụ sở và giá đội lên gấp 3. Nên theo ông, các startup xanh nếu muốn sống sót dù vẫn bán giá cao hơn thị trường chung, thì nên nghĩ đến việc đa dạng hóa dòng tiền như: bán các chứng chỉ carbon, tìm nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài.
Với việc từng du học nước ngoài, nên từ khi bắt đầu kế nghiệp ở ACB, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Theo ông, ACB đã bắt đầu làm ESG từ cách đây 30 năm song đến năm 2013 cũng chỉ có 6% nhân viên quan tâm đến việc ‘chuyển đổi xanh’ của doanh nghiệp, bây giờ thì tỷ lệ đã là 90%.
“ Hiện ACB đang có 13.000 nhân viên, 10.000 khách hàng doanh nghiệp. Mục tiêu trong tương lai của ACB là có thể đồng hành cùng 1 triệu người bao gồm nhân viên – gia đình của nhân viên cùng DN các đối tác; nhằm tạo những tác động tích cực trong quá trình kinh doanh lên môi trường – xã hội.
Ngoài ra, tôi cũng muốn quá trình ‘chuyển đổi xanh’ của chúng ta sẽ về đích nhanh hơn chứ không phải đợi 30 năm hay 100 năm nữa như trong quá khứ ”, Chủ tịch ACB chia sẻ trong Talkshow “Xây dựng thương hiệu từ vạch xuất phát” nằm trong Tuổi Trẻ Start-up Award 2024.
Là một lãnh đạo vô cùng kiên nhẫn và quyết tâm trong thực hiện ESG, nên ông Trần Hùng Huy hiểu hơn ai khác về những khó khăn của DN khi bước vào lĩnh vực này. Một sự vụ mà ông nhớ mãi: ông đã đề nghị nhân viên thay ly nhựa uống nước ở trụ sở bằng ly sứ và giá của cuộc ‘cánh mạng’ nhỏ xíu này đã gấp 3 bình thường.
Khảo sát về nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024 do BSA chủ trì cho thấy: Rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng hiện nay trong việc mua sản phẩm/dịch vụ theo xu hướng xanh là có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, sự phàn nàn của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường. Cụ thể: 18% người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ.
Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế. Ví dụ: 7% người tiêu dùng cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh.
Để có thể sống sót đợi ‘ngày mai tươi hồng’ dù giá cao sản phẩm hơn thị trường chung, theo Chủ tịch ACB, các startup-up xanh nên đa dạng hóa dòng tiền bằng nhiều cách, ví dụ như bán các chứng chỉ carbon, tìm nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài.
“ Các tín chỉ carbon không thể trở thành tài sản thế chấp cho các start-up xanh để vay ngân hàng, nhưng nó có thể tạo ra dòng tiền đáng kể cho các bạn. Bạn phải biết rằng, một nửa lợi nhuận của công ty ô tô điện lớn nhất thế giới Tesla đến từ bán tín chỉ carbon. Quý III/2024, Tesla lãi ròng 2,17 tỷ USD – trong đó doanh thu bán tín chỉ carbon vào khoảng 739 triệu USD.
Chúng ta đều biết, hiện thị trường mua bán tín chỉ carbon ở Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai và các startup xanh cần có chiến lược đúng cho tương lai khi thị trường tốt hơn. Trong giai đoạn đầu, các startup-up xanh có thể tập trung bán tín chỉ carbon cho các DN FDI – những người đang rất khát chúng để đạt tới ‘trung hòa carbon’ trong 3 đến 5 năm tới. Sau 2 đến 3 năm, khi ngách này đã ổn định, thì startup hãy đánh đến thị trường mass (thị trường đại chúng - PV).
Và không chỉ về câu chuyện tín chỉ carbon, mà các startup xanh cũng có thể áp dụng chiến lược này cho dịch vụ - sản phẩm của mình. Ngoài ra, các bạn cũng đừng quá e ngại việc các FDI không tin startup, chỉ cần bạn có chuẩn bị và chứng minh cho các FDI thấy sự đầy đủ của chuỗi cung ứng cũng như năng lực triển khai hay khả năng thực thi mạnh mẽ mà mình đang có là sẽ ổn ”, Chủ tịch ACB hiến kế.
Một trong những nguồn tài chính tốt khác mà các startup có thể tìm đến là nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức tài chính/quỹ đầu tư của các Chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức xã hội.
Trong năm 2023, quỹ ‘tín dụng xanh’ của ACB khoảng 100 tỷ đồng, trong nửa 2024, lượng vốn này đã tăng lên 1.500 tỷ đồng. Trong tương lai gần, ACB muốn đẩy ‘tín dụng xanh’ lên con số từ 3.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này thật ra là không phải của ACB cấp, mà họ sẽ là người làm trung gian kết nối DN Việt Nam với các quỹ quốc tế như World Bank hay AFC.
Hiện các Chính phủ nước ngoài hay tổ chức quốc tế thường có nguồn vốn giá rẻ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đô để hỗ trợ các DN Việt Nam trong công cuộc phát triển bền vững, làm ESG, tạo ra sản phẩm/dịch vụ xanh.
Trong năm 2024, Phúc Sinh đã 3 lần thông báo về việc nhận vốn hỗ trợ phát triển bền vững từ các quỹ đến từ châu Âu. Trong đó, Phúc Sinh đã nhận tài trợ không hoàn lại số tiền 575.000 Euro từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) cũng như khoản đầu tư từ Quỹ &Green (Hà Lan) với tổng giải ngân và dự định tài trợ đến 25 triệu USD. Maybank chính là ngân hàng đã đứng ra thu xếp 3 deal đầu tư này cho Phúc Sinh.
Cũng nhờ nguồn vốn xanh này, chuỗi K COFFEE của Phúc Sinh đã mạnh dạng mở rộng thị trường ra Hà Nội và có kế hoạch mở rộng ra các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… trong năm 2025.