Cho thuê chung cư lãi không bằng gửi tiết kiệm nhưng chịu thuế 10%: Người dân than cao quá, Tổng cục Thuế nói hợp lý
Bên cạnh đó, Đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ ghi nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia và đang nghiên cứu, xem xét để đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi ngưỡng thu nhập chịu thuế khi dự thảo sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng.
Thông tin đánh thuế căn hộ cho thuê tại Tp.HCM (đã thí điểm một số dự án chung cư tại Quận 11) và tại Hà Nội đang dấy lên những ý kiến khác nhau. Theo đó, cá nhân có doanh thu cho thuê nhà trên 100 triệu đồng/năm (trên 8,3 triệu đồng/tháng) và bất động sản cho thuê được xác định là kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế. Cụ thể, thuế giá trị gia tăng là 5% và thuế thu nhập cá nhân là 5%, tức mức đóng thuế là 10% trên tổng doanh thu. Còn nhà, căn hộ cho thuê đối với những đối tượng như sinh viên, công nhân thì mức thuế là thấp hơn.
Việc siết chặt cho thuê chung cư đã gây nên nhiều lo ngại cho cả người cho thuê nhà và người đi thuê.
Người đi thuê chung cư lo rằng, mức thuế này suy cho cùng người thuê sẽ phải gánh khi chắc chắn chủ nhà sẽ tăng giá thuê để bù vào chi phí tiền thuế. Lý do bởi chủ căn hộ là người sở hữu tài sản, trong khi người đi thuê lại ở thế bị động.
"Phải nộp thuế thì chủ nhà sẽ cho thuê giá cao hơn, cuối cùng người gánh chịu mức thuế này sẽ là những người đi thuê, khó lại chồng khó…", tâm tư của một người đi thuê căn hộ tại Tp.HCM.
Đặc biệt, đối tượng đi thuê chung cư bao gồm cả những người có thu nhập thấp, khó khăn sẽ càng chồng khó khăn.
Còn đối với người cho thuê chung cư, mối quan tâm chính của nhiều người là khi đóng thuế cho thuê nhà, liệu họ có được khấu trừ chi phí đầu vào như chi phí như môi giới, chi phí tài chính, chi phí đầu tư trang thiết bị, sửa chữa hàng năm hay không. Chưa kể, không ít người cho thuê nhà chung cư nhưng còn đi vay lãi ngân hàng do mua trả góp,...
Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng mức thứ 10% là cao so với các loại hình kinh doanh dịch vụ khác.
Trả lời về những vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) đồng tình rằng, nếu như doanh nghiệp có thể hạch toán kế toán các chi phí thì người kinh doanh lại ngược lại. Họ phải bỏ ra các chi phí sắm sửa trang thiết bị hay tiền phí, điện nước... nhưng khó để xác định chi phí của từng người và họ cũng không lập được sổ sách kế toán. Do đó, cách tính thuế lâu nay áp dụng cho cá nhân, hộ kinh doanh (không riêng người cho thuê nhà) là hình thức thuế khoán - đánh thuế trên doanh thu.
Ngoài ra, tuy không được khấu trừ chi phí như doanh nghiệp, cơ quan thuế thực tế đã tính tới các khoản chi này cho cá nhân kinh doanh khi lập biểu thuế suất. Vì thế, ngành thuế mới áp dụng mức thuế suất thấp hơn cho cá nhân kinh doanh (5% VAT và 5% thu nhập cá nhân). Những trường hợp cho thuê bất động sản thuộc diện chịu thuế 10% đều được xác định là những trường hợp kinh doanh bất động sản (theo Luật Kinh doanh bất động sản). Việc kinh doanh bất động sản theo hình thức cho thuê trong thời gian qua, mặc dù không bằng lãi tiết kiệm khi để tiền ngân hàng, khách hàng thuê không ổn định, vẫn thu hút nhiều cá nhân có tiền nhàn rỗi hoặc tiền vay (nhưng khả năng trả nợ tiền vay tốt) đầu tư vào lĩnh vực này.
Còn với ý kiến tính các khoản tiền mua bất động sản hay chi phí lãi vay vào chi phí cho thuê nhà, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng không phải lý do phù hợp. Bởi mục đích chính của các khoản chi này là sở hữu bất động sản lâu dài nhằm hưởng lợi chênh lệch giá khi chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng còn thấp và đã lạc hậu với mức sống hiện nay, đặc biệt khi mức giảm trừ gia cảnh đã được nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng.
“Ngưỡng thu nhập chịu thuế này thậm chí chưa đủ trang trải cho nhu cầu cuộc sống của họ, nhưng lại yêu cầu họ nộp thuế là chưa phù hợp.
Bản chất của chính sách thuế là điều tiết từ những người có thu nhập cao để hạn chế tối đa bất cân xứng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách để thực hiện nghĩa vụ công. Nếu bây giờ người dân cho thuê nhà có vài triệu cũng bắt người ta đóng thuế, theo tôi là bất cập, vì mức thu nhập đó chưa phải là cao", chuyên gia Nguyễn Khắc Quốc Bảo chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - đề nghị nên nâng ngưỡng doanh thu tính thuế tối thiểu lên mức 120 triệu đồng/năm thay cho mức đang áp dụng là 100 triệu đồng/năm. Phương án khác là cần giảm một nửa mức thuế 10% đối với hoạt động này.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ ghi nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia và đang nghiên cứu, xem xét để đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi ngưỡng thu nhập chịu thuế khi dự thảo sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng.