Chờ đợi gì ở FPT?

22/03/2017 15:37 PM | Kinh doanh

Thời điểm SCIC thoái vốn khỏi FPT cùng với việc Công ty này có thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ để tập trung mạnh vào hoạt động công nghệ và viễn thông không là điều mà các nhà đầu tư chờ đợi.

Năm 2016 được xem là một năm kinh doanh không mấy thuận lợi đối với Công ty Cổ phần FPT (HOSE: FPT) khi doanh thu hợp nhất chỉ đạt 40.545 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ tăng tăng 5,7%, đạt 3.014 tỷ đồng. Kết quả này là chưa đúng với kế hoạch và kỳ vọng của cổ đông.

Năm nền móng 2016?

Dù vậy, trong thư gởi đến cổ đông năm nay, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết mặc dù tăng trưởng trong năm 2016 chưa được như kỳ vọng, nhưng những kết quả đạt được là nền móng cho tương lai.

Báo cáo thường niên 2016 vừa công bố cho thấy, thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn do yếu tố vĩ mô và chính sách của các hãng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) giảm lần lượt 2,0% và 4,7%. Tuy nhiên, nhờ thị trường toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với doanh thu đạt 6.121 tỷ đồng, tăng 26% và LNTT đạt 935 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2015 đã bù đắp cho phần sụt giảm đó.

Năm 2016, lợi nhuận từ toàn cầu hóa cũng đã chiếm 1/3 tổng lợi nhuận của toàn Tập đoàn. Trong đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường quan trọng số một trong chiến lược toàn cầu hóa của Tập đoàn với doanh thu năm 2016 vượt mốc 100 triệu USD, đạt 128 triệu USD, tăng trưởng 49% so với năm trước, chiếm 47% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục có một năm thành công với doanh thu đạt 5.181 tỷ đồng, tăng 26% và lợi nhuận trước thuế đạt 855 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2015.

Ban lãnh đạo FPT tin rằng, toàn cầu hóa tiếp tục là một động lực tăng trưởng quan trọng của khối công nghệ, cũng như là động lực tăng trưởng chung của FPT. FPT đang ngày càng ít phụ thuộc vào thị trường trong nước, vốn có mức tăng trưởng đầu tư rất thấp, thậm chí có lúc giảm trong vòng 05 năm qua.


Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2016 của FPT

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2016 của FPT

Trong năm 2016, ba trên bốn khối kinh doanh của FPT gồm công nghệ, viễn thông, giáo dục và đầu tư đều tăng trưởng mạnh trong năm 2016. Cụ thể, khối công nghệ ghi nhận doanh thu tăng 16%, LNTT tăng 19% so với năm 2015. Khối viễn thông ghi nhận doanh thu tăng 22% và LNTT tăng 15% so với năm 2015. Với kết quả trên, hai khối công nghệ và viễn thông đóng góp tổng cộng 76% vào tổng LNTT của Tập đoàn, tăng thêm 7% so với năm 2015. Ngoài ra, khối giáo dục và đầu tư trong năm 2016 cũng đã có doanh thu tăng 27% và LNTT tăng 12% so với năm 2015.

Ban điều hành cho biết, nếu không tính đơn vị phân phối, tổng các đơn vị còn lại có mức hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 103% và 106%.

Tâm điểm SCIC thoái vốn và bỏ hay không bỏ mảng phân phối, bán lẻ

Năm 2017, FPT định hướng chiến lược tập trung mạnh vào công nghệ và viễn thông, trong tương lai hai khối này sẽ tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn trong lợi nhuận toàn Tập đoàn. Theo đó, năm 2017, HĐQT FPT đưa ra kế hoạch doanh thu 46.619 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước.


Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2016 của FPT

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2016 của FPT

Trong một báo cáo mới đây, bộ phận phân tích CTCK HSC dự báo doanh thu của mảng gia công phần mềm sẽ tăng trưởng 20,5% và LNTT của mảng này cũng sẽ tăng trưởng 24,6% trong năm 2017. Theo đó, năm 2017, doanh thu của FPT sẽ đạt 45,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 13,8% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.370 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với năm trước. Dự báo này cao hơn so với kế hoạch mà FPT đưa ra.

Dù vậy, diễn biến của cổ phiếu FPT trên sàn vẫn đang "giật cục" trong gần 3 tháng đầu năm nay. FPT đang mất hút so với hầu hết các cổ phiếu bluechip kỳ cựu khác trên sàn như GMD, REE, SSI, CTD...

Báo cáo chiến lược mới đây của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (RongViet Research) cho rằng, việc SCIC thoái vốn tại FPT có nhiều khả năng sẽ diễn ra trong năm nay mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài mua gom để tăng sở hữu. Bên cạnh đó, kỳ vọng thoái vốn mảng phân phối và bán lẻ và tập trung vào hoạt động khác có hiệu quả cao hơn cũng là điều mà các nhà đầu tư chờ đợi.

Có thể thấy, trong năm 2016 là năm mà khối phân phối và bán lẻ hoạt động không hiệu quả khi doanh thu năm 2016 đạt 23.037 tỷ đồng, giảm 9% và LNTT đạt 544 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2015.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến FPT không thể hoàn thành kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao phó. Theo giải thích của Ban điều hành, nguyên nhân cụ thể là do đối tác Microsoft đột ngột dừng kinh doanh đối với dòng sản phẩm Lumia khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn và Công ty phải bán lỗ để giải phóng hàng tồn kho.

Ban lãnh đạo FPT cho biết, tính tới hết năm 2016, lượng tồn kho sản phẩm Lumia đã được giải phóng hết và sẽ không còn ảnh hưởng tới lợi nhuận của năm 2017. Đồng thời nhấn mạnh rằng nếu loại bỏ tác động từ sự cố này, các mảng hoạt động khác của FPT đều tăng trưởng và lợi nhuận chung của toàn Tập đoàn sẽ đạt mức tăng trưởng hai chữ số.

Thế nhưng, trong báo cáo của RongViet Research cho rằng FPT đang đi sau Thế Giới Di Động đối với lĩnh vực bán lẻ các thiết bị di động. Do đó, thay vì cạnh tranh cái mình không giỏi thì việc chọn lọc cái mình giỏi nhất để làm trong khi cơ hội đang rộng mở là một quyết định hoàn toàn đúng đắn đối với FPT tại thời điểm này.

Theo RongViet Research, thoái vốn mảng phân phối, bán lẻ và tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FOX) là việc đang được chờ đợi nhất ở FPT. Sau khi việc này hoàn tất, không chỉ lợi nhuận FPT có sự tăng tốc mà các chỉ số tài chính và dòng tiền cũng sẽ có những thay đổi mang nét hấp dẫn của một công ty “thuần” công nghệ - viễn thông hơn.

Dù vậy, theo như những gì trong báo cáo cho thấy, dường như FPT vẫn chưa có ý định thoái vốn khỏi hoạt động này trong năm nay khi mà ông Bùi Ngọc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty FPT Trading cho biết: "Năm 2016, FPT Trading đã quyết liệt thực hiện tái cấu trúc tổ chức theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn, tạo ra nền tảng vững chắc cho hoạt động tốt nhất cho Công ty. Và năm 2017, FPT Trading sẽ tập trung tìm kiếm, mở rộng các hướng kinh doanh mới.”

Trong khi đó, Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng Giám đốc Công ty FPT Retail cũng cho biết, FPT Retail sẽ tập trung mở rộng kênh bán hàng trong năm 2017.

Và điều này có vẽ như hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của Rong Viet Research và một số dự báo khác. “Rủi ro là việc FPT vẫn tiếp tục chậm trễ trong việc thoái vốn, tạo tâm lý không tích cực cho nhà đầu tư.” Rong Viet Research nhận định.

Có lẽ, bên cạnh thời điểm SCIC thoái vốn, đây sẽ là vấn đề "nóng" nhất mà các nhà đầu tư mong chờ Ban lãnh đạo FPT làm rõ trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 tổ chức ngày 31/3 tới đây tại Hà Nội.

Theo Huy Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM