Chính sách làm việc 5 giờ/ngày đã cứu, sau đó lại 'hại' một công ty như thế nào?

11/06/2021 09:34 AM | Kinh doanh

Trong nhiều năm, công ty khởi nghiệp về kinh doanh ván chèo Tower đã áp dụng chính sách ngày làm việc 5 giờ.

Chính sách 5 giờ làm việc/ngày với 3 không

Tower là công ty khởi nghiệp về kinh doanh sản phẩm ván chèo, đã từng được Mark Cuban tài trợ 150.000 USD sau khi lên gọi vốn trên chương trình “Shark Tank” năm 2011. Công ty có trụ sở ở San Diego áp dụng ngày làm việc 5 giờ bắt đầu vào năm 2015 và thử nghiệm hình thức này trong 3 tháng.

Aarstol cho biết: “Về cơ bản, tôi muốn nuôi dưỡng một nền văn hóa năng suất. Mọi thứ đều tập trung vào năng suất". Ông sử dụng các công cụ để có thể tăng năng suất lao động và tiết kiệm thời gian nhưng không phải tất cả nhân viên của ông đều như vậy. Vì vậy, ông quyết định cắt giảm hơn 1/3 thời gian làm việc. Aarstol cho rằng điều này sẽ giúp công ty khởi nghiệp của ông có một nền văn hóa tốt hơn. Ông nói: “Chúng tôi sẽ sống hết mình với công việc và bằng cách này, chúng tôi sẽ thúc đẩy thương hiệu của mình".

Aarstol đã tạo ra một chính sách mới cho nhân viên của mình. Ở đây, nhân viên bắt đầu làm việc lúc 8h sáng và kết thúc lúc 13h chiều mỗi ngày với 3 quy tắc: Không ràng buộc, mức lương không thay đổi và không có giờ nghỉ trưa.

"Bạn cần phải tìm cách hoàn thành công việc được nhiều hơn những gì bạn đã làm trước đây, nếu không bạn sẽ bị sa thải ", ông ấy nói: "Vì vậy, tôi đang trả lại cuộc sống của bạn, nhưng cũng đang tạo áp lực cho bạn".

Tower hiện có 6 nhân sự. Vào thời điểm nhiều nhân viên nhất công ty cũng chỉ có 9 người vì vậy ở đây hiếm khi tổ chức họp. Theo Aarstol, điều này giúp cho nhân viên sắp xếp lại công việc của họ.

Sau khi chính sách được áp dụng, nhân viên bắt đầu tính thời gian thực hiện các nhiệm vụ của họ, tìm cách tăng tốc độ xử lý công việc và chia sẻ các cách thức cải thiện năng suất trong đó bao gồm tìm cách làm thế nào để giảm một nửa thời gian vận chuyển một đơn hàng. Nhờ đó, doanh thu của Tower đã tăng 50%. Với kết quả này, Aarstol quyết định tiếp tục áp dụng chính sách làm việc 5 giờ/ngày sau thời gian thử nghiệm.

Chính sách làm việc 5 giờ/ngày đã cứu, sau đó lại hại một công ty như thế nào? - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Tower, Stephan Aarstol. Ảnh: YouTube

“Phá vỡ” văn hóa của công ty và thay đổi chính sách

Sau khoảng 2 năm áp dụng chính sách 5 giờ làm việc một ngày, Aarstol bắt đầu nhận thấy một số vấn đề nảy sinh trong văn hóa doanh nghiệp. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã phá vỡ văn hóa công ty vì sau đó mối quan hệ giữa công ty và nhân viên không còn bền chặt", ông nói.

Aarstol cho biết, ông đã đưa ra chính sách tuyển dụng và giữ chân người lao động, những người làm việc nhanh gấp ba lần những người khác nhưng không thể thực hiện được.

Vì vậy, năm 2017, Aarstol đã quyết định điều chỉnh chính sách. Nhân viên bắt đầu làm việc 5 giờ mỗi ngày chỉ trong 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9 - khi công ty ở giai đoạn bận rộn nhất của năm.

Đến năm 2019, doanh thu của công ty giảm mạnh, từ 4,3 triệu USD trong năm 2018 xuống còn 2 triệu USD vào năm 2019. Theo Aarstol, mặc dù việc sụt giảm doanh thu không liên quan đến thời gian làm việc ngắn hơn nhưng ông vẫn quyết định áp dụng lại chính sách này và tăng thời gian làm việc lên. Doanh thu của công ty tăng gấp đôi vào năm 2020.

Phần thưởng: 5 giờ làm việc mỗi ngày

Stephan Aarstol hiện đang điều chỉnh lại giờ làm việc của Tower, để thời gian làm việc gắn liền với hiệu quả hoạt động của công ty. Nhân viên sẽ làm việc 5 giờ mỗi ngày từ ngày 1/8 đến hết tháng 11, tuy nhiên việc này chỉ được áp dụng khi doanh thu của công ty tăng lên. Và chính sách này sẽ được coi như là phần thưởng cho toàn công ty. Trước đây, nhân viên của công ty coi việc làm 5 giờ mỗi ngày như quyền lợi mà họ được hưởng.

"Đây là một phần thưởng khi doanh thu ngày càng tăng và nếu doanh thu giảm, thì giờ đây mọi người đều biết cách làm việc với tốc độ gấp đôi, chúng tôi sẽ giảm số giờ làm gấp đôi và chúng tôi sẽ phát triển chính sách này", ông nói.

Công ty cũng đã đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh. Bên cạnh ván chèo, Tower hiện cũng bán xe đạp điện, kinh doanh không gian tổ chức sự kiện và cửa hàng sửa chữa xe đạp. Aarstol cho biết, điều này giúp công việc kinh doanh tiếp tục phát triển trong suốt thời gian dịch Covid 19 và doanh số bán xe đạp điện của hãng đã tăng gấp 6 lần.

Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM