Giới trẻ Trung Quốc và giấc mộng bước chân vào tầng lớp khá giả: Điên cuồng 'lướt sóng' tiền số, coi đây là cách cuối cùng để đổi đời dù thiếu hiểu biết
Đầu cơ Bitcoin và các loại tiền số khác ngày càng phổ biến đối với giới trẻ Trung Quốc. Họ mong muốn có thể thu lời để nhanh chóng mua nhà. Ngay cả khi giao dịch tiền số được coi là bất hợp pháp, họ vẫn mua và bán tiền số với rủi ro cao.
Wendy Li là nhà sản xuất nội dung độc lập 32 tuổi, sống ở Thâm Quyến. Trong vài tháng qua, cô và bạn trai Henry Yi – nhiếp ảnh gia và biên tập video 29 tuổi, cùng nhiều người bạn đã "lướt sóng" đầu cơ tiền số.
Sự hưng phấn đối với thị trường tiền số đã nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng giới trẻ Trung Quốc, bao gồm thế hệ Y và nhóm trưởng thành của thế hệ Z. Họ gia nhập thị trường này thông qua những lời giới thiệu của bạn bè hoặc làm theo các KOL, ngay cả khi tiền số nổi tiếng với những biến động mạnh.
Li cho hay: "Ngoài chúng tôi, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và bạn cùng phòng của chúng tôi đều đầu tư tiền số. Sức hấp dẫn của thị trường này mạnh đến nỗi khi một người bạn bắt đầu đầu tư, một vài người quen khác cũng bị ‘cám dỗ’."
Nhóm người trẻ, sống ở thành thị của Trung Quốc với độ tuổi 20-30 đang tham gia vào xu hướng tương tự như ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ đều "ôm mộng" về việc đầu cơ tiền số là cơ hội cuối cùng để vượt qua những rào cản về giai cấp và đưa bản thân vào tầng lớp khá giả.
Đặc biệt, những người sống ở Thâm Quyến - trung tâm công nghệ của Trung Quốc, nơi có hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và internet, rất quan tâm đến các khái niệm về toàn cầu hóa và tài sản kỹ thuật số mới nổi. Theo đó, giá trị thị trường tiền số tăng vọt và những KOL đã trở thành động lực thúc đẩy cho ước mơ của riêng họ.
Do Trung Quốc kiểm soát thông tin và hoạt động giao dịch ngoại hối và đầu tư tài chính ở nước ngoài khá chặt chẽ, nhà đầu tư trẻ tại đây sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn so với giới trẻ Nhật Bản hay Hàn Quốc. Theo đó, thông tin về quy mô đầu tư tiền số tại Trung Quốc cũng khá ít ỏi.
Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát trên Weibo hồi đầu tháng này, người dùng được hỏi rằng liệu nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đầu tư vào tiền số hay chưa, 44,8% trong số 29.000 người trả lời cho biết họ đã đầu tư. Chỉ riêng trên trang mạng xã hội này, lượt tìm kiếm "Bitcoin" đã dẫn liên kết tới hàng trăm bài đăng và được xem hơn 11,7 tỷ lần. Bài đăng về Bitcoin cũng được đăng tải ở các trang mạng xã hội khác của Trung Quốc.
Dù Bắc Kinh đã đưa ra những quy định mới trong vài tuần qua nhằm hạn chế hoạt động đầu tư vào tiền số, nhưng một số lượng lớn người trẻ vẫn rất hào hứng chia sẻ về hoạt động đầu tư của mình trên mạng xã hội mỗi ngày. Nhiều người khoe thành tích đầu tư của mình và cho biết hiện đã có thể mua những loại tài sản có giá trị gấp 75 lần số tiền đã bỏ ra.
Simon Zhao – phó trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc chương trình liên kết quốc tế của Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Đại học Baptist Hồng Kông, nhận định: "Người trẻ Trung Quốc đã quen với việc sử dụng điện thoại di động để mua cổ phiếu và các loại chứng khoán khác, cũng như đi vay online. Do đó, việc đầu tư tiền số với họ cũng rất dễ dàng."
Một báo cáo của công ty tư vấn dữ liệu MobTech cho thấy hơn 80 triệu nhà đầu tư Trung Quốc đã sử dụng ứng dụng để đầu tư vào năm ngoái. Số lượng cá nhân đầu tư thông qua ứng dụng dành cho thiết bị di động đã vượt quá 20 triệu người, 52,9% trong số đó dưới 30 tuổi.
Ông Zhao cho hay, giới trẻ Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc đầu cơ so với nhóm người ở độ tuổi 40-50. Họ không hào hứng với các khoản đầu tư dài hạn. Hơn nữa, thị trường đầu cơ có lợi nhuận cao, rủi ro lớn luôn là yếu tố được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng.
Quay trở lại với Li and Yi. Cặp đôi này là một trong số những người hào hứng với việc bắt kịp xu hướng. Li cho biết, thu nhập hàng tháng của cô là 10.000 tệ. Cô sống trong một căn hộ 3 phòng ngủ với 3 người bạn cùng phòng và họ cũng đang đầu cơ tiền số.
Li chia sẻ: "Hồi tháng 4, tôi gặp một cô gái trạc tuổi mình ở Thâm Quyến. Cô ấy làm việc cho một startup fintech và kiếm được hàng triệu USD nhờ đầu cơ tiền số vào năm ngoái. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi khái niệm phi tập trung của tiền số mà cô ấy nói."
Cô cho biết thêm: "Điều đó có nghĩa là những người trẻ như chúng tôi có thể phá vỡ tiềm lực kinh tế hiện tại và quyền lực trong việc tạo nên sự giàu có. Việc sử dụng tiền tệ không nên chỉ nằm trong tay số ít, giống như Phố Wall hay các chính phủ."
Vào tháng 4, Li và Yi cùng đầu tư 80.000 tệ (12.500 USD) thông qua ZB.com – một trong số những sàn giao dịch tiền số được phép hoạt động ở Trung Quốc. Họ đã mua Tether với giá 6,47-6,81 tệ từ những người khác thông qua ứng dụng, sau đó mua thêm Uni, Dot, Ether và Litecoin. Sau vài tuần, giá trị tài sản trên sổ sách của họ tăng lên 100.000 tệ, nhưng khi thị trường lao dốc hồi tháng 5, họ lại đầu tư thêm 30.000 tệ.
Hiện tại, giá trị của khoản đầu tư này đã giảm một nửa, khiến họ có cái nhìn khác về thị trường tiền số. Li cho biết cô cảm thấy rủi ro ngày càng lớn hơn khi nhiều chính phủ kiểm soát hoạt động kinh doanh và khai thác tiền số.
Dẫu vậy, Yi lại muốn bắt đáy và tin rằng thị trường sẽ tăng mạnh trở lại như trước đây. Anh cho hay: "Tiền số là cơ hội duy nhất mà những người thuộc tầng lớp lao động trẻ tuổi như chúng tôi có thể giàu lên nhanh chóng, dù rủi ro cũng rất cao."
Yi chia sẻ: "Nếu không nắm bắt, chúng tôi sẽ không bao giờ đủ tiền để mua một căn hộ ở Thâm Quyến." Do đó, rất nhiều người trẻ thậm chí còn đi vay để đầu cơ. Anh cho biết: "Thông thường, bạn chỉ cần nhấn một nút trên điện thoại để tăng đòn bẩy lên 2 hay 5 lần, thậm chí cao hơn."
Nhiều nhà đầu tư trẻ ở Trung Quốc không hiểu rõ về những chỉ báo chuyên môn, cũng như logic vận hành đằng sau thị trường tiền số. Phản ứng trước sự thay đổi trên thị trường của họ cũng chậm chạp do Bắc Kinh hạn chế những thông tin trên internet và các khoản đầu tư ra nước ngoài.
Guo Zhongxiao – nhà bình luận độc lập về nền kinh tế số tại Thâm Quyến, nhận định: "Hầu hết những người trẻ ở Trung Quốc không chú ý nhiều đến mối tương quan giữa tiền số và giá vàng, đồng USD, kỳ vọng lạm phát toàn cầu."
Trong khi đó, Frank Cui – nhà khoa học của công ty blockchain dataqin.com, cho biết đầu tư tiền số tại Trung Quốc chịu rủi ro nhiều hơn vì chính phủ coi giao dịch này là bất hợp pháp. Họ cũng không có đủ thông tin để đánh giá thị trường. Ông nói: "Đầu tư tiền số giống như đánh bạc ở Trung Quốc, không có giới hạn về giá cũng như các biện pháp bảo vệ pháp lý."
Sau khi cho biết đã mua khoảng 280.000 tệ (44.800 USD) Bitcoin, Ether, Dogecoin và Shiba Inu kể từ tháng 2 và lợi nhuận tăng gấp đôi kể từ đó, một người dùng internet từ giám đốc kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử đã trở thành một blogger tài chính. Cô có 70.000 người theo dõi trên Weibo.
Người này đã trở thành một "ngôi sao" tiền số khi chia sẻ những bình luận của Elon Musk, Lawrence Summers và những nhân vật nước ngoài nổi tiếng khác nằm ngoài "tường lửa" của Trung Quốc. Cô nói: "Không có vấn đề gì nếu tài khoản của tôi bị khóa. Tôi vẫn còn 90 triệu Shiba Inu. Điều gì sẽ diễn ra nếu một lúc nào đó SHIB có giá 0,10 USD? Nó vẫn xứng đáng để đặt cược."