Chiến lược giúp Starbucks trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới, ai kinh doanh ngành F&B cũng nên học hỏi

13/05/2017 20:51 PM | Kinh doanh

Tính đến năm 2017, Starbucks đã có hơn 24.300 cửa hàng trên toàn cầu, gấp đôi số lượng cửa hàng của thương hiệu phổ biến thứ 2 là Dunkin Donuts.

Thành lập năm 1971 tại Seattle, Mỹ, Starbucks khi đó chỉ là một cửa hàng nhỏ chuyên bán hạt cà phê và các thiết bị rang xay cà phê. Mọi chuyện thay đổi khi Howard Schultz, CEO lừng danh của Starbucks sau này, gia nhập hãng vào năm 1982 với vai trò Giám đốc hoạt động bán lẻ và tiếp thị. Ông chính là người đưa ra ý tưởng hãng nên bán cả cà phê hạt lẫn cà phê xay sau khi nhận ra nét độc đáo trong cách phục vụ cà phê tại Ý nhờ một chuyến đi tới Milan.

Trải qua 40 năm gây dựng và phát triển, Starbucks không chỉ bó hẹp bản thân tại Seattle hay Mỹ, mà đã lan ra nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hongkong, Nam Phi…và Việt Nam.

Mặc dù là mục tiêu của các cuộc biểu tình liên quan đến các vấn đề như chính sách công bằng thương mại, tác động môi trường, các hành vi phản cạnh tranh, Starbucks vẫn là chuỗi cà phê thành công nhất hiện nay nhờ vào 4 bí quyết dưới đây.

1. Sử dụng hiệu quả phương tiện truyền thông xã hội

Đầu năm 2008, Starbucks bắt đầu tấn công các mạng xã hội và từ đó đến nay, hãng trở thành nhãn hiệu cà phê được thảo luận nhiều nhất trên mạng.

Sự hiện diện của Starbucks trên Facebook, Twitter, Instagram và Pinterest biến hoạt động uống cà phê thành một sở thích mà khách hàng dễ dàng chia sẻ với bạn bè và gia đình. Ví dụ: Starbucks thường xuyên đưa ra các ưu đãi thông qua hình thức like, share, comment trên mạng xã hội, từ đó tăng tỷ lệ tương tác cũng như độ phủ của sản phẩm đến người dùng.

Không chỉ để giới thiệu sản phẩm, Starbucks còn truyền tải thông điệp về niềm đam mê của thương hiệu bằng cách chia sẻ hình ảnh khách hàng tận hưởng cuộc sống tại các cửa hàng cà phê. Hình ảnh trung tâm trong nhiều bài đăng không phải là những cốc Frappucino, Fxpresso mà là các khách hàng cùng nhau chuyện trò, thưởng thức cà phê trong không gian êm ả, yên tĩnh.

2. Hình thức thanh toán tiện lợi

Chúng ta thường nghĩ một công ty công nghệ hoặc tổ chức tài chính nào đó mới là người đứng sau, khởi xướng hình thức thanh toán qua di động. Trên thực tế, Starbucks là người dẫn đầu, cũng là người có công phổ biến loại hình thanh toán này.

Năm 2011, Starbucks phát hành ứng dụng Starbucks®, cho phép người dùng đặt hàng, thanh toán online mà không cần xếp hàng dài chờ đợi. Ý tưởng khi đó bị các nhà công nghệ cười cợt vì họ cho rằng việc sử dụng mã QR cho ứng dụng di động thật thô sơ, lại còn không giống ai.

Nhưng sự thật đã chứng minh điều ngược lại. Năm 2016, 1/5 các giao dịch của khách hàng tại Starbucks được thực hiện qua di động. Ứng dụng còn cung cấp các chương trình giảm giá, miễn phí đồ uống cho các khách hàng thường xuyên sử dụng, đồng thời có thể gợi ý cho khách hàng đồ uống phù hợp dựa trên những lần chọn lựa trước đó.

3. Startbucks và người nổi tiếng

Lướt qua các trang web tin tức, bạn sẽ không khó để thấy các bức ảnh chụp bởi paparazzi khi người nổi tiếng nắm chặt đồ uống Starbucks trong tay.

Tình yêu của sao Hollywood với Starbucks nâng tầm sản phẩm thành biểu tượng của sự sang trọng mà chúng ta, những người bình thường, có thể dễ dàng mua được, chứ không khó khăn như sở hữu túi Hermes hay đồng hồ Rolex. Nói cách khác, chúng ta cũng có thể có một điểm giống người nổi tiếng: cùng uống Starbucks.

Đối với chuỗi cà phê "nàng tiên cá", hình ảnh người nổi tiếng công khai uống Starbucks là một “món quà trời ban” cho thương hiệu cũng như túi tiền của họ . Thật vậy, Starbucks không phải mất chi phí thuê người nổi tiếng tham gia vào các chiến dịch quảng cáo vì họ đã luôn làm điều này miễn phí.

4. Một đế chế hoạt động vì xã hội

Có một thực tế là các công ty chú trọng đến hoạt động xã hội thường dễ tạo sự trung thành và ủng hộ từ phía người dùng. Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra 90% người Mỹ được hỏi tin cậy và chọn mua sản phẩm của các công ty có hành động vì lợi ích xã hội.

Trong phương diện này, Starbucks đã để lại dấu ấn không chỉ ở cấp độ địa phương mà còn lan ra toàn cầu. Ví dụ: Starbucks công khai ủng hộ các quyền cơ bản của nhóm LGBT, từ chối các nhà đầu tư có thái độ phân biệt và biến nhiều cửa hàng của mình thành không gian an toàn cho cộng đồng người LGBT.

Năm 2015, Starbucks đã phát động chiến dịch quyên góp cho người di cư và tị nạn Syria. Từ nay đến 2020, công ty hứa sẽ thuê thêm 10.000 người tị nạn vào hệ thống kinh doanh. Mặc dù nhận nhiều “gạch đá”, sự tẩy chay từ những người ủng hộ tổng thống Donald Trump, tuyên bố này vẫn được ca ngợi trên các phương tiện truyền thông.


- 100 triệu người Mỹ đang thất nghiệp và Starbucks lại muốn tuyển thêm 10.000 kẻ tỵ nạn. #TaychayStarbuck #UutiennguoiMy

- Những người ủng hộ Trump muốn #TaychayStarbuck! Tuyệt, cà phê ngon và hàng người chờ đợi sẽ ngắn hơn.

- 100 triệu người Mỹ đang thất nghiệp và Starbucks lại muốn tuyển thêm 10.000 kẻ tỵ nạn. #TaychayStarbuck #UutiennguoiMy

- Những người ủng hộ Trump muốn #TaychayStarbuck! Tuyệt, cà phê ngon và hàng người chờ đợi sẽ ngắn hơn.

Kết luận

Từ trường hợp của Startbucks, các công ty có thể tận dụng 4 bí quyết dưới đây để tăng doanh số và độ nhận diện thương hiệu:

1. Tăng cường sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông

2. Nếu bạn làm trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), hãy tận dụng công nghệ để tối ưu sự tiện lợi cho khách hàng.

3. Nếu sản phẩm đủ hấp dẫn, mọi người sẽ sẵn lòng quảng cáo miễn phí!

4. Không nên né tránh các hoạt động xã hội mà hãy tận dụng để tăng sự ủng hộ từ khách hàng.

Hông Lam

Cùng chuyên mục
XEM