Chiếm tới 90% tổng vốn đầu tư nên muốn giảm phí BOT trước hết phải được nhà băng “gật đầu”?

21/05/2016 11:18 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong dự án BOT, vốn của ngân hàng chiếm đến 80 - 90% trong khi vốn của nhà đầu tư chỉ có vẻn vẹn 10-20%. Điều này đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng thực chất ngân hàng mới là chủ sở hữu của dự án này. Do đó, dẫn đến một việc tất yếu, muốn giảm phí BOT phải có cái “gật đầu” của ngân hàng?!

Việc ngân hàng cho vay đến 80% - 90% tổng vốn đầu tư khiến nhiều người cho rằng các nhà đầu tư BOT chỉ cần "tay không bắt giặc".

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là, với tỷ lệ cho vay cao đến mức như vậy, phải chăng muốn giảm phí BOT cũng phải được nhà băng "gật đầu".

Câu hỏi này đã được đặt ra cho đại diện của hai bộ Giao thông Vận tải và Tài chính trong buổi toạ đàm Minh bạch thu phí BOT Giao thông chiều 20/5.

Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc ngân hàng có sự tác động, có ý kiến lên doanh thu BOT là điều hợp lý. Bởi dự án BOT có vốn vay này chiếm đại đa số trong tổng vốn đầu tư.

Khi cho vay, ngân hàng đương nhiên phải tính toán các khía cạnh liên quan để đảm bảo hoàn vốn. Do đó, việc ý kiến, tác động là điều hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ ngân hàng chỉ là một trong số những đối tác tham gia vào dự án. Bộ Giao thông Vận Tải vẫn phải đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước tiến hành bàn bạc với ngân hàng, nhà đầu tư để xử lý, hài hoà các lợi ích của các bên.

Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ đáp ứng được việc cho vay vốn còn Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp tham gia trên tuyến đường đó để đảm bảo doanh thu.

Ông cũng nói thêm trong phương án chống rủi ro cho nhà đầu tư thì cơ quan quản lý đã tính đến điều này. Cơ quan của Bộ Giao thông Vận Tải theo dõi xuyên suốt từ đầu đến cuối nhằm có sự chỉnh lý phù hợp đối với dự án cũng như sức chịu đựng của nền kinh tế

Ông Vũ Khắc Liêm – Vụ phó Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính cũng tán đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Ông cho rằng ngân hàng chỉ có thể tư vấn, góp ý với nhà đầu tư về việc làm thế nào để tính toán đến trả nợ vốn vay và trả lợ lãi ngân hàng chứ không thể nào có chuyện ngân hàng được quyết về việc tăng hay giảm phí.

Ông Liêm khẳng định, cơ chế chung về mức phí thuộc thẩm quyển của Bộ Tài chính chứ không phải thuộc về ngân hàng.

Do đó, nói “ngân hàng chưa đồng ý giảm thì chưa được giảm phí” là không chính xác.

Đình Phương

Cùng chuyên mục
XEM