Chỉ với 1 tấm vé tàu nhỏ, người Nhật cũng khiến cả thế giới phải cúi đầu nể phục
Chỉ là một tờ giấy với các con số cùng các đoạn văn bản xin lỗi, người Nhật Bản đã dạy cho cả thế giới cách quý trọng thời gian.
Tại Nhật Bản, mọi công việc hàng ngày từ trường học, các công ty cho tới chính phủ đều rất nghiêm khắc trong giờ giấc làm việc cũng như giờ có mặt của những cá nhân tham gia.
Bất kì học sinh, nhân viên hay viên chức nào đến muốn đều sẽ phải chịu hình phạt theo quy định. Là một quốc gia có mật độ dân số cao, người dân Nhật Bản phụ thuộc chủ yếu vào các phương tiện công cộng như tàu điện siêu tốc để tới nơi cần đến.
Một kiểm soát viên tại trạm chỉ huy ra hiệu lệnh đóng cửa tàu để chuẩn bị khởi hành.
Để phục vụ tối đa người dân trong việc di chuyển, những người từng sinh sống tại Nhật cho rằng bạn có thể hẹn giờ đồng hồ để báo tàu tới và đoàn tàu này sẽ đến đúng lúc khi đến giờ. Trong những khoảng thời gian cao điểm, số lượng tàu được tăng lên và sẽ có chuyến tàu tiếp theo chỉ trong 2 tới 3 phút sau khi chuyến tàu trước đó rời bến.
Mặc dù vậy, những đoàn tàu này được vận hành bởi con người và tất nhiên chúng có sai sót mặc dù là rất hiếm gặp. Thế nhưng, để khắc phục khuyết điểm này, người Nhật đã tạo nên một tấm bảng có tên "bằng chứng đi muộn" và nó sẽ cho chúng ta thấy người Nhật nghiêm túc ra sao trong giờ giấc, công việc cũng như cuộc sống.
Mỗi khi tàu tới muộn, dù chỉ là 5 phút, nhóm lái tàu sẽ trực tiếp xuống toa xin lỗi từng hành khách và phát họ cho một tấm vé chứng minh họ đi muộn là do đoàn tàu chứ không phải do bản thân.
Người Nhật cho rằng đây là lỗi của lái tàu vì đã tới trễ chứ không phải do những người di chuyển trên đoàn tàu này.
Trên chiếc vé đi muộn này sẽ có dòng chứ "Chien shoumeisho" và trên đó sẽ có các số tương ứng với ngày tàu chạy cùng khoảng thời gian mà tàu tới trễ. Khoảng thời gian cho phép tối thiểu từ 5 phút nên nếu đoàn tàu tới muộn 4 phút, người di chuyển sẽ không nhận được tấm vé nói trên.
Làm sao để có được tấm vé xác minh đi muộn này?
Thông thường, mỗi đoàn tàu tới trễ thì nhóm lái tàu sẽ tự động xuống toa và đưa văn bản này cho hành khách. Mặc dù vậy, có một số trường hợp lái tàu bỏ quên hành khách (hiếm xảy ra) hoặc vì một lý do nào đó mà hành khách này không nhận được tấm vé trên, họ có thể yêu cầu trực tiếp lái tàu để nhận được quyền lợi cũng như một lời xin lỗi chân thành từ nhóm vận hành tàu.
Ngoài những thông điệp kể trên, tờ giấy minh chứng đi muộn còn được in một đoạn văn bản xin lỗi từ công ty tàu điện cũng như lái trưởng của đoàn tàu này.
Với khoảng 10 triệu lượt hành khách mỗi ngày cùng khoảng thời gian làm việc căng thẳng, những lỗi tới muộn trong khoảng thời gian ngắn hoàn toàn dễ hiểu khi mà nhóm điều hành tàu cũng phải giải quyết công việc cá nhân cũng như nhiều rắc rối khác trong cuộc sống.
Shunsaku Hagita, một lái tàu tại Nhật cho hay: "Nếu như tàu tới trễ, những người lái tàu phải có cách xử lý đúng mực, sử dụng những kinh nghiệm được đào tạo để làm hài lòng khách hàng và không làm ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân của mỗi hành khách. Mặc dù vậy trong tương lai gần, những đoàn tàu như thế này sẽ được vận hành bằng máy tính để hạn chế toàn bộ rủi ro có thể xảy ra do yếu tố con người".
Các nhân viên lái tàu hoạt động trên khu vực đầu tàu chỉ với mục đích chính là theo dõi máy móc hoạt động cũng như xử lý nếu như có tình huống khẩn cấp xảy ra. Mặc dù vậy, tàu điện tại Nhật Bản thông minh tới mức chúng có thể tự động phanh gấp nếu như phát hiện ra có động đất hay những thiên tai liên quan.
Khi một tàu tới bến chậm, những tàu phía sau phải giảm tốc độ để tránh va chạm và tất nhiên chỉ cần một tàu tới muộn cũng sẽ làm ảnh hưởng tới nhịp hoạt động của toàn bộ hệ thống.
Công việc mơ ước
Với những bộ đồng phục đẹp mắt, đôi găng tay trắng cùng khả năng vận hành máy móc điêu luyện, những người điều khiển tàu giữ nhiệm vụ an toàn tối đa cho hành khách tham gia. Nhiệm vụ còn lại của lái tàu là đảm bảo không hành khách nào bị kẹp khi tàu sắp chạy đồng thời kết nối với trạm kiểm soát để được khởi hành an toàn.
Thật bất ngờ khi tại Nhật Bản, công việc lái tàu hấp dẫn ngang ngửa với cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, bác sĩ hay cảnh sát viên. Đây được xem là những công việc trong mơ của các cậu bé Nhật Bản khi rời ghế nhà trường.
Hagita, một lái tàu tâm sự: "Tôi lớn lên quanh những đoàn tàu này, theo dõi từng hoạt động của người lái tàu nên việc trở thành một lái tàu thật sự hoàn toàn tự nhiên và tôi tự hào với công việc của mình. Sau này khi tôi lập gia đình và có con cái, tôi muốn họ được di chuyển trên chính con tàu mà tôi cầm lái".
Từ những thành tựu to lớn của tàu điện Nhật Bản, người Trung Quốc đã học tập cách bảo dưỡng, trùng tu tàu trong khi người Ai Cập thì học cách lưu trữ linh kiện tàu sao cho thật tiết kiệm. Nhật Bản cũng đồng thời trợ giúp Việt Nam trong quá trình phát triển tuyến đường ray trên cao tại Hà Nội.