Chẳng phải Trung Quốc, Nga hay Ấn Độ, đây mới là quốc gia đang tăng trưởng rất nhanh và sắp gia nhập CLB những nước giàu nhất thế giới
Công cuộc làm giàu luôn khó khăn đối với các cá nhân và nó càng khó khăn hơn đối với cả một quốc gia. Trong số 190 nền kinh tế được theo dõi bởi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ có chưa đến 40 thị trường được công nhận là giàu có hoặc phát triển.
Những quốc gia còn lại đều là nước nghèo, nền kinh tế mới nổi, thậm chí nhiều thị trường có lẽ mãi mãi vẫn chỉ là quốc gia mới nổi nếu không có cải cách triệt để.
Nền kinh tế mới đây nhất lọt vào nhóm các nước phát triển là Hàn Quốc từ cách đây 20 năm và điều đáng ngạc nhiên là các chuyên gia nhận định quốc gia tiếp theo có thể vào nhóm này lại là Ba Lan chứ không phải thị trường nào khác.
Theo tiêu chuẩn của IMF, một nước phát triển là nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người tối thiểu 15.000 USD và Ba Lan đang hướng đến mục tiêu này rất nhanh.
Kể từ khi chuyển đổi cơ cấu chính trị vào năm 1991 khi Liên Xô tan rã, kinh tế Ba Lan đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 4% mỗi năm và điều đáng ngạc nhiên nhất là chưa bao giờ tăng trưởng âm.
Đây quả là kỳ tích khi nền kinh tế thế giới cùng nhiều cường quốc đã phải chao đảo vì khủng hoảng, suy thoái, nợ công…
Trong vòng 25 năm, Ba Lan đã gia tăng mức thu nhập bình quân đầu người từ 2.300 USD lên 13.000 USD và đang hướng đến vượt 15.000 USD vào cuối thập niên này.
Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng vượt bậc này là những cải cách trong hệ thống kinh tế của Ba Lan khi từ bỏ kiểu quản lý tập trung nhà nước, chuyển sang kinh tế tư nhân, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy trình cải cách để có thể gia nhập Liên minh Châu Âu (EU).
Thêm vào đó, sự hậu thuẫn lớn của đồng minh Mỹ cũng khiến nền kinh tế Ba Lan tăng trưởng tốt. Ba Lan là một trong những nước thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cho Mỹ thuê căn cứ quân sự. Quốc gia này cũng chi tiêu tới 2% GDP cho quốc phòng và phần lớn vũ khí mua từ Mỹ.
Với dân số khoảng 40 triệu người và thị trường có tổng giá trị 500 tỷ USD, lớn thứ 24 thế giới, Ba Lan đang dần trở thành một trong những con hổ mới về kinh tế tại Đông Âu.
Số liệu mới nhất của HIS Markit cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất của Ba Lan đạt 52,3 điểm, cao hơn mức PMI bình quân của 19 năm qua. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và việc làm của nước này cũng ở mức tốt.
Cơ hội lớn cho Ba Lan
Cũng tương tự như những quốc gia vượt khó thoát nghèo khác, Ba Lan vẫn còn chặng đường rất dài để đi. Ngành sản xuất của nước này đóng góp ngày càng ít cho nền kinh tế do tác động từ nhà sản xuất Trung Quốc và điều này cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Dẫu vậy, với lợi thế chi phí nhân công thấp, bằng khoảng 1/3 so với Đức, Ba Lan vẫn có những lợi thế nhất định trong ngành sản xuất và xuất khẩu tại Châu Âu. Hiện xuất khẩu chiếm tới 33% GDP của Ba Lan, cao hơn mức bình quân 22% của các nền kinh tế mới nổi.
Bên cạnh đó, trong khi nhiều nền kinh tế mới nổi tập trung vào tăng trưởng nóng và mất cân đối khoảng thời gian sau đó như Indonesia hay Thái Lan thời kỳ thập niên 1990, Ba Lan lại hướng đến công cuộc tăng trưởng bền vững chỉ với 4% hàng năm.
Ngoài ra, trong khi các nước mới nổi chú trọng quá nhiều vào xuất khẩu những mặt hàng thô như dầu mỏ, nông sản và phụ thuộc nhiều vào giá cả hàng hóa nguyên liệu trên thế giới thì Ba Lan lại hướng đến việc sản xuất cũng như xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng giá trị kỹ thuật.
Một nghiên cứu cho thấy những nước giàu dựa quá nhiều vào tài nguyên thường không bền vững. Có đến 90% những quốc gia giàu có hiện nay nằm trên mỏ vàng đen từng nghèo hơn Mỹ trước khi phát triển ngành dầu khí. Thậm chí, nhiều nước trong số đó thuộc dạng nghèo đói.
Hiện tại, khoảng 9/13 nước có thu nhập 10.000- 15.000 USD vẫn phụ thuộc vào dầu mỏ hoặc xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô như Brazil, Nga, Argentina… Các quốc gia còn lại không phụ thuộc vào tài nguyên đều là những nước Đông Âu mà dẫn đầu là Ba Lan.
Trong khi những nước dựa vào giàu mỏ thường không giàu bền lâu như Argentina hay Venezuela thì việc phát triển sản xuất, công nghiệp như của Ba Lan lại mang đến tăng trưởng khá bền vững khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng hợp lý mà không làm tăng nợ công quá nhiều.
Kể từ khi cải cách nền kinh tế vào năm 1991, khoảng 80% người dân Ba Lan hiện nay đang tham gia lĩnh vực kinh tế tư nhân và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Bởi vậy, rất có thể không phải Trung Quốc, Nga, Brazil hay Ấn Độ mà chính Ba Lan mới là quốc gia tiếp theo gia nhập câu lạc bộ những nước giàu trên thế giới.
Người Ukraine đang làm giàu cho Ba Lan
Cuộc xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia Châu Âu. Đối với Ba Lan, nền kinh tế của nước này lại được hưởng lợi ích khá lớn từ dòng lao động Ukraine nhập cư trốn chạy khỏi cuộc xung đột địa chính trị trong nước.
Số lượng lao động Ukraine nhập cư vào Ba Lan đã tăng mạnh từ năm 2014 khi cuộc xung đột diễn ra tại miền Đông Ukraine gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước. Bình quân khoảng 1 triệu người lao động Ukraine được cấp phép làm việc tại Ba Lan. Hầu hết những lao động này không phải người tị nạn mà là những nhân viên có trình độ hoặc kỹ năng tìm kiếm cơ hội mới khi kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.
Ukraine đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế từ 2 năm nay sau khi có xung đột với Nga. Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Với việc xuất cảnh làm việc tại Ba Lan, những lao động Ukraine này có thể kiếm nhiều hơn 5 lần so với ở quê nhà. Họ chấp nhận làm bất cứ công việc gì từ hái cà chua cho đến lái xe cho Uber. Theo luật định, các công ty có thể làm thủ tục cho những người lao động Ukraine này làm việc trong vòng 6 tháng và sẽ xem xét lại. Dẫu vậy, một lượng lớn người Ukraine chưa được thống kê vẫn đang làm việc bất hợp pháp ở Ba Lan.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Ba Lan lại khá vui vẻ với những người nhập cư bởi tỷ lệ sinh thấp cũng như tình trạng di cư của khoảng 2 triệu thanh thiếu niên nước này đến các thị trường Châu Âu khác đã khiến cung lao động tại đây giảm mạnh.
Hệ quả tất yếu là tỷ lệ thất nghiệp tại Ba Lan đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991 trong khi kinh tế lại có sự tăng trưởng khá nhờ nguồn tài chính gửi từ nước ngoài cũng như sự hồi phục của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dẫu vậy, việc thiếu hụt nguồn lao động đang là nguy cơ tiềm ẩn với nền kinh tế Ba Lan. Báo cáo của Liên đoàn doanh nghiệp Ba Lan (ZPP) cho thấy nền kinh tế này sẽ cần thêm khoảng 5 triệu lao động để có thể duy trì tăng trưởng trong vòng 30 năm tới.
Thậm chí, số liệu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và xã hội (CSER) chỉ ra rằng lượng lao động nhập cư từ Ukraine là không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường Ba Lan hiện nay mà chỉ giúp đỡ được phần nào. Phần lớn những lao động nhập cư được trả lương thấp hơn người bản địa nhưng cho năng suất cao hơn.
Vào năm 2013, thị trấn Kalisz của Ba Lan chỉ có khoảng 527 người lao động nhập cư thì nay con số này đã lên gần 10.700 người, phần lớn trong số đó là người Ukraine. Dẫu vậy, thị trưởng của thành phố này, bà Karolina Pawliczak thậm chí hoan nghênh những người nhập cư bởi họ đã cứu vãn thị trường lao động đang khan hiếm nguồn cung như hiện nay.
Một cuộc khảo sát vào năm 2016 của hãng CBOS cho thấy 63% số cử tri Ba Lan cho rằng những người Ukraine đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước này.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tại Ba Lan còn đang lo ngại nguồn lao động nhập cư sẽ cạn kiệt dần khi những nhân công nước ngoài hướng đến các quốc gia Châu Âu giàu có khác để làm việc thay vì Ba Lan. Quy định mới vào tháng 5/2017 cho phép những người Ukraine nhập cư vào các nước Châu Âu ngoại trừ Anh và Ireland trong vòng 3 tháng mà không cần thị thực.
Mặc dù quy định mới nay chưa cho phép người Ukraine làm việc theo dạng nhập cư này nhưng các doanh nghiệp Ba Lan lo ngại một quy chế mới sẽ được ban hành khi Châu Âu đang cố giúp đỡ Ukraine. Thậm chí nhiều lao động Ukraine đã làm việc trên thị trường chợ đen hoặc lao động bất hợp pháp với dạng nhập cư mới này.
Trong khoảng vài tuần trở lại đây, khá nhiều người lao động Ukraine đã làm thủ tục rời Ba Lan để sang lao động cho những nước Phương Tây phát triển hơn. Tình hình này khiến ZPP buộc phải đề nghị chính phủ Ba Lan có những động thái nhằm giữ chân người lao động như nới lỏng quy chế nhập cư hay cấp phép cho các lao động đang làm việc bất hợp pháp ở đây.