Đất nước 50 triệu dân đã có ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam gần 100 triệu dân quyết tâm sẽ làm được!
Cuối cùng thì Trường Hải đã đợi được câu trả lời từ Thủ tướng. Đó chính là thông điệp quan trọng nhất trong lễ khởi công nhà máy THACO MAZDA vừa qua (26/3) mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra. Với ý chí con người cùng với điều kiện về thể chế Việt Nam quyết tâm sẽ làm được ngành công nghiệp ô tô.
Dự án đi ngược tâm bão
Sự ra đời của dự án nhà máy THACO – Mazda diễn ra đúng trong tâm bão của ngành công nghiệp ô tô. Giá xe nhập khẩu nguyên chiếc ngày càng giảm, thị trường đã chứng kiến những cơn sốc từ ô tô Ấn Độ 189 triệu đồng/chiếc 9 chỗ đến 84 triệu đồng/ chiếc 4 chỗ.
Đó là chưa kể tương lai, thuế nhập khẩu cho xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ trong ASEAN có tỷ lệ nội khối đạt 40% sẽ giảm từ 30% trong năm nay về bằng 0% vào năm 2018 (trong khi đó thuế nhập khẩu linh kiện vẫn đang là bình quân 18%). Các liên doanh trong nước đã bắt đầu giảm, thu hẹp dần hoạt động và có thể tiến đến ngưng lắp ráp chuyển sang nhập khẩu. Rõ ràng doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đang đi ngược tâm bão, vậy Trường Hải lấy gì để mạo hiểm?
Phát biểu trong lễ khởi công, chủ tịch hội đồng quản trị ông Trần Bá Dương sự mở rộng của Trường Hải dựa trên 3 lý do. Thứ nhất, với tư cách là doanh nghiệp đầu ngành lắp ráp sản xuất ô tô trong nước, Thaco đã từng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất để dẫn đầu như hiện nay, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với nhiều nhà sản xuất ô tô có thương hiệu trên thế giới. Vậy nên có thể tự tin để vượt qua cột mốc 2018.
Thứ hai là quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô ở các nước trên thế giới từ trước đến nay là bảo vệ thị trường hợp lý để được chuyển giao công nghệ và bắt đầu từ lắp ráp, qua đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm ô tô. Thaco đã và đang đạt được những cột mốc trong quy luật đó với hơn 50% đối với xe buýt mang thương hiệu THACO và tỷ lệ nội địa hoá từ 30-35% đối với xe tải.
Và cuối cùng, phần cuối của bài phát biểu có lẽ đã được điền ngay trước sự có mặt của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khởi công “chúng tôi tin tưởng khi thuế suất xe nguyên chiếc về bằng 0 thì chắc chắn chính phủ cũng sẽ có điều chỉnh thuế suất nhập khẩu của linh kiện cho sản xuất, lắp ráp trong nước có tỷ lệ giảm tương ứng nhằm khuyến khích và duy trì sản xuất lắp ráp trong nước, trong điều kiện công nghiệp ô tô còn non trẻ”- ông Trần Bá Dương nói.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công nghiệp ô tô không chỉ là sản xuất ô tô mà còn là thương hiệu của một quốc gia nên tại kỳ họp vừa qua, Thủ tướng đã đề xuất Quốc hội xem xét những chính sách tạo điều kiện để Việt Nam có thể hình thành ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Vì trên thế giới, những nước có từ 50 triệu dân đã có ngành công nghiệp ô tô, trong khi đó Việt Nam có thị trường tới gần 100 triệu dân.
Quan trọng nhất, Thủ tướng khẳng định chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phụ trợ ô tô phát triển; giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất chính sách tổng thể về nhập khẩu ô tô theo đúng cam kết quốc tế và có biện pháp cần thiết để bảo vệ ô tô sản xuất trong nước theo đúng pháp luật và các cam kết hội nhập.
Nhấn mạnh quyết tâm về ý chí, Thủ tướng nói “Hồi trước ở đây chỉ có bãi cát, bây giờ hình thành nên một doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam là Ô tô Trường Hải – Chu Lai với mấy tỷ USD. Ý chí con người cùng với điều kiện và thể chế thì không có điều gì chúng ta không vượt qua và tiến lên”.
Dự án nhà máy THACO – Mazda
Tổng vốn đầu tư: 12.000 tỷ đồng
Diện tích:35 ha
Dự kiến đi vào hoạt động: tháng 4/2018
Công suất: 100.000 xe/năm
Một số đặc điểm công nghệ: Dây chuyền lắp ráp có hơn 70% công đoạn sử dụng robot. Dây chuyền kiểm định được kết nối với hệ thống thông tin kỹ thuật của trung tâm kiểm định Mazda toàn cầu được đặt tại Nhật bản. Đường thử xe có chiều dài 5 km với nhiều làn xe chạy thử, có đầy đủ các địa hình mô phỏng theo mọi điều kiện đường xá Việt Nam