CEO Thắng Lợi Group: "Tôi bực mình các bạn trẻ khởi nghiệp cảm xúc, chưa chuẩn bị kỹ thì các bạn trở thành gánh nặng của xã hội"

05/12/2020 20:30 PM | Kinh doanh

Trong khi hỏi ứng viên tuyển dụng về chủ đề khởi nghiệp, các CEO ngồi ghế nóng đã không kiềm chế được mà tranh luận luôn quan điểm của mình về startup. CEO Thắng Lợi Group đã nổ "phát súng" đầu tiên khi bày tỏ sự bực bội với giới trẻ khởi nghiệp bằng cảm xúc, chưa chuẩn bị kỹ về năng lực, đánh giá thị trường...

"Giới trẻ nên khởi nghiệp hay làm thuê?" là một chủ đề được đưa ra để chọn lọc ứng viên tuyển dụng, nhưng các sếp ngồi ghế nóng "Cơ hội cho ai?" đã không kiềm chế được mà bày tỏ quan điểm rất thẳng thắn.

Lần đầu tiên ngồi ghế nóng chương trình, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group giãi bày: "Tôi bực mình các bạn trẻ khởi nghiệp cảm xúc. Tôi dùng chữ "cảm xúc"".

"Khi chưa chuẩn bị kỹ mọi thứ, các bạn ấy trở thành gánh nặng của xã hội. Nói gì thì nói, chúng ta phải có kinh nghiệm, thậm chí phải có độ lì nữa".

Ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ngược lại cho rằng "Không ai khôn mà không dại! Chẳng qua là mình học".

"Nếu các bạn trẻ khởi nghiệp chỉ bằng nhiệt huyết mà thôi, thì 10-20% trong số đó vẫn học được. Và đó là con đường học đi lên. Còn những chi phí, đó là học phí xã hội cần trả", CEO PNJ nói.

"Thật ra chỉ có những người không làm mới không sai lầm. Tôi rất khuyến khích các bạn trẻ nếu có đủ năng lực, đủ trí tuệ, có được đánh giá tất cả yếu tố của thị trường, có đủ khả năng khởi nghiệp, thì nên khởi nghiệp, mạnh dạn khởi nghiệp", sếp của Thắng Lợi Group khẳng định.

Cùng trao đổi về câu chuyện khởi nghiệp, Phó Tổng Giám đốc phát triển Doanh nghiệp Tiki Ngô Hoàng Gia Khánh cho rằng khi khởi nghiệp, ngoài cảm xúc thì các bạn nên thực hiện một số bài kiểm tra nhanh để biết được mình có nên tiếp tục đi con đường đó hay không.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tiki, 3 câu hỏi một người khởi nghiệp nên đặt ra là:

- Khách hàng có thật sự cần thứ mình làm hay không?

- Liệu mình làm có tốt hơn người khác hay không?

- Liệu người khác có copy được thứ mình làm hay không?

"Khi đã có những câu hỏi cụ thể, có thể đi hỏi những chuyên gia trong ngành, thì mình có thể biết sức của bản thân đến đâu. Có thể chỉ 10% thành công như anh Thông nói, nhưng nếu mình trả lời được câu hỏi đó và với sự thuyết phục cao thì tỉ lệ thành công có thể lên đến 30 - 40%", ông Khánh nói.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM