CEO Canifa: H&M, Zara đến Việt Nam, sao mọi người không hỏi tôi có vui không?

04/10/2017 10:03 AM | Kinh doanh

Khi những tên tuổi thời trang Việt một thời như: Foci, Ninomaxx, Hoàng Tấn… dần co cụm, bà chủ Canifa tự vấn: “Hình như thị trường có vấn đề?” Nhưng không phải vậy. Sự “đổ bộ” của các nhãn hàng quốc tế lại minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường tiềm năng Việt Nam.

8/9/2016, Zara mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, tạo nên “cơn sốt” hàng hiệu với doanh số ngày đầu bán hàng lên đến 5,5 tỷ đồng, phá kỷ lục doanh thu ngày khai trương của nhãn hàng này trên toàn thế giới.

9/9/2017, H&M mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, chứng minh sức hút của trường phái fast fashion (thời trang nhanh) vẫn chưa hạ nhiệt với các tín đồ thời trang Việt. Hàng dài người xếp hàng trước thời điểm khai trương 2 giờ đồng hồ là một minh chứng.

Sau Zara, H&M, Uniqlo cũng đang rậm rịch tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, chuẩn bị “Việt tiến”. Mối quan tâm của dư luận hiện nay là các hãng thời trang Việt sẽ làm gì? Những hiện tượng thời trang Việt Nam gần đây như: Elise, Canifa… liệu “có làm nên chuyện” trước chiến lược giành thị phần của các nhãn hàng quốc tế?

H&M, Zara thổi bùng nhu cầu mua sắm hàng ngoại giá rẻ trước nay chỉ được thỏa mãn nhỏ giọt qua đường xách tay, Canifa có ngại?

Khi chúng tôi ngập ngừng hỏi: “Bà có e ngại không khi các nhãn hàng quốc tế đổ bộ ngày càng nhiều?”, bà Đoàn Ngọc – Giám đốc điều hành Canifa - cười: “Sao mọi người không hỏi tôi có vui không?”

“Tất cả nhãn hàng quốc tế là những người đi trước, thừa hưởng mọi nền tảng rất tốt. Với tất cả nhân tố mới, chúng tôi đều coi là cơ hội. Đây là cơ hội rất tốt để nhân viên của chúng tôi học hỏi về dịch vụ, là cơ hội rất tốt để chúng tôi tiếp cận cách thức vận hành cửa hàng, hay nhìn cách khách hàng của mình đối diện với thời trang.

Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã lường trước việc các nhãn hàng quốc tế sẽ vào Việt Nam nên khi điều này xảy ra tôi nhìn thấy nhiều cơ hội. Họ sẽ giúp thị trường sôi động hơn”.

Trong 16 năm tồn tại và phát triển, Canifa cũng đã chứng kiến sự đổ bộ của GAP, Mango. Nhưng các hãng này mới chỉ tập trung ở một số thành phố lớn và kênh phân phối còn khiêm tốn. Ở góc độ mặt bằng giá, mức giá của các nhãn hàng này vẫn cao so với thu nhập và khả năng chi trả của khách hàng nên sự nhận diện của họ chưa thực sự tốt như mong đợi.

Nhưng với Zara, H&M – những nhãn hàng thời trang lớn nhất thế giới về mặt doanh thu, với đặc thù của ngành kinh doanh fast fashion là chính sách giá hợp lý (Zara thậm chí còn thiết kế một chính sách giá đặc biệt riêng tại Việt Nam, thấp hơn các nước trong khu vực từ 15 – 20%) - đã khiến nhiều chuyên gia quốc tế phải “thật sự bất ngờ” với những gì họ đang được chứng kiến tại Việt Nam.

Thị trường bán lẻ Việt Nam cách đây 4 đến 5 năm từng được cho rằng “cần 1 thập kỉ để phát triển”, nay đã có bước đột phá đầy ấn tượng xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân bị dồn nén và sự thỏa mãn nhỏ giọt từ hàng xách tay, báo cáo của Savills nhận định.

Quay lại những doanh nghiệp thời trang trong nước, ngoài hiện tượng Canifa, những tên tuổi cùng thời như Hoàng Tấn, Foci, Ninomaxx… từng là những thương hiệu gắn liền với giới trẻ cách đây khoảng chục năm - đang ngày càng vắng bóng trên thị trường. Bà Ngọc chia sẻ sự tiếc nuối trước hiện trạng này.

Nếu họ vẫn tiếp tục phát triển, Canifa sẽ có nhiều cơ hội đồng hành, có thêm áp lực và cũng là động lực để phát triển hơn.

Sự thành công của các nhãn hàng quốc tế khi mở tại Việt Nam là câu trả lời thuyết phục cho nhu cầu thời trang của khách hàng không hề thuyên giảm và thời trang cần thay đổi rất nhanh để bắt nhịp với nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

“Nếu Canifa trong vòng 3 - 5 năm tới mà không được ghi nhận tốt đẹp như bây giờ, tôi khẳng định luôn đó là vấn đề của Canifa chứ không phải vấn đề của thị trường”, bà chủ Canifa nhấn mạnh.

Uniqlo là một người 40 tuổi chỉn chu, Zara là cô gái thành thị sành điệu. Còn Canifa?

Đặt Uniqlo, Zara, H&M - 3 nhãn hàng top về mặt doanh thu thu, lợi nhuận và độ phủ trên toàn thế giới lên bàn cân có thể thấy Zara thiên về tính thời trang; Uniqlo thiên về công năng, đổi mới sáng tạo sản phẩm và mang đậm tinh thần Nhật Bản – chuẩn chỉnh, chỉn chu; còn H&M sẽ tương đối cân bằng với 2 nhãn hàng còn lại.

"Nếu coi 3 nhãn hàng này như những con người thì có thể ví Uniqlo như một người 40 tuổi, Zara là những cô gái thành thị sành điệu (Zara vốn mạnh về thời trang nữ hơn nam), còn H&M giống như là các bạn trẻ vậy", bà Ngọc nhận định.

* Vậy còn Canifa?

Bà Đoàn Ngọc: Canifa được sinh ra ở một đất nước có dân số rất trẻ nên Canifa sẽ trẻ trung hơn Uniqlo, năng động, tươi mới hơn nhưng đủ trưởng thành để thấu hiểu nhu cầu cũng như khả năng chi trả của người Việt Nam. Do đó, chúng tôi tập trung vào chất lượng sản phẩm. Mọi người có thể thấy sản phẩm của Canifa khá bền và giá cả phù hợp.

* Thời trang mang tính ứng dụng, coi trọng công năng sản phẩm, nhiều người cho rằng Canifa đang lấy Uniqlo làm Benchmark (nhãn hàng chuẩn mực)?

Bà Đoàn Ngọc: Mỗi nhãn hàng là một thương hiệu, có tinh thần và cá tính riêng. Chúng tôi không chạy theo, nhưng các nhãn hàng quốc tế thành công như Zara, H&M, Uniqlo là cảm hứng để chúng tôi nghiên cứu, học hỏi. Để tồn tại và phát triển, chúng tôi cũng cần những nỗ lực của riêng mình.

* Canifa có dự định mở rộng ra quốc tế?

Bà Đoàn Ngọc: Có. Nhưng chưa phải là bây giờ.

* Xin cảm ơn bà!

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM