CEO AirAsia: Thật ngớ ngẩn nếu không cân nhắc mua máy bay 'made in China'
CEO AirAsia chia sẻ rằng họ đang lên kế hoạch bổ sung thêm 29 máy bay nâng tổng số lên 201 chiếc vào cuối năm nay.
AirAsia - hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á hiện chỉ đang dùng dòng Airbus SE vừa tuyên bố họ đang cân nhắc việc bổ sung dòng máy bay mới được phát triển gần đây như C919 của Trung Quốc vào đội bay để mở rộng các điểm đến.
“Tôi nghĩ một hãng hàng không luôn phải xem xét mọi thứ”, CEO Tony Fernandes nói. Khi được phóng viên Bloomberg hỏi rằng liệu họ có đang cân nhắc việc mua C919 hay không, ông Tony trả lời rằng: “Thật là ngớ ngẩn nếu không cân nhắc những dòng máy bay mới”.
Cùng chung suy nghĩ với CEO Fernandes, CEO Willie Walsh của British Airways cũng nói rằng hãng này sẽ cân nhắc sử dụng máy bay "made in China" C919. Bản thân phía CACC - đơn vị sản xuất C919 cũng tuyên bố rằng họ đã nhận được đơn hàng lên tới 570 chiếc C919 từ 23 khách hàng.
AirAsia hiện đang thực hiện những bước đi quan trọng trong mục tiêu mở rộng mạng lưới hàng không giá rẻ toàn châu Á. Mới nhất là thoả thuận hợp tác với Everbright vào tháng này nhằm tạo ra hãng hàng không giá rẻ tại quốc gia đông dân nhất thế giới Trung Quốc.
Fernandes dự đoán tình hình kinh doanh của công ty trong nửa cuối năm 2017 sẽ tốt hơn so với năm ngoái sau khi công ty này vừa công bố mức lợi nhuận giảm 30% trong quý đầu tiên của năm và nói rằng môi trường cạnh tranh đang dần được cải thiện.
“Tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện trong quý 2,3,4 của năm. 2016 là năm kỷ lục. Và tôi tin rằng 2017 sẽ tốt hơn thế”, Fernandes khẳng định.
Lợi nhuận 3 tháng đầu năm 2017 của AirAsia giảm xuống còn 615 triệu ringget (tương đương 144 triệu USD) từ mức 877,8 triệu ringget so với năm trước. Công ty cũng nói rằng họ đang lên kế hoạch bổ sung thêm 29 máy bay nâng tổng số lên 201 chiếc vào cuối năm nay.
Liên doanh giữa AirAsia và công ty Trung Quốc sẽ có trụ sở tại Trịnh Châu, Hà Nam. Dù không tiết lộ những đường bay cụ thể của liên doanh mới nhưng CEO Fernandes nói rằng họ sẽ tập trung vào những thị trường có khả năng tăng trưởng và sẽ “không bao giờ thâm nhập vào Thượng Hải hay Bắc Kinh”.
“Chúng tôi không muốn phá vỡ thị trường đã có mà chỉ muốn tạo ra những thị trường mới và xây dựng những doanh nghiệp mới. Đó mới là thế mạnh của AirAsia”.