Quá tam ba bận: 10 năm với 3 lần thâm nhập Việt Nam đều bất thành, lần thử thứ 4 này AirAsia có cất cánh được không?
10 năm qua, AirAsia đã 3 lần muốn bay ở thị trường Việt Nam, nhưng đều thất bại...
Theo thông tin mới đây trên tờ Bloomberg, hãng hàng không giá rẻ AirAsia đã một lần nữa có động thái thành lập liên doanh hàng không ở Việt Nam. AirAsia sẽ hợp tác với Công ty TNHH Gumin, Công ty cổ phần hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên để thành lập một liên doanh tại Việt Nam.
Theo AirAsia, liên doanh mới này có thể cất cánh vào đầu năm sau, trong đó Gumin nắm 70% và AirAsia nắm 30% (mức tối đa có thể). Vốn đầu tư của liên doanh này sẽ khoảng 44 triệu USD (1.000 tỷ đồng).
Trong hơn 10 năm qua, đây đã là lần thứ tư AirAsia đánh tiếng về việc thành lập hãng bay trên thị trường Việt Nam. 3 lần trước, AirAsia đều thất bại, theo những cách rất khác nhau.
Năm 2005, khi Jetstar Pacific (thời đó có tên là Pacific Airlines) được Chính phủ tái cơ cấu, có 3 ứng viên muốn tham gia góp vốn vào hãng hàng không này, gồm Temasek của Singapore, Qantas của Úc và AirAsia.
Tuy nhiên, AirAsia thất bại trong thương vụ này do trả giá thấp hơn so với Qantas. Tháng 4/2007, cách đây đúng 10 năm, Qantas đã chính thức rót 50 triệu USD để sở hữu 30% vốn tại Jetstar.
Thất bại với Jetstar, nhưng AirAsia chưa hề từ bỏ tham vọng ở thị trường Việt Nam, bởi hãng này xác định Việt Nam là thị trường lớn và còn nhiều tiềm năng. Chỉ vài tháng sau khi chứng kiến Qantas vượt mặt, AirAsia đã đạt được thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để thành lập hãng hàng không giá rẻ Vina AirAsia.
Trong thỏa thuận này, AirAsia dự kiến góp 30% vốn (khoảng 30 triệu USD), trong đó 1/3 là góp bằng tiền mặt. AirAsia sẽ nhận nhiệm vụ mua tàu bay, dự kiến khoảng 9 chiếc và chuẩn bị các thủ tục để vận hành một hãng hàng không giá rẻ. Trong khi đó, Vinashin triển khai các thủ tục, giấy phép với các cơ quan điều hành để thành lập hãng hàng không.
Thế nhưng, dự án này cũng nhanh chóng thất bại bởi văn bản xin cấp phép thành lập hãng hàng không mới của Vinashin bị từ chối do Chính phủ chưa có chủ trương thành lập hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài.
3 năm sau khi bị từ chối thành lập hãng hàng không mới, AirAsia lại tìm được một hướng đi mới, lần này là ý đồ bắt tay với Vietjet Air. Tháng 2/2010, AirAsia thông báo đã mua xong 30% cổ phần của Vietjet Air từ bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Đến tháng 4, AirAsia chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Vietjet và đã rất sẵn sàng triển khai những chuyến bay đầu tiên tại Việt Nam. Theo kế hoạch khi đó, những chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm 2010, với 4 máy bay Airbus A320 trong giai đoạn đầu.
Lễ ký kết năm 2010 giữa AirAsia và Vietjet Air.
Thế nhưng, rắc rối một lần nữa lại nảy sinh. Vietjet Air và AirAsia muốn sử dụng thương hiệu bay là Vietjet AirAsia, nhằm tận dụng thương hiệu nổi tiếng của AirAsia. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý đã không chấp thuận điều này và yêu cầu Vietjet Air phải có thương hiệu, biểu tượng riêng, không được nhầm lẫn với bất kỳ hãng hàng không nào khác, nhất là hãng hàng không nước ngoài. AirAsia một lần nữa đành từ bỏ tham vọng của mình.
Tuy không bắt tay được với AirAsia nhưng Vietjet cuối năm 2011 vẫn thực hiện được chuyến bay thương mại đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành hàng không Việt Nam. Trong 5 năm qua, Vietjet Air với chiến lược giá rẻ đã tăng trưởng với tộc độ lên tới 150%/năm, nhanh chóng lấy thị phần từ tay Vietnam Airlines.
Chứng kiến Vietjet Air từ con số 0 tròn trĩnh đến nay nắm tới 41% thị phần, hẳn AirAsia sẽ vô cùng tiếc nuối. Việc tham gia vào thị trường hàng không giá rẻ ở Việt Nam lúc này được một chuyên gia tới từ Singapore đánh giá là khá muộn màng.
"Thị trường hiện đã có sự xuất hiện của 2 hãng hàng không giá rẻ, gồm Vietjet Air và Jetstar Pacific, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong những năm tới khi thị trường bắt đầu ổn định hơn", vị chuyên gia này nhận định.