Câu chuyện về mì ăn liền ở Trung Quốc: Vua thức ăn tiện lợi bất ngờ bị "thất sủng" và sự hồi sinh mạnh mẽ khiến ai cũng kinh ngạc
Nếu như Nhật Bản là nơi sinh ra mì ăn liền thì Trung Quốc lại là nơi giúp mì ăn liền phát triển và lớn mạnh hơn bao giờ. Tuy có lúc gặp nhiều sóng gió tưởng chừng như bị tuyệt chủng, nhưng rồi mì ăn liền cũng đã lội ngược dòng giữ chân người tiêu dùng một cách ngoạn mục.
Mì ăn liền được xem là bạn tốt số 1 của những cú đêm. Chỉ cần đun nước sôi ở 100 độ, mất vài phút đổ vào mì thì bạn sẽ không cưỡng lại được mùi hương đặc biệt của chúng. Và khoảnh khắc này được nhiều người ví như thiên đường và chỉ muốn thời gian ngừng lại.
Trong bộ phim điện ảnh Like You, nam diễn viên Kim Thành Vũ đã biến việc ăn mì trở thành nghệ thuật khi nghiêm túc chỉ đạo cảnh sát nấu mì ăn liền. Với những tính toán thái quá trong phim đã đưa tầm quan trọng của mì ăn liền lên tầm cao mới. Trong cuộc sống đời thường, mì ăn liền hoàn toàn là người bạn đồng hành tuyệt vời mà không gì có thể thay thế được.
Cảnh Kim Thành Vũ đưa việc ăn mì ăn liền lên tầm cao mới trong phim Like You.
Vào giữa tháng 7/2019 vừa qua, một công ty tư vấn của Mỹ đã công bố báo cáo cho rằng, năm 2018 doanh số tiêu thụ của mì ăn liền thế giới đạt khoảng 103,6 tỷ gói. Riêng thị trường Trung Quốc, mì ăn liền chiếm 40 tỷ gói, đứng đầu quốc gia có lượng tiêu thụ sản phẩm này, sau đó là Indonesia và Ấn Độ lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3.
Nhìn vào số liệu này nhiều người phải thừa nhận rằng việc kinh doanh mì ăn liền đã giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển, nhưng mấy ai biết "cha đẻ" của mì ăn liền lại là Nhật Bản, Trung Quốc chỉ nuôi nấng và giúp chúng phát triển lên tầm cao mới.
Sự ra đời của mì ăn liền
Vào ngày 25/8 tới đây là ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 61 của mì ăn liền. Năm 1958, Ando Momofuku - một doanh nhân người Nhật gốc Đài Loan đã sáng lập nên Công ty thực phẩm Nissin, ông cũng là người đầu tiên phát minh ra mì ăn liền và mì ly trên thế giới. Đây chính là cột mốc đánh dấu sự ra đời chính thức của mì ăn liền trên bản đồ thế giới hiện đại.
Ando Momofuku - "cha đẻ" của mì ăn liền.
Được biết, sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản là một trong những đất nước chịu tổn thất nặng nề, người dân Nhật lúc đó lâm vào cảnh đói khát, không có nhiều đồ ăn. Lúc này, bộ y tế khuyên mọi người nên ăn bánh mì làm bằng bột của Mỹ. Trước tình cảnh trên, Ando đã trăn trở rất nhiều khi chứng kiến mọi người xếp hàng nối đuôi nhau chờ mua bánh mì trong đêm giá lạnh. Ông tự hỏi, tại sao người dân không tiếp tục sử dụng sợi mì, một loại thực phẩm mà người Nhật đã ăn quen.
Căn nhà mà Ando chế biến mì được mô phỏng lại.
Sau khi biết được lý do vì các công ty mì quá nhỏ nên không đủ khả năng cung cấp đồ ăn cho cả nước, Ando đã quyết định cải tiến quá trình sản xuất mì theo ý riêng của mình, đưa những ý tưởng trở thành hiện thực, làm sao để sợi mì có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay lập tức trong vòng vài phút. Sau nhiều lần thất bại, Ando cuối cùng đã sáng chế mì ăn liền thành công.
Ở tuổi 48, ông trở thành một nhà phát minh về đồ ăn. Ando đã từng ở ẩn trong một căn lều gỗ ở sân sau ngôi nhà suốt 1 năm trời, đến khi trở ra, ông đã giới thiệu một sản phẩm vô cùng tuyệt vời. Đó chính là các sợi mì ăn liền khô cứng được ép thành khối vuông vức hình chữ nhật. Mọi người chỉ cần đổ nước sôi vào là có ngay một bát mì nóng hổi.
Nhật Bản "đẻ" ra mì ăn liền nhưng Trung Quốc mới là nơi nuôi nấng và phát triển vững mạnh
Vào những năm 1990, Trung Quốc dần trở thành thị trường tiêu thụ lớn của những thương hiệu mì ăn liền lớn như Master Kang và Uni-President. Đến năm 2013, doanh thu tiêu thụ của mì ăn liền Trung Quốc tăng trong 18 năm liên tiếp.
Vương Linh, 32 tuổi là một trong những người đóng góp không nhỏ vào nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền trong thời kỳ hoàng kim. Năm 2006, khi anh bước vào đại học và đối diện với khối lượng bài vở khá lớn nên luôn cảm thấy đói bụng và mệt mỏi. So với việc đi vào căn tin thì lại muốn ăn mì ăn liền để mọi thứ tiện lợi hơn. "Tôi thích ăn mì ăn liền, việc đến căn tin ăn uống khiến tôi mệt mỏi. Khi tôi ăn mì, mọi người trong ký túc xá đều không cưỡng lại được mùi thơm của nó, và thế là chúng tôi bắt đầu ăn mì vào mỗi đêm khi học bài", anh Vương cho hay.
Một thương nhân buôn bán tên Hà Thái Mỹ, có thể cảm nhận rõ nhất sự yêu thích của người Trung Quốc đối với mì ăn liền. Cô Hà có mở một siêu thị trong hơn 10 năm, tất cả những mặt hàng bên trong có thể bị hạn chế nhưng với riêng mì ăn liền thì phải luôn chiếm một giá đỡ 3 tầng. Một số người nghĩ rằng không thể ăn gì vào buổi trưa, thì mì ăn liền trở thành sự lựa chọn tuyệt vời. "Thị trường luôn luôn cần mì ăn liền, chúng là mặt hàng bán chạy nhất", cô Hà chia sẻ.
Đối với tình yêu với mì ăn liền, trong báo cáo của những cửa hàng bán lẻ đã viết một bài phân tích cho rằng, hương vị của mì ăn liền có một sức hút gây nghiện khiến mọi người không thể chống cự. Dù bạn đang no hay chẳng muốn ăn gì, cũng sẽ bị mùi vị của mì ăn liền làm cho lay động.
Mì ăn liền đã từng bị thất sủng nhưng lại hồi sinh mạnh mẽ
Vào năm 2013, dịch vụ mua mang đi hay còn gọi là takeaway phát triển mạnh mẽ xuyên lục địa, khiến ngành công nghiệp mì ăn liền chịu một đòn nặng nề khi dịch vụ ấy vừa tiện lợi, vừa nhiều sự lựa chọn và quan trọng là giá cực kỳ rẻ.
Theo dữ liệu từ iMedia Research cho biết, từ năm 2011 đến 2016, thị trường đặt hàng trực tuyến tại Trung Quốc đã tăng từ 21,68 tỷ nhân dân tệ lên đến 166,24 tỷ nhân dân tệ, tăng gần 8 lần trong 6 năm. Trước năm 2013, bát mì ăn liền là sự lựa chọn hàng đầu của những người làm việc ngoài giờ cũng như những người dân lao động. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại và điện thoại thông minh, việc tìm kiếm một bữa ăn thịnh soạn mà không cần vào bếp hay ra quán cũng không hề phức tạp.
Với sự đào thải nhanh chóng không kịp trở tay này, các công ty hàng đầu phải suy nghĩ về hướng đi mới. Họ không còn theo đuổi những sợi mì thông thường cơ bản, mà thay vào đó là đổi mới gia vị, thay đổi sợi mì, tham khảo nhu cầu của thực khách, cải tiến mọi thứ để đáp ứng nhu cầu của những tầng lớp khách hàng khác nhau mà vẫn giữ nguyên giá cả ban đầu. Trong vòng 4 năm, mì ăn liền tưởng chừng như bị "giết chết" đã bất ngờ hồi sinh ngoạn mục.
Năm 2017, thị trường mì ăn liền đã được cải thiện đôi chút. Đến năm 2018, sự phục hồi tổng thể của ngành công nghiệp này dần rõ ràng hơn. Nhà phân tích ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc - Chu Đan Phong đã giải thích hiện tượng này như sau: "Lý do tại sao doanh thu tiêu thụ mì ăn lì giảm vì ngành công nghiệp đã không còn phù hợp với nhu cầu cốt lõi của người tiêu dùng. Chỉ cần thay đổi và phục hồi những thiếu sót so với thị trường thì mọi thứ sẽ quay trở lại".
Trương Tiểu Uyển - một nhà thiết kế ở Bắc Kinh nói rằng, cô thường xuyên phải thức khuya để sửa đổi bản thảo. Nhưng sau khi gọi đồ ăn nhanh, cô đã phải chờ đợi ít nhất nửa tiếng, lúc này cơn thèm ăn đã qua mà phải quay lại làm việc, lúc này chỉ cần một bát mì ăn liền với những hương vị mới đậm đà, không phải là mì sợi truyền thống thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết.
Sau tất cả, mì ăn liền vẫn có một vị trí riêng nhất định đối với người dân Trung Quốc. Mặc dù không thể phủ nhận rằng, sự ra đời của takeaways chính là động lực giúp mì ăn liền phát triển mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh này, mì ăn liền với mức giá thành phong phú và chất lượng mới mẻ đã hồi sinh trở lại.Tuy nhiên, bản thân mì ăn liền vẫn phải tiếp tục đổi mới bản thân và nâng cấp lên từng ngày thì mới giữ được chân của người tiêu dùng.