Vũ Hán - Thủ phủ xe hơi mới nổi của Trung Quốc

05/08/2015 09:25 AM | Kinh doanh

Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô chiếm tỷ trọng 20% trong nền kinh tế Vũ Hán với 200 nghìn việc làm.

Vũ Hán có 10 triệu dân, là một đầu mối giao thông quan trọng, đang phấn đấu trở thành một thành phố xe hơi của Trung Quốc. Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô chiếm tỷ trọng 20% trong nền kinh tế Vũ Hán với 200 nghìn việc làm trực tiếp và hơn 1 triệu việc làm gián tiếp.

Khi Zhu Chun Quio lần đầu tiên bước vào nghề lái taxi ở Vũ Hán cách đây hơn 30 năm, toàn thành phố chỉ có 32.570 chiếc xe hơi và tất cả đều là xe Toyota Crown. Đến giờ, thành phố có hơn 2 triệu chiếc xe. Khác biệt duy nhất là giờ đây Zhu không còn lái Toyota, ông lái chiếc C-Elysée, một trong những model được Công ty Dongfeng Peugeot Citroen sản xuất.

Tăng tốc kinh tế

Công nghiệp ô tô ở Vũ Hán đang phát triển rất nhanh. Tháng 4, General Motors và đối tác Trung Quốc là Tổng công ty Công nghiệp ô tô Thượng Hải đã khánh thành một nhà máy mới có khả năng sản xuất 240 nghìn xe/năm. Cuối năm nay, Renault cũng sẽ mở cửa một chi nhánh lắp ráp mới tại đây.

Cùng với những nhà máy đang được điều hành bởi Công ty liên doanh Dongfeng - PSA Peugeot Citroen và Honda, thủ phủ của Hà Bắc sẽ chính thức có khoảng 10 nhà máy sản xuất lắp ráp xe hơi, sản xuất gần 2 triệu chiếc một năm trên một diện tích nhỏ hơn nhiều khu lưu vực Paris. Năm 2014, Vũ Hán là trung tâm sản xuất ô tô lớn thứ 7 trên thế giới với sản lượng 1,13 triệu xe/năm. Trong khi đó, Trùng Khánh đứng ở vị trí đầu tiên với 2,3 triệu xe.

Tác động dễ thấy nhất của sự phát triển này là ùn tắc giao thông. Corinne Policisto, một nhân viên làm việc cho Renault, khi đến đây lần đầu tiên vào năm 1988 đã gọi đây là vùng đất buồn tẻ. Khi quay trở lại vào năm 2013, cô thực sự cảm thấy hoang mang: “Tôi đến thăm lại mảnh đất của chúng tôi gần trường đại học, nó đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, tôi có thể đạp xe quanh đó đến tận 2h sáng, nhưng bây giờ tôi không dám, giao thông rất đáng sợ”.

Giống như đa số những nơi khác ở Trung Quốc, Vũ Hán là một công trường xây dựng khổng lồ với 10 tòa tháp đang mọc lên và một tuyến đường cao tốc trên cao. Không xa những công trình đó là một tuyến đường sắt và một khu mua sắm lớn đang xây dựng, chưa kể tới hàng nghìn căn nhà khác trong quá trình động thổ, xây dựng hoặc hoàn thiện. Có tất cả 11 nghìn công trường xây dựng trong thành phố.

Tư nhân và nước ngoài - yếu tố sống còn

Yin Xinmin, giáo sư kinh tế tại Đại học Fudan Thượng Hải nói: “Để phát triển ngành công nghiệp ô tô, rất cần phải tạo ra tất cả những thứ cần thiết hỗ trợ nó. Vũ Hán là nơi phù hợp lý tưởng để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp đầu tiên của Trung Quốc. Khu vực này có thể dễ dàng kết nối với những địa phương khác, đặc biệt nhờ vào sông Dương Tử”.

Công ty Ô tô Đệ nhị, đổi tên thành Dongfeng vào năm 1992, mở cửa hàng ở Thập Yển, vùng núi Hồ Bắc, cách Vũ Hán 450 km. Năm 1990, công ty này bắt đầu liên doanh với Citroen để xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi đầu tiên tại Vũ Hán, địa điểm này dễ tiếp cận và thuận lợi hơn nhiều so với Thập Yển. Trong năm 2005, Dongfeng chuyển văn phòng điều hành về thành phố và tiếp tục hợp tác với các đối tác mới như: PSA, Honda, Nissan và Renault. Đồng thời đưa ra nhiều ý tưởng phát triển thực hiện những tham vọng của quan chức địa phương.

Jean-François Dufour, một nhà tư vấn của Dongfeng Automobile Company nói: “Mỗi thành phố đều cần có một nhà vô địch. Vũ Hán nổi bật hơn cả vì Dongfeng liên doanh với nhiều doanh nghiệp nước ngoài hơn là các doanh nghiệp nhà nước. Đây là công ty có sức nặng ở Trung Quốc. Với các quan chức địa phương, các công ty địa phương rất quan trọng. Nó là vấn đề thuộc về uy tín, doanh thu tiềm năng và hơn hết là tạo ra công ăn việc làm”.

Ở thành phố miền Tây này, vòng phát triển công nghệ và kinh tế chỉ xoay quanh “thành phố Dongfeng”. Tập đoàn này được đặt tên cho những con phố xung quanh trụ sở của họ: Đường Dongfeng 1, 2, 3… Vùng lân cận cũng có 6 nhà máy sản xuất ô tô thuộc sở hữu của PSA, Honda và tất nhiên là Dongfeng.

Zhu nhận xét: “Dongfeng đã tìm lối ra giúp chúng tôi. Thật tốt vì có một doanh nghiệp như thế ở đây. Họ đã làm rất nhiều việc để phát triển kinh tế ở đây. Nếu không có họ, chắc chắn Vũ Hán không thể phát triển được nhanh như thế này. Xu Ping, ông chủ của Dongfeng giờ đây là nhân vật còn quan trọng hơn cả Chủ tịch thành phố”.

Theo Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM