Vì sao Ấn Độ là 'mảnh đất vàng' cho các nhà bán lẻ trực tuyến?
Với dân số hơn 1,2 tỉ người, Ấn Độ từ lâu vẫn là một miền đất hứa với các nhà bán lẻ.
Với dân số hơn 1,2 tỉ người, Ấn Độ từ lâu vẫn là một miền đất hứa với các nhà bán lẻ. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các nhà bán lẻ lại có thêm một thị trường nữa để thâm nhập: Thị trường thương mại điện tử.
Hai công ty nổi bật nhất ở sân chơi này đang là Flipkart và Snapdeal.
Flipkart có lợi thế là người đi tiên phong trong lĩnh vực, được thành lập năm 2007 bởi Sachin Bansal và Binny Bansal, 2 kỹ sư phần mềm đã từng làm việc tại Amazon. Đây cũng là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ COD (Cash on delivery – trả tiền khi nhận hàng) cho phần đông những người không sử dụng thẻ thanh toán.
Snapdeal bắt đầu xuất hiện vào năm 2010 với việc bán coupon trên mạng. Tuy nhiên, một chuyến công du đến Trung Quốc vào năm 2011 của các nhà sáng lập Kunal Bahl và Rohit Bansal đã mang đến một bước ngoặt chiến lược. Không như Amazon và Flipkart, Snapdeal không đầu tư nhiều tiền vào nhà xưởng và kho hàng. “Nếu bạn trữ những gì mình bán, bạn sẽ bị hạn chế. Việc xây dựng một thị trường cho người mua và người bán cho phép chúng tôi mở rộng quy mô nhanh chóng", Kunal Bahl cho biết.
Mặt trái của chiến lược này là chỉ cần một nhà cung cấp dịch vụ bán hàng kém chất lượng cũng đủ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của Snapdeal. Tuy nhiên, Bahl cho rằng việc kiểm duyệt kỹ càng bên bán, cộng với đánh giá của bên mua, sẽ làm giảm bớt rủi ro. Những nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa bị đánh giá thấp sẽ mất dần khách hàng. Dần dần, chiến lược kinh doanh của hai đối thủ lớn này hội tụ lại.
Flipkart để người bán sử dụng nền tảng cơ sở của mình, trong khi đó Snapdeal lại đầu tư vào Gojavas, một công ty logistics, để lo việc chuyển hàng. Khi mua sắm trên mạng trở nên phổ biến hơn, có thể cuộc chiến này còn được quyết định bởi một yếu tố nữa đó là ứng dụng trên thiết bị di động của hãng nào dễ sử dụng và thuận tiện nhất.
Một nhân tố khác đáng chú ý cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử ở Ấn Độ là công ty Urban Ladder, một công ty bán lẻ chuyên về các sản phẩm nội thất và đồ gia dụng. Khởi đầu từ tháng 7 năm 2012 với chỉ 35 sản phẩm, đến nay Urban Ladder đã tăng lượng sản phẩm bày bán lên đến 100 lần, có văn phòng và nhà xưởng ở 18 thành phố và sẽ sớm tăng lên thành 30.
Các đồ nội thất như bàn, ghế, giường, tủ rất cồng kềnh và tốn chỗ nên vấn đề nhà xưởng và kho trữ hàng hóa trở thành một vấn đề cấp thiết. Bên cạnh đó, doanh số bán hàng tăng nhanh càng khiến cho việc dự đoán không gian cần thiết cho việc trữ hàng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, chính sự lớn mạnh này đã giúp công ty kêu gọi thành công mức đầu tư trị giá 50 triệu USD từ các nhà đầu tư vào quý 2 năm 2015.
Thương mại điện tử vẫn chưa thực sự lớn mạnh tương xứng với tiềm năng mà nó nắm giữ. Tuy nhiên, con số 900 triệu thuê bao di động ở thị trường này vẫn đang tăng nhanh khi giá thiết bị giảm xuống. Ngoài ra, một nửa dân số Ấn Độ có độ tuổi dưới 27 – đó là nhóm dân số thực hiện việc mua sắm bằng smartphone rất nhiều và là đối tượng nhắm đến của các nhà bán lẻ. Hai năm trước, các đơn hàng từ smartphone chỉ chiếm 5% doanh số của Snapdeal và con số này đến nay là 75% và vẫn tiếp tục tăng. Đó cũng là lý do khiến các chuyên gia công nghệ và các nhà đầu tư đang tỏ ra ngày càng quan tâm đến thị trường Ấn Độ.