Sếp Google Đông Nam Á: Doanh nhân Việt 'khôn' khi nhắm tới thương mại điện tử
Là một người làm việc trong lĩnh vực chính sách công, tôi luôn quan tâm tới bức tranh tổng thể và vì vậy tôi cho rằng các doanh nhân Việt Nam đang rất khôn ngoan khi nhắm tới lĩnh vực thương mại điện tử.
E-commerce (thương mại điện tử) đang ngày trở nên thông dụng tại Việt Nam. Thị trường này xuất hiện hàng loạt các nền tảng trong nước, cùng những thương hiệu toàn cầu hay cả những “tân binh” như Taembe, Wiindi, BoxMe Legistic và Adayroi.
Tuy vậy, theo Giám đốc chính sách công và các vấn đề chính phủ của Google khu vực Đông Nam Á là Alex Long thì thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá.
Trong bài phỏng vấn với tờ DealstreetAsia vừa qua, anh Alex Long đã giải thích rõ hơn về nhận định này.
Ông có nghĩ e-commerce là lĩnh vực tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp không?
Câu trả lời ngắn gọn là có. Tôi nghĩ các doanh nhân Việt Nam đều rất hiểu biết. Một trong những lĩnh vực mà họ đang theo đuổi và thành công chính là thương mại điện tử. Tôi không nghĩ họ nên bị hạn chế đối với lĩnh vực này.
Là một người làm việc trong lĩnh vực chính sách công, tôi luôn quan tâm tới bức tranh tổng thể và vì vậy tôi cho rằng các doanh nhân Việt Nam đang rất khôn ngoan khi nhắm tới lĩnh vực thương mại điện tử. Đang có một nền tảng rất lớn cho lĩnh vực này. Nó cho phép họ tìm ra rất nhiều sản phẩm tiềm năng để bán cho khách hàng.
Ngoài ra, cũng có một vài lĩnh vực mới có tiềm năng thành công như giải quyết vấn đề thanh toán đang tồn tại trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hiện có rất ít người Việt Nam dùng thẻ tín dụng vì vậy vấn đề thanh toán đang trở thành thử thách lớn ở Việt Nam so với những thị trường lâu năm như Mỹ.
Tại Mỹ, thời điểm này hầu hết mọi người đều thanh toán bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Chính vì vậy, đây là cơ hội chín muồi để tiến hành những bước cải tiến cho một số vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Yếu tố quan trọng cần có để xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử là gì thưa ông?
Tại châu Á, vấn đề điều lệ, quy định rõ ràng là rất quan trọng. Tôi muốn đề cập tới vấn đề doanh nghiệp có thể làm và được phép làm gì.
Ngoài ra, tôi muốn nói về chính sách của các nền tảng như vấn đề hoàn trả sẽ được quy định thế nào?... Nhìn chung, mọi người đang ngày càng thoải mái hơn với thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo ông thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới?
Tôi nghĩ thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Có 2 đối tượng, một là những “tân binh” trên thị trường – những website được xây dựng để làm thương mại điện tử. Tuy nhiên tôi quan tâm hơn với việc giúp các doanh nghiệp truyền thống tận dụng thương mại điện tử để phát triển.
Trong loại thứ 2, rất nhiều cơ hội đang được mở rộng. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp truyền thống đang thực sự mau lẹ trong việc sử dụng thương mại điện tử vì vậy tôi nghĩ tại Việt Nam, còn rất nhiều đất để phát triển. Hãy nhìn vào toàn bộ nền kinh tế, vẫn còn rất nhiều cơ hội tạo ra những giải pháp thương mại điện tử hợp lý để giúp cho nền kinh tế.