Tự do hóa thương mại điện tử: Thế lưỡng nan
Thương mại điện tử cần được tự do hóa khi lĩnh vực này ngày càng ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Theo báo cáo do Economist Intelligence Unit - EIU (Anh), châu Á sẽ qua mặt Bắc Mỹ để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới trong năm nay, với doanh thu bán lẻ ước tăng trung bình 4,6%, lên 7.600 tỷ USD trong năm 2015.
Tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ với mức tăng 2,5% và châu Âu với 0,8%.
Ranh giới giữa thương mại trực tuyến và thương mại truyền thống đang dần tiệm cận khi rất nhiều hoạt động thương mại quốc tế diễn ra trên internet.
Vì vậy, khi nói đến tự do thương mại toàn cầu, đã nảy sinh khái niệm mới về sự cần thiết cho dòng chảy tự do của dữ liệu số và thương mại trực tuyến.
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hy vọng sẽ hoàn thành trong năm nay, sẽ có các quy tắc đảm bảo các chính phủ không ngăn cản thương mại điện tử toàn cầu.
Chính phủ Mỹ đã cử Robert Holleyman, Phó đại diện Thương mại Mỹ thuyết phục các quốc gia đối tác loại bỏ những trở ngại khiến hoạt động chuyển dữ liệu điện tử khó khăn và tốn kém hơn.
Hàn Quốc và Mỹ đã có kinh nghiệm tương tự trong việc trao đổi dữ liệu thương mại điện tử. Thỏa thuận tự do thương mại (FTA) giữa hai nước thực hiện vào năm 2012 có những điều khoản mơ hồ về khái niệm "cản trở luồng dữ liệu".
Tuy nhiên, theo một đạo luật của Hàn Quốc mới ban hành, các công ty bảo hiểm và ngân hàng Mỹ có thể chuyển dữ liệu ra khỏi Hàn Quốc.
Cả hai bên đã giữ ổn thỏa thông qua các cuộc họp thường xuyên để đảm bảo luật pháp không làm tổn thương kinh doanh nói chung và kinh doanh trực tuyến nói riêng.
Hiện nay, các nhà đàm phán Mỹ đang chống lại quan điểm cho rằng "lưu trữ dữ liệu địa phương" là giải pháp bảo mật riêng tư tốt hơn.
Trước đó, Chính phủ Úc đã yêu cầu dữ liệu sức khỏe phải được lưu trữ trên máy chủ trong nước vì lý do bảo mật thông tin cá nhân.
Trong năm 2013, 79% số người Úc được hỏi cho rằng chuyển dịch vụ dữ liệu cá nhân ra nước ngoài là lạm dụng thông tin cá nhân.
Trong thập niên qua, hãng IBM (Mỹ) đã chuyển trọng tâm từ phần cứng sang các dịch vụ phần mềm, lưu trữ dữ liệu tại các bang Missouri, Louisiana để phục vụ khách hàng ở châu Mỹ Latinh và châu Á.
Đó là lý do tại sao IBM thúc giục Quốc hội Mỹ để cung cấp cho Tổng thống Obama quyền mang lại các thỏa thuận thương mại Thái Bình Dương.
Đồng thời, một thỏa thuận thương mại mới không có rào cản thương mại điện tử có thể đảm bảo sự phát triển của những công ty trực tuyến khổng lồ của Mỹ là Amazon, Facebook hay Google trên quy mô toàn cầu.
Một nghiên cứu mới của Công ty Tư vấn Boston về "Bôi trơn các bánh xe của các nền kinh tế internet" xác định các "ma sát" của nền kinh tế số (e-friction).
Trong hơn 55 tiêu chí (từ "băng thông internet bình quân đầu người" và "tốc độ kết nối di động trung bình" đến "sức mạnh của bảo hộ sở hữu trí tuệ” và "tự do báo chí”), tiêu chí "tự do thương mại" là điểm quan trọng để xếp hạng các nền kinh tế internet.
Nghiên cứu cho thấy, càng ít ma sát thì nền kinh tế internet càng phát triển và trực tuyến liên quan đến tăng trưởng của GDP.
Mặc dù các thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt nhưng thương mại điện tử giữa các quốc gia thành viên lại hạn chế.
Chỉ có khoảng 7% người sử dụng internet đã đặt một đơn đặt hàng qua biên giới trong EU. Nguyên nhân là do quy chế của thương mại trực tuyến rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên, dẫn đến những rào cản ngày càng lớn.
Cũng theo Boston dự báo, nền kinh tế internet sẽ đạt giá trị 4.200 tỷ USD riêng trong các nước G20 vào năm 2016; và nếu internet là một quốc gia, "đất nước" này sẽ nằm trong nhóm năm nước lớn nhất thế giới, vượt qua Đức.
Ở khía cạnh khác, nghiên cứu mới của Deloitte LLP, hãng tư vấn thuộc nhóm Big Four - 4 công ty tư vấn lớn nhất thế giới - cho thấy sức ảnh hưởng quá lớn của mạng xã hội Facebook đến kinh tế toàn cầu.
Báo cáo ước tính Facebook gây ra ảnh hưởng trị giá 227 tỷ USD đến nền kinh tế và tạo ra 4,5 triệu việc làm trên toàn cầu trong năm 2014.
Đóng góp của internet không chỉ giới hạn trong các ngành có liên quan trực tiếp tới internet. Có tới 75% các giá trị kinh tế mà internet tạo ra được các ngành ngoài công nghệ nắm giữ.
>> Thương mại điện tử: Những tay chơi cứng cựa
Theo HÀ CÚC