Trong khi nhiều tên tuổi "ra đi", startup này vừa gọi vốn thành công và muốn phát triển hẳn 1 chuỗi coworking space
Sau sự ra đi của Saigon Hub vào năm 2014, nhiều người hoài nghi tính hiệu quả của mô hình coworking space. Nhưng Toong đang chứng minh điều ngược lại.
Chỉ sau 9 tháng hoạt động, Toong đã thành nơi tụ tập không chỉ các bạn trẻ khởi nghiệp, mà cả những người truyền cảm hứng.
Mới đây, startup này cũng được đầu tư hơn 1 triệu USD từ một tập đoàn nước ngoài.
CafeBiz đã có buổi trò chuyện với anh Đỗ Sơn Dương – CEO và Founder của Toong về mô hình hoạt động cũng như bí quyết “sống được” của Toong khi một vài mô hình coworking space (không gian làm việc chung) đã phải đóng cửa.
* Anh có thể chia sẻ thêm về mô hình kinh doanh của Toong? Nguồn thu chính của Toong đến từ đâu?
Toong theo đuổi mô hình chuỗi không gian làm việc chung chuyên nghiệp. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ từ chỗ ngồi linh hoạt, chỗ ngồi cố định cho cá nhân đến phòng làm việc riêng, phòng họp và không gian tổ chức sự kiện cho công ty.
Vì thế nguồn thu chính của chúng tôi vẫn là cho thuê không gian làm việc, hiện chiếm hơn đa số. Các nguồn thu còn lại đến từ những dịch vụ hỗ trợ như cung cấp đồ ăn uống cho khách, thuê địa điểm tổ chức sự kiện…
* Toong được liệt kê là một trong những không gian sáng tạo tại Việt Nam, mà như tôi biết, những mô hình này hầu hết đang lỗ?
Anh Đỗ Sơn Dương - CEO và Founder của Toong. Ảnh: Zing.
Trong một khảo sát của Hội đồng Anh, Toong được liệt kê là một trong những không gian sáng tạo tại Việt Nam. Đúng là đa phần những mô hình này đang hoạt động chưa hiệu quả về mặt tài chính.
Theo tôi, lý do lớn nhất là các mô hình này đều mới mẻ đối với thị trường Việt Nam nên đa phần mọi người chưa hiểu hết được những giá trị mà không gian sáng tạo mang lại. Vì thế, những không gian này chưa được khai thác hiệu quả.
Ở khía cạnh khác, những sáng lập viên của những không gian này tại Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giáo dục thị trường về mô hình của mình và khai thác không gian để mang lại hiệu quả về tài chính mà vẫn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững.
* Đã có một vài mô hình coworking space đóng cửa như Saigon Hub. Bí quyết “sống được” của Toong là gì?
Nhìn lại thị trường coworking space Việt Nam, chứng kiến sự ra đi của Saigon Hub năm 2014, những người quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đều khá hoài nghi về sự thành công của mô hình này tại Việt Nam.
Nhưng nếu nhìn cụ thể hơn vào cộng đồng từng làm việc tại Saigon Hub và các mô hình hiện có thì có thể dễ dàng nhận thấy đó là những startup rất mới. Với thực tế như vậy thì chưa thể dựa vào đó để đánh giá về tiềm năng của mô hình coworking space tại Việt Nam.
Cơ sở vật chất để đáp ứng được công việc một cách chuyên nghiệp là điều hiển nhiên nhưng đó chỉ là “phần xác” của một không gian làm việc chung. Cộng đồng làm việc trong không gian đó mới là “phần hồn”. Vì thế, đó cũng là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của mô hình này.
Bí quyết của Toong, là đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng “phần hồn” cùng với việc không ngừng nâng cao diện mạo bên ngoài.
* Anh đã tính toán đến thời điểm hòa vốn của Toong?
Khi bắt đầu dự án, chúng tôi tính toán thời điểm hòa vốn là khoảng 3 năm vì đây là mô hình mới mà chúng tôi phải từng bước tạo nhận thức cho thị trường.
Cho đến thời điểm này, với những phản hồi tích cực từ thị trường, tôi vẫn tự tin vào kế hoạch hòa vốn mà chúng tôi đã đề ra.
* Toong là nơi đón khá nhiều tên tuổi, mới đây là CEO Google Sundar Pichai. Anh thực hiện các hoạt động PR – marketing cho Toong thế nào?
Là một startup, chúng tôi không có một ngân sách quá lớn cho marketing như các công ty đã hoạt động lâu năm. Chính vì thế, chúng tôi tập trung vào tính hiệu quả của truyền thông và marketing bằng cách xác định một vị thế thương hiệu và đối tượng khách hàng rõ ràng.
Trên cơ sở đó, chúng tôi sử dụng các kênh truyền thông tập trung để truyền tải một thông điệp nhất quán về thương hiệu.
Bên cạnh đó, chính không gian đầy cảm hứng và các sự kiện sôi nổi thường xuyên diễn ra tại Toong là chất xúc tác để nhiều người tìm đến trải nghiệm và chia sẻ về không gian của chúng tôi một cách tự nhiên.
* Nhiều người cho rằng giá thuê ở Toong khá đắt đỏ so với mặt bằng chung, nhất là khi ngày càng xuất hiện thêm các coworking space khác tại Hà Nội. Cũng có ý kiến cho rằng nếu để hỗ trợ các startup thì mức giá nên “phải chăng” hơn nữa. Anh nghĩ sao?
Nếu so sánh với các giải pháp văn phòng truyền thống, coworking space vẫn là giải pháp kinh tế hơn rất nhiều vì để có một không gian làm việc chuyên nghiệp, bạn không chỉ cần 1 chiếc bàn, một chiếc ghế mà cần nhiều không gian và dịch vụ phụ trợ khác như lễ tân, phòng họp, thiết bị in ấn, internet, quản lý kỹ thuật, vệ sinh và nhiều hơn nữa.
Tất cả những điều đó bạn không phải giải quyết khi làm việc tại coworking space mà chỉ tập trung vào công việc của mình.
Nếu bạn chỉ quy đổi mức giá của Toong với một chỗ ngồi làm việc so với các coworking space khác thì có lẽ nó “đắt” thật! Nhưng nếu đến Toong bạn có cơ hội gặp gỡ, kết nối với những người cùng tư duy với mình, và biết đâu đó những cơ hội đầu tư, hợp tác sẽ tự tìm đến bạn, thì cái giá đó lại không đắt chút nào.
Hơn nữa, mặc dù thị trường coworking space đang ngày một trở nên sôi động nhưng mỗi không gian làm việc chung lại hướng đến đối tượng khách hàng khác nhau, cách thức vận hành và thế mạnh cạnh tranh giữa coworking space hiện có.
Chúng tôi vẫn có những chương trình hỗ trợ đặc biệt cho các startup thông qua các hội nhóm. Nhưng chúng tôi không phát triển một cộng đồng chỉ chạy theo số lượng. Quan điểm và thái độ làm việc của là điều chúng tôi cân nhắc khi lựa chọn đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.
Chúng tôi xây dựng Toong như một con người. Toong có một phong cách, một quan điểm riêng về cuộc sống và công việc. Chúng tôi tin rằng mỗi người sẽ phát huy năng lực của mình tốt hơn khi làm việc trong một môi trường giàu cảm hứng.
Những thành viên làm việc ở Toong, cũng giống như Toong, là những người đề cao giá trị tri thức, trân trọng nguồn gốc của mình nhưng luôn tìm tòi những ý tưởng mới mẻ và cởi mở với những người xung quanh.
Đó cũng chính là điểm khác biệt của chúng tôi đối với các không gian làm việc chung khác.
* Khó khăn lớn nhất hiện nay của anh và Toong là gì?
Không gian làm việc chung là mô hình mới, mà tâm lý thông thường của con người là ngại thay đổi. Vì thế, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là giáo dục thị trường về mô hình này cũng như những giá trị lợi ích to lớn mà nó mang lại so với những hình thức văn phòng truyền thống.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian và chi phí cho việc tìm tòi cách thức vận hành một không gian làm việc chung hiệu quả.
Chúng tôi vẫn chưa hài lòng với cách thức vận hành hiện nay vì vẫn muốn mang đến nhiều tiện ích hơn cho thành viên của mình.
Ví dụ như hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các đối tác trong việc viết lại toàn bộ phần mềm quản lý để các thành viên có thể sử dụng dịch vụ của chúng tôi một cách tiện lợi hơn 24/24 mà không phụ thuộc vào người phục vụ.
* Tương lai của Toong thì sao?
Sau hai địa điểm tại Tràng Thi và Tô Ngọc Vân - Hà Nội, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng tổng con số coworking space của Toong trong năm 2016 này.
Trong dài hạn, chúng tôi mong muốn xây dựng một mạng lưới coworking chuyên nghiệp và một cộng đồng bền vững trên cả nước.
* Công việc hàng ngày của anh tại Toong là gì?
Công việc chính hàng ngày của tôi là làm việc cùng các cộng sự của mình để vận hành Toong ngày một hiệu hiệu quả hơn, nghĩ những ý tưởng mới để tạo cảm hứng cho các thành viên, gặp gỡ, trò chuyện với các thành viên làm việc tại đây và đôi khi, giúp kết nối những người đang tìm nhau nhưng…vẫn chưa thấy nhau (cười).
* Xin cảm ơn anh!
Toong ra đời vào tháng 8/2015, hiện có 2 cơ sở tại Hà Nội, nằm trên đường Tô Ngọc Vân và Tràng Thi. Tính đến thời điểm hiện tại, Toong Tràng Thi đã lấp đầy khoảng 75% sau 6 tháng hoạt động. Tại địa điểm trên phố Tô Ngọc Vân, dù mới đang vận hành thử được một tuần nhưng 50% số phòng làm việc đã được đặt thuê và các công ty đang chuyển vào.
Hội thảo Kiến tạo Không gian sáng tạo tại Việt Nam
Hội đồng Anh đã tổ chức một hội thảo kết nối các không gian sáng tạo tại Việt Nam, Vương quốc Anh và khu vực Đông Á vào ngày 07 và 08 tháng Ba, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn định hình và góp phần phát triển môi trường dành cho không gian sáng tạo và cung cấp kỹ năng thực tế trong một số lĩnh vực. Các nội dung này đa dạng từ việc làm thế nào để kêu gọi đầu tư, tạo ra thu nhập cho không gian tới việc tạo lập nên cộng đồng, thúc đẩy hợp tác và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lí và vận hành không gian.
Hội thảo là hoạt động tiếp nối Nghiên cứu ban đầu về các không gian sáng tạo tại Việt Nam, được Hội đồng Anh công bố vào tháng 12 năm 2014. Nghiên cứu đã chỉ ra có khoảng 40 không gian sáng tạo ở Việt Nam, và nêu bật những đóng góp quan trọng của những không gian này. Các không gian đã giúp công chúng dễ dàng tiếp cận hơn với văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy sự sáng tạo và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp sáng tạo phát triển.
Xem thêm thông tin hội thảo tại đây.