TP.HCM tìm hướng đi cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Ngày 24/11, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã có buổi làm việc với các sở, ban, ngành, hiệp hội và đơn vị liên quan về các hoạt động hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp trẻ TPHCM.
Tại buổi làm việc, Thành đoàn TP.HCM cho biết hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Thành Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP tổ chức thực hiện chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khởi nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ với độ tuổi từ 18 - 35 tuổi.
Sau 5 năm hoạt động, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ Thanh niên đã tiếp nhận, xử lý trên 2.400 hồ sơ dự án khởi nghiệp của thanh niên, trong đó đã triển khai thẩm định tính khả thi cho 1.230 dự án và quyết định ký hợp đồng phát vay cho 726 dự án với tổng số vốn xoay vòng gần 55 tỷ đồng, góp phần tạo ra gần 3.600 việc làm mới cho thanh niên trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, các hoạt động tạo môi trường, khuyến khích khởi nghiệp thông qua các hoạt động: cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, Sàn giao dịch ý tưởng kinh doanh, Chuỗi chương trình câu chuyện doanh nhân khởi nghiệp và người trẻ khởi nghiệp, Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam, Vườn ươm Doanh nghiệp trẻ, Dự án mỗi Doanh nhân – Một người thầy cũng được tăng cường đẩy mạnh và đã thu hút hàng ngàn thanh niên khởi nghiệp, nhà đầu tư tham gia…
Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) cho biết số lượng hội viên hiện nay trên 800 hội viên chính thức (dưới 45 tuổi) và trên 100 thành viên câu lạc bộ Hội viên vàng (trên 45 tuổi) với tổng vốn đăng ký kinh doanh khoảng 120.000 tỷ đồng và đã giải quyết công ăn việc làm cho 250.000 lao động.
Vào thời điểm khó khăn 2011-2012, Ban xúc tiến thương mại nội địa của YBA có hợp tác với ngân hàng xây dựng chương trình hỗ trợ vốn cho hội viên với qui mô 1000 tỷ, trong đó có 100 tỷ cho vay tín chấp. Trong năm 2015, YBA đã thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả ở các nước Lào, Campuchia, Miến Điện, Châu Âu …
Về chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trẻ trong thời tới, YBA cho rằng cần chia làm 3 nhóm đối tượng hỗ trợ: Hỗ trợ thanh niên và tri thức trẻ khởi nghiệp; hỗ trợ cho doanh nghiệp mới thành lập, giai đoạn từ 1 đến 3 năm được thẩm định có ý tưởng và mô hình hoạt động tiềm năng, phù hợp với định hướng kinh tế mũi nhọn của TP.
Đồng thời quy hoạch và xây dựng các thương hiệu tiềm năng trong đội ngũ doanh nhân trẻ, nâng tầm các doanh nghiệp từ quy mô vừa và nhỏ lên tầm qui mô trung bình. Đó là những thương hiệu quốc gia trong tương lai mang dấu ấn đội ngũ doanh nghiệp trẻ TPHCM.
Trên cơ sở đó, việc hỗ trợ vốn với từng đối tượng khác nhau sẽ có những gói tài trợ và hình thức ưu đãi khác nhau phù hợp với nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo hiệu quả cụ thể…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng bước vào thị trường chung ASEAN và tham gia TPP bên cạnh những cơ hội là những thử thách về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, năng lực canh tranh đối với thanh niên, doanh nghiệp trẻ... Vì vậy vai trò của Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP và các đơn vị liên quan rất quan trọng trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em có việc làm, vươn lên lên khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, cần hướng các nhà khởi nghiệp vào các lĩnh vực mà TP hiện đang tập trung, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có 4 ngành công nghiệp chủ yếu: công nghệ điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; chế biến tinh lương thực thực phẩn và hóa chất nhựa cao su.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng đề nghị Thành Đoàn sớm thành lập Ban Khởi nghiệp để tổ chức các hoạt động liên kết giữa các đơn vị liên quan để có sự hỗ trợ, điều phối các hoạt động của tổ chức đạt hiệu quả.
Trước đó, UBND TPHCM cũng đã có buổi làm việc với ông Dominic Mellor, Giám đốc chương trình Mekong Business Initiative (MBI) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và nhận thấy vai trò quan trọng của khối tư nhân trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up ventures) và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong việc phát triển kinh tế, xã hội của TP.
Do đó, UBND TPHCM đề nghị ADB hỗ trợ việc xây dựng một báo cáo thể hiện Kế hoạch hành động của TP đối với hoạt động đổi mới sáng tạo trong khối tư nhân giai đoạn 2016-2020. Báo cáo cần đưa ra các khuyến nghị về chính sách, với các bước triển khai thực hiện theo trình tự, cách thức để TP có thể thúc đẩy và tạo ra một nền tảng tốt hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân giúp ươm tạo doanh nghiệp và giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt UBND TP.HCM quan tâm nhất là những hành động cải thiện chính sách như: Khung pháp lý và chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Hỗ trợ tài chính doanh nghiệp.
Báo cáo cần phân tích các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong thời gian qua đối với hoạt động này và đúc kết kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở xem xét, phân tích bối cảnh của Việt Nam. Các khuyến nghị chính sách cần được xây dựng thông qua quá trình tham vấn rộng rãi trên địa bàn Thành phố và khu vực tư nhân.