Tập đoàn bán lẻ Thái Lan BJC đã thâu tóm Phú Thái Group từ... 2 năm trước

25/06/2015 11:58 AM | Kinh doanh

Tháng 12/2012, CTCP Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Group) đã tiến hành thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 12.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này, các cổ đông sáng lập của công ty gồm Phú Thái Holdings, ông Bạch Quốc Thắng và bà Vũ Thị Dậu đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần. Chỉ duy nhất cổ đông sáng lập còn lại là ông Phạm Đình Đoàn nắm giữ 0,09% cổ phần.

Động thái các cổ đông sáng lập chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại một công ty tư nhân thường cho thấy dấu hiệu “đổi chủ” hoặc tái cấu trúc sở hữu. Một thông tin đáng chú ý khác là doanh nhân người Thái Lan Pattaphong Iamsuro đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Phú Thái.

Ông Pattaphong Iamsuro hiện là Chủ tịch của Chuỗi cung ứng ngành bao bì thuộc Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Berli Jucker (BJC). Đến đây thì câu chuyện “đổi chủ” của Phú Thái đã dần sáng tỏ.

BJC giành quyền kiểm soát Phú Thái Group từ đầu năm 2013

Theo các thông tin trong báo cáo thường niên 2 năm 2013 – 2014 của BJC thì Tập đoàn này đã gián tiếp sở hữu 64,55% lợi ích của Phú Thái Group thông qua việc sở hữu 65% cổ phần của CTCP Thái An Việt Nam. Như vậy đồng nghĩa với việc Thái An Việt Nam trực tiếp sở hữu hơn 99% cổ phần của Phú Thái Group.

Giao dịch mua lại Phú Thái được BJC thực hiện qua pháp nhân trung gian là CTCP Thái An Việt Nam

Như vậy rất lâu trước khi có ý định mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam, BJC đã giành được quyền kiểm soát của Phú Thái, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại khu vực phía Bắc. Hệ thống Phú Thái bao gồm nhiều công ty thành viên như Phú Thái Food, Phú Thái Hà Nội, Phú Thái Cần Thơ, Phú Thái Telecom…

Chỉ có một điều rất lạ là mặc dù thương vụ này đã diễn ra được hơn 2 năm mà chưa hề được đề cập trên truyền thông của Việt Nam lẫn Thái Lan.

“Trong năm 2014, chúng tôi đã mở rộng ở miền Bắc Việt Nam. Cùng với tập đoàn Phú Thái, đơn vị phân phối bán buôn bán lẻ hàng hóa tới các cửa hàng bán lẻ, bao gồm cả các cửa hàng tiện lợi ở phía Bắc. Ngoài ra, công ty đã hợp tác xây dựng một kho hàng lớn với Phú Thái để tăng cường khả năng phân phối trực tiếp với hệ thống các cửa hàng”, báo cáo thường niên 2014 của BJC nhận định.

Sau thương vụ thâu tóm Phú Thái của Berli Jucker, người ta nhanh chóng chứng kiến mối lương duyên giữa Phú Thái và chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart của Nhật Bản rạn nứt. Tới tháng 9/2013, chuỗi cửa hàng này đã phải đóng cửa tất cả các mặt bằng liên doanh, sau đó đổi tên thành B’Mart. Tất nhiên, B’Mart thuộc sở hữu của người Thái.

Theo công bố của BJC, doanh thu từ thị trường Việt Nam của doanh nghiệp này đạt hơn 200 triệu USD trong năm 2014.

Mối quan tâm đặc biệt của người giàu thứ 2 Thái Lan

Thị trường Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ trong mắt Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ 2 Thái Lan với khối tài sản trị giá hơn 13 tỉ USD. 3 tập đoàn kinh doanh lớn nhất dưới quyền của người đàn ông này đều có sự hiện diện tại Việt Nam.

Đó là ThaiBev (đồ uống), TCC Holdings (bất động sản) và Berli Jucker (đa ngành).Với việc thâu tóm Phú Thái, Metro, mở ra chuỗi B’mart, BJC đang cho thấy họ đang có những bước tiến rất tốt vào thị trường phân phối – bán lẻ Việt Nam.

ThaiBev, thể hiện “bóng dáng” của mình qua 11% cổ phần sở hữu gián tiếp của Vinamilk (trị giá hơn 500 triệu USD). Tập đoàn đồ uống này cũng ngỏ ý muốn mua lại 40% cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco), và định giá DN bia lớn nhất Việt Nam này khoảng 2 tỉ USD. Đây rất có thể sẽ tiếp tục là một thương vụ đình đám trong tương lai khi kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được tiến hành.

Với TTC Holdings, thông qua công ty con SAS Trading Ltd, TTC Land hiện nắm giữ 65% cổ phần của Khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.

Ông Phạm Đình Đoàn: “Phú Thái sẽ kết hôn với DN Nhật Bản khi đang có giá”

Đây là lời phát biểu của TGĐ Phú Thái hồi tháng 10/2014. Ông Đoàn cho biết, dù có hơn nghìn cửa hàng nhưng ông vẫn đề nghị liên doanh 19% với DN Nhật vì Phú Thái “Đang có giá”.

Ông cũng là một người ủng hộ chủ trương hợp tác với DN nước ngoài. Theo ông, liên doanh liên kết là biện pháp tốt nhất và có hiệu quả lâu dài.

"Thị trường bán lẻ, sản xuất và các thị trường khác của Việt Nam đều dần dần bị lấn sân. Một mặt chúng ta kêu gọi Bộ ngành hỗ trợ nhưng chúng ta phải phát triển quyết liệt, lượng sức mình và tìm các đối tác. Ngay như Phú Thái đã có hơn nghìn cửa hàng nhưng tôi đề nghị liên doanh 19% với doanh nghiệp Nhật Bản", ông Phạm Đình Đoàn khẳng định.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM