Sự 'xấu xí' đằng sau những chiếc túi đẳng cấp mang hiệu Hermes, Prada, hay Chanel

28/01/2016 08:03 AM | Kinh doanh

Là những hãng thời trang cao cấp nhất thế giới, nhưng ngay cả những thương hiệu lớn như Chanel hay Hermes cũng có thể thất bại nếu họ không liên tục cho ra được những sản phẩm “vượt trội”.

Doanh số các mặt hàng phụ kiện thời trang đã tăng vọt trong thời gian qua, từ tỷ lệ 18% trong tổng thị phần toàn cầu các loại hàng hóa xa xỉ năm 2003 lên gần 30% hiện nay. Trong đó, mặt hàng túi xách đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng này.

Đối với người tiêu dùng, túi xách là loại phụ kiện có thể được phối hiệu quả với nhiều loại quần áo trong các dịp khác nhau.

Đối với các thương hiệu, túi xách là một mặt hàng có mức tiêu thụ khả quan trong ngành bán lẻ cũng như tỷ lệ doanh số trên mỗi mét vuông cửa hàng đại lý luôn ở mức cao.

Tuy nhiên, ngành kinh doanh túi xách bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Việc tăng cường các đại lý bán lẻ túi xách đã không còn là công thức tăng trưởng chính xác cho nhiều thương hiệu thời trang, đặc biệt là Louis Vuitton, Gucci hay Prada.

Trong năm 2015, hãng Prada đã quyết định hạn chế mở rộng các đại lý bán lẻ của mình và đây là minh chứng rõ nhất cho tình hình trên.

Ngoài ra, các hãng túi xách đã cố gắng nâng giá bán chung trên thị trường nhằm duy trì thế độc quyền cũng như thúc đẩy nhu cầu sở hữu túi xách của chị em phụ nữ.

Tuy nhiên, việc hạn chế phân phối sản phẩm nhằm tạo tình trạng khan hiếm giả cũng khiến doanh số của các hãng này suy giảm.

Bên cạnh đó, nhiều hãng túi xách hàng hiệu tham gia cuộc chơi như Michael Kors và Tory Burch đã gia tăng áp lực đối với các thương hiệu truyền thống lớn trước đó.

Thậm chí những công ty lớn như Dior hay Saint Laurent vốn kinh doanh trong mảng khác cũng tham gia vào ngành phụ kiện thời trang.

Trong khi đó, những thương hiệu tầm trung như Balenciaga hay Givenchy cũng đang tăng cường các chiến dịch marketing và quảng cáo nhằm mở rộng thị phần của mình.

Với nhiều loại sản phẩm túi xách với các mức giá khác nhau, việc người tiêu dùng không trung thành với một thương hiệu nào cả là điều dễ hiểu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc khi mỗi ngày lại có một loại túi cao cấp mới được bày bán.

Những thương hiệu tầm trung cũng không hề kinh doanh dễ dàng dù họ tăng cường sản lượng sản xuất và hạ giá thành nhằm tăng doanh số. Tuy nhiên, để thiết kế được một chiếc túi đẹp với mức giá phải chăng là không hề dễ dàng.

Ngày nay, người tiêu dùng nhanh cảm thấy chán với các sản phẩm sẵn có và luôn đòi hỏi sự mới lạ. Việc chỉ dựa vào thương hiệu nổi tiếng để kinh doanh đã không còn là bước đi thực sự hiệu quả.

Thậm chí cả những thương hiệu lớn như Chanel hay Hermes cũng có thể thất bại nếu họ không liên tục cho ra được những sản phẩm “vượt trội”.

Điều này nghe giống như Apple khi họ cũng đang gặp rắc rối sau khi quả bom tấn iPhone 6 trình làng và những cải tiến sau này của dòng iPhone 6S không thực sự vượt trội so với phiên bản cũ.

Vỡ bong bóng túi xách hàng hiệu

Các hãng túi xách xa xỉ thường nâng giá bán nhằm đánh bóng thương hiệu và tăng nhu cầu mua sắm của nữ giới, tạo cảm giác sang trọng hay “đẳng cấp” khi sử dụng sản phẩm có thương hiệu của công ty.

Tuy vậy, mới đây thương hiệu túi xách nổi tiếng Coach cũng đã phải hạ giá bán trong tình trạng dư thừa cung trên thị trường toàn cầu.

Doanh số của hãng này đã giảm 7% trong quý IV/2015 và người phát ngôn của công ty cho biết nguyên nhân chính là do lượng khách đi du lịch thấp cùng với tình trạng giảm giá khuyến mãi tràn lan.

Theo đó, tỷ lệ hàng giảm giá của các đại lý túi xách cao cấp đã tăng bình quân 5%, trong khi Coach dẫn đầu với 6,1%.

Coach cũng với nhiều hãng túi xách xa xỉ khác như Micheal Kors, Kate Spade đều đang gặp khó khăn và buộc phải khuyến mãi giảm giá để tăng doanh số trong thời gian qua.

Theo hãng Millward Brown, giá trị của những thương hiệu nổi tiếng như Prada, Gucci hay Cartier đều mất 6%, tương đương khoảng 7 tỷ USD trong khoảng 2014-2015.


Thay đổi giá trị thương hiệu của các hãng bán hàng xa xỉ (%)

Thay đổi giá trị thương hiệu của các hãng bán hàng xa xỉ (%)

Nguyên nhân chính được cho là tình hình kinh tế gặp khó tại nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Brazil đã khiến nhu cầu hàng xa xỉ giảm mạnh.

Thị trường Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ hàng xa xỉ, bao gồm túi xách hàng hiệu, nhiều nhất trên thế giới và kinh tế giảm tốc cũng với chiến dịch chống tham nhũng đang khiến các thương hiệu cao cấp tại đây lao đao.

Doanh số của hãng thời trang Prada, có thị trường chính ở Trung Quốc, đã giảm 28% trong năm 2014.

Việc người tiêu dùng Trung Quốc tiết kiệm hơn và nạn hàng giả tràn lan cũng như sự cạnh tranh khốc liệt trong mảng túi xách đang khiến bong bóng ngành kinh doanh này có khả năng đổ vỡ.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM