Sáng lập Emotiv Đỗ Hoài Nam: "Đầu tư mạo hiểm không phải là việc của Chính phủ"
Ông Đỗ Hoài Nam cho rằng: "Đầu tư mạo hiểm không phải là việc của Chính phủ và Chính phủ đừng nên đầu tư mạo hiểm".
Hoạt động khởi nghiệp (Startup) gần đây rất được quan tâm ở Việt Nam, và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp nội địa. Theo đó, mô hình thung lũng Silicon do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất đang thu hút nhiều người quan tâm.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cựu CEO Emotiv - ông Đỗ Hoài Nam bên lề chương trình Quản trị đổi mới và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp diễn ra chiều ngày 20/11.
Hiện nay phong trào Startup Việt Nam đang phát triển rầm rộ, xin ông cho biết đâu là lý do?
Phong trào Startup có từ rất lâu nhưng thực sự bùng nổ trong vòng 1 năm trở lại đây. Lý do lớn nhất nằm ở nguồn lực. Chúng ta có nguồn lực dồi dào, lao động trẻ có tri thức nhiều hơn thế hệ trước, được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm.
Có thể nói những người làm Startup lớn lên cùng công nghệ, cùng internet, ngoại ngữ tốt tạo ra nguồn lực phù hợp với phát triển Startup.
Thêm vào đó, doanh nghiệp nhà nước quá truyền thống, nhà nước quá truyền thống. Trong khi đây là một cái đội ngũ khoa học mới, đội ngũ nguồn nhân lực mới rất thông minh, sáng tạo và nhiều kiến thức. Kiến thức họ cần được áp dụng vào những cái mới. Chính vì vậy, Startup trở nên rất "hot"trong thời gian vừa rồi.
Thưa ông, Startup Việt Nam đang theo công thức 99% bắt chước và 1% sáng tạo, có phải đi ngược lại xu hướng trước đây là làm khởi nghiệp cần sáng tạo hết mình không?
Vừa có vừa không.
Chúng ta nên khuyến khích sáng tạo nhiều hơn, tạo ra sản phẩm với giá trị mới. Đồng thời chúng ta cũng nên học tập những gì người khác làm tốt.
Tôi không đồng ý lắm với những ý kiến cho rằng 99% là "copy". Vì trong một thị trường khác, ở một thời điểm khác thì tất cả mọi thứ đều khác. Thế nên ý tưởng giống thì cách làm phải khác đi. 99% người Starup thành công nằm ở chỗ cách thực hiện nó, không nhất thiết nằm ở trong ý tưởng.
Ngày nay, công nghệ thông tin đi vào tất cả ngõ ngách của doanh nghiệp cũng như xã hội. Tạo ra một thế giới phẳng. Nếu một ý tưởng ở nơi khác được ứng dụng tốt thì cũng được ứng dụng vào xã hội của chúng ta một cách rất tốt. Vấn đề chúng ta ứng dụng như thế nào. Và bước một của sự sáng tạo hoàn toàn tập trung vào sáng tạo trong ứng dụng.
Với điều kiện còn hạn chế, startup ở Việt Nam liệu có dễ thất bại hơn các nước khác?
Ở thị trường nào cũng dễ thất bại. Tỷ lệ thất bại nhiều người cho rằng 10 công ty chỉ thành công 4 công ty. Trên thực tế, 10 công ty mà chúng ta thành công được 1 công ty là cao rồi. Vì Startup là tạo ra mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, rủi ro cao.
Thực tế, mô hình kinh doanh trên lý thuyết hấp dẫn nhưng vì một lý do nào đó mà tại thời điểm đó xã hội không chấp nhận, thị trường không chấp nhận. Đây không phải do Startup làm kém, cũng không phải do tính sai mà có rất nhiều thứ.
Có mô hình thị trường cảm thấy thích thú và sẽ phát triển mạnh như Facebook, Uber, Google nhưng cũng có mô hình mà thị trường không chấp nhận thì khả năng thành công là rất thấp.
Ở Việt Nam nhiều bất cập nên khả năng thành công Startup ở VN cao hơn ở các thị trường khác.
Ông đánh giá thế nào về văn hóa thất bại của người Việt Nam hiện nay? Làm thế nào để người trẻ chấp nhận văn hóa thất bại?
Đây là vấn đề nhận thức của xã hội. Thất bại về mặt con người và thất bại về mạo hiểm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chúng ta trải qua 5-6 công ty thất bại thì kiến thức của chúng ta sẽ nhiều hơn so với trước khi chúng ta thất bại. So với trước đó thì chúng ta đã thành công hơn.
Khi cho rằng đây là cuộc phiêu lưu thì cuộc phiêu lưu thất bại không có nghĩa là con người chúng ta thất bại. Bản thân xã hội phải nhìn nhận rõ ràng thì mới tạo điền kiện cho doanh nhân dám đi vào con đường đó.
Hiện nay Việt Nam có quỹ đầu tư mạo hiểm Silicon Valley. Theo ông quỹ này có làm cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cởi mở hơn không?
Quỹ Silicon Valley (SV) Việt Nam là chương trình do Bộ Khoa học Công nghệ sáng lập.
Thực tế, Silicon Valley trải dài 100km, tập trung tất cả những con người xuất chúng nhất trong khoa học công nghệ, tập trung nhiều tiền nhất, nhiều công ty to nhất trong khoa học công nghệ. Tất cả mọi thứ đều thuận lợi và trở thành thủ đô của khoa học công nghệ.
Đối với tôi, tôi không đồng ý định hướng tạo ra SV Việt Nam. Vì trên thực tế, nhiều nước như Anh, Úc đều cố gắng tạo ra SV nhưng họ đã thất bại.
Vấn đề là sẽ không có SV thứ hai. Trước đây, SV được cho là nhất về mọi thứ nhưng không nhất thiết phải như thế. Cách phát triển sẽ tạo ra mạng lưới khác nhau của công nghệ trên toàn thế giới.
Chúng ta phải phát triển những dự án để Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ trong khu vực. Nếu cứ cố gắng dồn tiền bạc, sức lực tạo ra SV thì chắc chắn sẽ thất bại. Trong khi đó, các nước khác họ phát triển theo con đường đúng thì họ trở thành trung tâm và ta trở thành vệ tinh.
Như thế có nghĩa là mình bỏ đi cơ hội trong khi mình có điều kiện lớn nhất để trở thành trung tâm của khu vực. Việt Nam nên là trung tâm công nghệ lớn nhất của Đông Nam Á.
Giả sử ông trở thành cố vấn cho quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam, ông sẽ làm gì?
Việc đầu tiên tôi sẽ khuyên là đầu tư mạo hiểm không phải là việc của Chính phủ.
Có quan điểm tương đối sai lầm là: Nếu Chính phủ không đầu tư thì nhà đầu tư không tin tưởng. Chuyện đó hoàn toàn không có vì nếu Startup "ngon" thì tất cả các nhà đầu tư tư nhân sẽ nhảy vào. Thị trường luôn biết cần gì chứ mình không thể bảo thị trường cần gì.
Tuy nhiên, chúng ta không đầu tư tài chính cho mạo hiểm nhưng chúng ta phải đầu tư cho khoa học công nghệ, cho nghiên cứu. Việc tạo ra công nghệ mới hiện tại đang là việc khó nhất đối với Startup. Starup của chúng ta đang rất yếu thế cả nguồn lực lẫn tiền so với các công ty Startup ở nước ngoài như Silicon Valley.
Vì vậy, tôi khuyên Chính phủ, nếu một công ty về mặt thương mại đã được nhận tiền đầu tư của các nhà đầu tư thì ý tưởng đó đã có ý nghĩa, có tương lai. Chính phủ nên đầu tư vào công ty đó cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm trí tuệ sở hữu bởi công ty Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!