Lời khuyên "triệu đô" của Phó Chủ tịch Google dành cho startup Việt Nam
Điều gì có thể giúp các nhà khởi nghiệp kiếm hàng trăm triệu USD từ dự án của mình? Ngày 18/11 mới đây tại Toong Tràng Thi, ông Mike Cassidy, Phó Chủ tịch Google đồng thời là trưởng dự án Google Project Loon đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
Trước khi làm việc tại Google, ông Cassidy đã từng là nhà sáng lập của 4 dự án khởi nghiệp là Ruba, Xfire, Direct Hit và Stylus Innovation. Cả 4 dự án này đều đã thành công và được các công ty lớn mua lại với giá cao.
Ruba được Google mua lại, Xfire được MTV mua lại với giá 110 triệu USD, Direct Hit được Ask Jeeves mua lại với giá 500 triệu USD, Stylus được Artisoft mua lại với 13 triệu USD.
Những dự án khởi nghiệp của ông Cassidy đã được đưa vào top 100 của tạp chí công nghệ PC cũng như đạt được nhiều giải thưởng công nghệ khác.
Khởi nghiệp là gì?
Theo ông Cassidy, khởi nghiệp là quá trình một doanh nhân kiểm soát và sử dụng những nguồn lực không thuộc về bản thân để đem lại lợi nhuận hoặc kiến tạo nên những giá trị mới.
Tại sao lại là tốc độ?
Phó Chủ tịch Cassidy cho biết mỗi người đều có những lợi thế riêng để khởi nghiệp, nhưng tốc độ là “vũ khí” mà ai cũng có và mọi người đều dễ dàng làm được. Hơn nữa, các đối thủ sẽ khó cạnh tranh hơn nếu họ không thể bắt kịp tốc độ phát triển của công ty.
Bên cạnh đó, ông Cassidy cũng cho rằng việc sản phẩm thay đổi và cải tiến nhanh chóng là giúp gia tăng sự tự tin cho nhân viên cũng như niềm tin của nhà đầu tư, qua đó tạo tiếng vang tốt trong công chúng.
Một lợi thế nữa của tốc độ ra mắt sản phẩm là gia tăng giá trị của công ty. Dự án khởi nghiệp đã có sản phẩm luôn được đánh giá cao hơn một dự án chưa có gì cả.
Những lưu ý trong quy trình khởi nghiệp
Ông Cassidy liệt kê 4 bước cơ bản đầu tiên của một quy trình khởi nghiệp, từ nảy ra ý tưởng, kêu gọi vốn, thuê nhân viên đến xây dựng sản phẩm.
Trong đó, kêu gọi vốn là giai đoạn thường được coi là khó khăn đối với nhiều doanh nhân trẻ. Kinh nghiệm của ông Cassidy cho thấy các nhà khởi nghiệp nên cố gắng khiến những nhà đầu tư đưa được quyết định càng sớm càng tốt.
Những nhà doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp nên quan niệm rằng mỗi ngày trôi qua, cơ hội kêu gọi vốn thành công lại giảm đi 10% và các nhà đầu tư cũng như bản thân họ đều là những người bận rộn.
Với tư duy này, cách đàm phán của nhà khời nghiệp khi kêu gọi vốn đầu tư sẽ phải thay đối. Họ sẽ phải tìm cách buộc nhà đầu tư ra quyết định sớm nhất có thể, hoặc chọn một kênh thu hút vốn khác khi cơ hội đã giảm xuống quá thấp.
Phó Chủ tịch Mike Cassidy
Tất nhiên, với những dự án đầu tiên và chưa được nhiều người biết đến, các doanh nhân trẻ cần chủ động tìm cách kêu gọi vốn. Ông Cassidy lấy ví dụ một dự án công nghệ thông tin có thể thỏa thuận với một công ty để xin cấp vốn, bù lại họ sẽ bảo hành thiết bị công nghệ miễn phí cho doanh nghiệp này trong 18 tháng.
Ngoài ra, khi thuê nhân viên, nhà khởi nghiệp cũng nên tìm hiểu kỹ ứng viên trước và điều này hoàn toàn có thể khi các doanh nhân trẻ chỉ cần xây dựng một nhóm nhỏ làm việc có hiệu quả lúc ban đầu. Sau đó, ông Cassidy cho rằng tốt hơn hết là nhà tuyển dụng đưa ra lời đề nghị ngay sau khi phỏng vấn xong hoặc đề nghị ứng viên trả lời vào ngày hôm sau.
Trong giai đoạn phát triển sản phẩm, ông Cassidy nhận định việc nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường với những ứng dụng cơ bản, sau đó hoàn thiện dần có hiệu quả hơn là tốn quá nhiều thời gian cho nghiên cứu và khảo sát người tiêu dùng.
Theo ông Cassidy, công ty càng nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường thì rủi ro càng giảm. Sau đó, công ty cần nhanh chóng cải thiện sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng.
Bài học từ những thất bại
Không có nhà khởi nghiệp nào chưa từng thất bại trong đời. Có đến 3/4 những dự án khời nghiệp đầu tiên trên thế giới bị thất bại. Vấn đề quan trọng ở đây là những nhà khởi nghiệp học được gì từ thất bại này cũng như nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng đến đâu.
Đôi khi, chính những thất bại cho chúng ta ý tưởng hoặc tiền đề để triển khai một dự án mới ngay trên nền dự án cũ.
Bên cạnh đó, ông Cassidy cũng nhận định khởi nghiệp là một quá trình dài khi các doanh nhân cũng kết hợp với nhóm của mình khai phá ý tưởng và phát triển sản phẩm. Đây không đơn thuần chỉ là việc nảy ra một ý tưởng và kiếm lợi nhuận từ chúng mà là một quá trình làm việc dài hạn với nhiều ý tưởng cũng như dự án.
Tất nhiên, thất bại là điều không thể tránh khỏi và quyết định tiếp tục đi tiếp hay dừng lại là một lựa chọn vô cùng khó khăn. Vì vậy, ông Cassidy khuyên các nhà khởi nghiệp thực hiện dự án với một nhóm làm việc nhỏ khi mới bắt đầu nhằm tạo sự hiệu quả. Khi đó, những thành viên trong dự án sẽ có độ gắn kết cao hơn và sẵn sàng đi cùng bạn qua nhiều dự án khác.
Hơn nữa, những dự án khởi nghiệp trước đó sẽ giúp các doanh nhân tạo được mối quan hệ, qua đó hỗ trợ họ trong những dự án tiếp theo. Một người khởi nghiệp thành công sẽ luôn tự hỏi tại sao họ thất bại và điều gì khiến những người khác thành công.
Những người thành công thường là những người có khả năng tạo mối quan hệ tốt.
Phó Chủ tịch Mike Cassidy
Bán hay không bán?
Một thách thức đặt ra cho các nhà khởi nghiệp là họ nên xây dựng dự án để tạo nên những giá trị mới hay để bán lại và thu về lợi nhuận.
Những doanh nhân trẻ nên tập trung xây dựng dự án của mình và nếu thành công, trong tương lai dự án này có thể đươc mua lại bởi một ai đó. Suy nghĩ cho rằng làm khởi nghiệp cuối cùng chỉ để bán lại sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn.
Thách thức lớn nhất
Mỗi nhà khởi nghiệp đều có những thách thức riêng, nhưng ông Cassidy cho rằng thách thức lớn nhất đối với các doanh nhân trẻ đến từ nhân lực.
Phó Chủ tịch Cassidy khuyên mọi người rằng họ không nên bắt lỗi các thành viên khi họp nhóm mà nên khuyến khích mọi người đưa ra ý tưởng, kể cả những ý kiến “điên khùng” nhất.
Với tư cách là một nhà lãnh đạo, những người khởi nghiệp nên tạo động lực và kích thích tinh thần làm việc của mọi người.