Quảng cáo lập lờ để bán bảo hiểm
Thời gian gần đây, trên vỉa hè các tuyến đường ở TP HCM lại xuất hiện nhan nhản các điểm bán bảo hiểm xe máy giá 10.000 đồng. Thực tế ra sao?
Nhiều tuyến đường nội thành cũng như khu vực ngoại thành, như Lê Văn Sỹ (quận 3), Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Xa lộ Hà Nội (quận 2), Điện Biên Phủ (quận 1, quận Bình Thạnh), đường 3/2 (quận 10)... đang xuất hiện hàng trăm điểm bán bảo hiểm xe máy giá cực rẻ, chỉ với 10.000 đồng.
Bảng quảng cáo ghi: Bảo hiểm xe máy, bảo hiểm cho hai người ngồi trên xe giá 10.000 đồng/năm. Nhưng có hay không loại bảo hiểm 10.000 đồng này?
Bảng rao bán bảo hiểm xe máy 10.000 đồng được bán trên Xa lộ Hà Nội, quận 2, TP HCM. Tuy nhiên, người mua thực tế phải bỏ ra 66.000 đồng. Người bán cho biết đây là bảo hiểm của quân đội.
Quảng cáo vậy chỉ để... câu khách!
Tấp vào một điểm bán bảo hiểm xe máy trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), chúng tôi đề nghị được mua bảo hiểm với giá 10.000 đồng như bảng quảng cáo rao. Một thanh niên trẻ tuổi bán bảo hiểm từ chối, vì lý do không có bảo hiểm 10.000 đồng.
Thanh niên này nói: "Bảng quảng cáo ghi vậy chỉ để câu khách thôi. Tụi em không bán bảo hiểm 10.000 đồng riêng lẻ, chỉ bán chung với bảo hiểm xe máy. Chị muốn mua bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe giá 20.000 đồng một năm (được giảm còn 10.000 đồng) phải mua cùng với bảo hiểm xe máy giá 66.000 đồng một năm (giảm còn 50.000 đồng) thì mới có giá trị, và chúng em mới bán được".
Tương tự, trên đường hướng về cầu Sài Gòn (quận 2), chúng tôi vào điểm quảng cáo bán bảo hiểm với giá 10.000 đồng.
Người bán bảo hiểm nói: "Giá bán 20.000 đồng có giảm 10.000 đồng là bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe, nếu xảy ra tai nạn sẽ được đền bù 10 triệu đồng một năm". Tuy nhiên, bảo hiểm loại này là bảo hiểm tự nguyện không bán riêng, chỉ bán chung với bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự (TNDS) của chủ xe môtô, xe máy.
Bảo hiểm môtô, xe máy giá 66.000 đồng nếu xảy ra tai nạn, người mua được bồi thường 70 triệu đồng/năm/người/vụ. Tổng chi phí thực tế người mua phải bỏ ra cho một giấy chứng nhận bảo hiểm kiểu này là 76.000 đồng.
Người mua bảo hiểm muốn mua loại bảo hiểm như quảng cáo phải mua đủ liên 1 (gồm liên xanh và liên vàng) giá 86.000 đồng theo quy định (giá chưa giảm 20.000 đồng).
Nhưng khi chúng tôi hỏi: “Khi tai nạn thì phải làm sao để nhận bảo hiểm?", người bán lắc đầu: "Chị cứ liên lạc với số điện thoại trên ghi bảo hiểm, bọn em chỉ bán ăn hoa hồng thôi. Em cũng không biết nữa”.
Tại một điểm bán khác ở quận 1, bạn Trần Văn Đ. (20 tuổi), sinh viên ĐH Bách khoa TP HCM, chia sẻ: "Mình bán bảo hiểm thế này để kiếm thêm tiền học. Nếu bán được hợp đồng bảo hiểm giá 70.000 đồng thì mình được hưởng hoa hồng 20%".
Chúng tôi lại tiếp tục ghé vào một điểm bán bảo hiểm được quảng cáo bằng tấm băng rôn đỏ rực trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10). Chúng tôi đòi mua loại rẻ nhất theo như quảng cáo là 10.000 đồng, thì nhân viên ở đây trả lời thẳng thừng: "Tụi em để biển quảng cáo để... giới thiệu cho vui thôi, chứ không có loại bảo hiểm 10.000 đồng anh ạ. Muốn mua thì phải mua bảo hiểm xe máy 66.000 đồng".
Theo Th., người bán bảo hiểm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), thật ra đây chỉ là chiêu trò quảng cáo, câu khách để "dụ" người mua, chứ không có bảo hiểm đại hạ giá như lời quảng cáo.
Chỉ cần những tấm băng rôn to, in đỏ, kích thích sự tò mò của người dân ghé lại, nhân viên tiếp thị sẽ dùng chiêu để giới thiệu các loại bảo hiểm.
Mỗi nơi bán một giá, tư vấn một kiểu
Tại một điểm bán khác trên đường 3/2, chúng tôi tấp xe vào ngỏ ý muốn mua loại bảo hiểm được rao. Ngay lập tức, nhân viên giới thiệu hàng loạt hình thức bảo hiểm như bảo hiểm xe máy, bảo hiểm bắt buộc, bảo hiệm tự nguyện dành cho lái xe và người ngồi sau, với nhiều mức giá từ 66.000-80.000 đồng, và cũng không nói gì về gói bảo hiểm 10.000 đồng.
Khi chúng tôi hỏi về mức bồi thường và xin được tư vấn về mức độ tai nạn được nhận bảo hiểm, phương thức bồi thường ra sao, thì hầu hết người bán đều lắc đầu nói không biết, và đề nghị chúng tôi hãy liên lạc về công ty có số điện thoại in trên giấy chứng nhận.
Chị H. đồng ý mua một giấy bảo hiểm loại này trên đường Võ Thị Sáu (quận 3). Mặt trước của giấy chứng nhận ghi nơi cung cấp loại hình bảo hiểm này là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu Điện. Mặt sau được đóng dấu vuông ghi tên Công ty bảo hiểm Bưu Điện (đường Lý Chính Thắng, quận 3).
Chị H. liên lạc với Công ty bảo hiểm Bưu Điện theo số điện thoại được đóng trên giấy chứng nhận. Trả lời qua tổng đài, nhân viên của Công ty bảo hiểm Bưu Điện cho biết: "Hiện nay bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là 66.000 đồng theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra người dân có thể mua kèm thêm bảo hiểm tự nguyện để bảo đảm cho người trên xe với mức giá 20.000 đồng cho một trường hợp (không bán rời).
Chị H. thắc mắc loại bảo hiểm 10.000 đồng hiện được rao bán dưới tên đơn vị này ở khắp nơi có đúng là của công ty không, công ty này cho hay: "Để đảm bảo quyền lợi, người dân nên đến các bưu điện gần nhất để tìm hiểu và tham gia bảo hiểm".
>> Người Việt nghĩ về bảo hiểm khác người Nhật thế nào?
Theo Thiên Kim-Dũng Tuấn-Quang Định