McDonald's: Quá chậm, quá đơn giản?

14/05/2015 09:48 AM | Kinh doanh

Bị đè nặng bởi kích thước khổng lồ và quá khứ thành công, việc tái cấu trúc của McDonald's liệu có quá muộn?

McDonald's đang lâm vào tình cảnh kinh doanh bết bát.

Tháng trước, Hãng công bố doanh thu quý I giảm 11% và lợi nhuận mất 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng cũng thông báo sẽ đóng hàng trăm cửa hàng.

Khó khăn được giải thích là do phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các chuỗi thức ăn nhanh khác, như Burger King bên cạnh các thương hiệu đồ ăn nhanh khác như Subway và Starbucks.

Trong đó, đáng chú ý nhất là Burger King đang giành được thị phần với menu đơn giản nhưng rẻ hơn của McDonald's.

Tuy nhiên, ngay cả trong tình cảnh hiện nay, McDonald's vẫn vượt xa nhiều đối thủ về doanh thu.

Trong năm 2014, Hãng có 4,8 tỷ USD lợi nhuận trên doanh thu 27,4 tỷ USD. Là một công ty khổng lồ, McDonald's có lợi thế trong ngân sách tiếp thị và sức mạnh tổng thể của thương hiệu toàn cầu.

Nhưng kích thước khổng lồ của một công ty đa quốc gia lại là vấn đề lớn nhất của McDonald's, chứ không hoàn toàn do áp lực cạnh tranh.

Tân CEO Steve Easterbrook thừa nhận bộ máy cồng kềnh và quan liêu của Hãng đã làm giảm khả năng đáp ứng với xu thế thay đổi nhận thức của khách hàng về thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

Chẳng hạn, McDonald's phải mất tới 2 năm để sáng tạo ra món gà McWrap chỉ khi nhận thấy các đối thủ Chipotle, Five Guys, Shake Shack và Subway đang lấy hết khách hàng trẻ tuổi với các món ăn tươi và tốt cho sức khỏe hơn, thậm chí được tùy chỉnh theo yêu cầu thực khách.

"Bạn không thể chỉ búng ngón tay và nói rằng sẽ thay đổi", nhà kinh tế và nhà sử học Marc Levinson bình luận về việc các công ty khổng lồ như McDonald's gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu.

Tính ra, McDonald's có hơn 14.000 cửa hàng trên đất Mỹ và 36.000 địa điểm trên toàn cầu.

Các nhà quản lý của McDonald's tự hào đảm bảo rằng món ăn của họ sẽ đồng nhất từ kích thước đến cách chế biến ở bất kỳ chi nhánh nào trên thế giới.

Nhưng đó cũng là điểm yếu của người khổng lồ fastfood này khi không hoạt động theo cảm giác của bao tử, bản năng, hay thậm chí là kinh nghiệm. Họ sử dụng những bài kiểm tra khẩu vị, dùng những con số thống kê cụ thể để tạo nên những món ăn của mình.

"Khách hàng luôn muốn được thưởng thức những món ăn ngon và có chất lượng tốt nhất. Do đó, McDonald's cần phải thay đổi để đáp ứng được nhu cầu đó”, Easterbrook nhận xét dù hơi muộn màng.

Ông Easterbrook dự kiến đóng cửa hàng trăm nhà hàng hoạt động yếu kém và sẽ cung cấp thêm chi tiết về một kế hoạch mới nhằm tái cấu trúc Tập đoàn bằng cách nhóm các thị trường tương đồng lại với nhau.

McDonald's cũng đang tăng tốc nhượng quyền với mục tiêu năm 2018 có 90% cửa hàng hoạt động theo hình thức này, tăng từ 81% hiện nay. Easterbrook ước tính các kế hoạch này sẽ giúp họ tiết kiệm 300 triệu USD mỗi năm cho đến năm 2018.

Dù vậy, đây là con số chẳng đáng kể so với doanh thu hằng năm 27 tỷ USD.

"Lịch sử kinh doanh cho thấy, lớn hơn không phải lúc nào cũng là tốt hơn", Marc Levinson bình luận.

Hãng xe từng tạo nên sự hưng thịnh của ngành công nghiệp ô tô thế giới General Motor trở thành nạn nhân của chính những thành công của mình.

Sharp và nhiều thương hiệu khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản đi từ suy thoái đến phá sản vì đã không đủ nhanh nhạy để nắm bắt các xu hướng công nghệ của tương lai, kết quả là khi thế giới chuyển dịch sang phần mềm, ứng dụng, họ đã không kịp trở tay và bị các đối thủ nước ngoài bỏ lại phía sau.

Kodak đã tự giết mình trong sự bùng nổ của máy ảnh kỹ thuật số dù chính Kodak là người đi tiên phong và phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số... "Nếu McDonald's không theo kịp sự thay đổi của thị trường thì người khổng lồ này cũng có thể trở thành quá khứ".

>> McDonald's gặp "thảm cảnh"

Theo HÀ CÚC

Cùng chuyên mục
XEM