Lo mất hơn 160 tỷ vì Keangnam phá sản, dân kêu cứu Thủ tướng

10/05/2015 15:10 PM | Kinh doanh

Số tiền quỹ bảo trì lên tới hơn 160 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chung cư Keangnam vẫn chưa trả đồng nào cho Ban quản trị, ngoại trừ kê khai đã chi hơn 1,7 tỷ bảo trì tòa nhà.

Trước thông tin báo chí Hàn Quốc đưa tin, tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 được rao bán với giá gần 800 triệu USD, các cư dân đã mua nhà và đang sinh sống tại 2 tòa nhà trong dự án Hanoi Keangnam Landmark Tower vô cùng lo lắng vì còn nhiều tồn tại giữa chủ đầu tư và cư dân chưa được giải quyết.

Lo lắng Tập đoàn Keangnam có nguy cơ phá sản dẫn tới mất khả năng thanh toán quỹ bảo trì 2%, thay mặt cho cư dân, Ban quản trị đã gửi văn bản “kêu cứu” tới Thủ tướng.

Văn bản cho hay: Theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, trong đó có quy định quỹ bảo trì 2% của tòa nhà chung cư sẽ chuyển lại cho Ban quản trị khi được thành lập để duy tu, bảo trì tòa nhà. Đặc biệt, chung cư Keangnam là tòa nhà cao nhất Việt nam có nhiều thiết bị hiện đại cần có kinh phí và quy trình bảo trì nghiêm ngặt.

Với giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2, 922 căn hộ cao cấp tại chung cư Keangnam ước tính quỹ bảo trì 2% lên tới 160 tỷ đồng nhưng hiện chủ đầu tư vẫn chưa chịu bàn giao lại cho Ban quản trị chung cư giữ theo quy định của pháp luật.

Chung cư Keangnam xây dựng từ năm 2008 đến 2011 được đưa vào sử dụng, với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2 nên quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của Ban quản trị khoảng 160 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng), trong khi phía chủ đầu tư Keangnam thông báo là 125 tỷ.

Vấn đề này, Ban quản trị đã nỗ lực làm việc và gửi 8 văn bản liên quan đến quỹ bảo trì tới chủ đầu tư, đồng thời gửi 2 công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành ủy Hà Nội để yêu cầu chính quyền vào cuộc giúp cư dân. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến chỉ đạo nào. Kết quả cho đến tháng 12/2014, Keangnam Vina thừa nhận số tiền quỹ bảo trì đã thu được là 125 tỷ (chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại) và đã sử dụng sai mục đích số tiền này.

Đến tháng 3/2015, Keangnam Vina gửi công văn đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỷ đồng và trả trong vòng 25 năm. Phương án này Ban quản trị không chấp nhận do số tiền trả hàng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Nay trước nguy cơ Tập đoàn Keangnam bi phá sản, các tài sản tại Việt Nam cũng bị rao bán dẫn tới quỹ bảo trì của cư dân Keangnam có khả năng bị mất. Ban quản trị chung cư Keangnam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giúp cư dân như: Giao UBND TP Hà Nội, các Bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2% theo đúng quy định của pháp luật.

“Trong trường hợp Tập đoàn Keangnam bị phá sản phải bán tòa nhà 72 tầng, Chính phủ chỉ chấp thuận chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam quỹ bảo trì này. Giao Bộ Xây dựng tính toán chính xác quỹ bảo trì 2% để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn trả lại quỹ cho cư dân”, Ban quản trị cư dân Keangnam kiến nghị Thủ tướng.

Theo tìm hiểu của PV, khu phức hợp khách sạn-văn phòng-căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower ở đường Phạm Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) được khởi công từ năm 2008, do Tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc làm chủ đầu tư.

Tổng số vốn đầu tư cho dự án này là 1,05 tỷ USD do ngân hàng Uri và công ty chứng khoán phối hợp đầu tư 0,5 tỷ USD. Số còn lại là vốn tự có của công ty Keangnam và khoản đặt cọc mua nhà. Đây là dự án lớn nhất của công ty Hàn Quốc tại Việt Nam.

Mặt bằng xây dựng tòa nhà này có diện tích 46.008 m2. Trong đó, 2 tòa nhà chung cư cao 48 tầng với 922 căn hộ cao cấp, hoàn thành, bàn giao căn hộ vào tháng 3/2011.

Tuy nhiên, từ khi về sinh sống ở tòa nhà, giữa các cư dân và đơn vị quản lý tòa nhà cũng như chủ đầu tư đã nhiều lần “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi các cư dân đã khởi kiện Công ty Keangnam Vina ra tòa khi bán nhà bằng ngoại tệ (USD), kiện về diện tích căn hộ khi tính cả tường, cột, hộp kỹ thuật vào diện tích bán nhà khiến mỗi căn hộ bị “đội” thêm hàng chục mét vuông, tranh chấp về mức phí dịch vụ, gửi xe ô tô, xe máy hàng tháng….

Riêng về khối đế bán lẻ do Parkson quản lý cũng đã gây hình ảnh xấu trên thị trường khi đột ngột đóng cửa vào đầu năm nay vì lý do thua lỗ. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có thông tin trung tâm thương mại này bao giờ quay trở lại hoạt động.

Cùng với đó, sau 5 năm vào Việt Nam, báo lỗ liên tục, Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.

>> Tòa nhà Keangnam có thể được rao bán giá 1 tỉ USD

Theo Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM