Keangnam Landmark 72 được rao bán giá 1 tỷ USD

06/05/2015 15:25 PM | Kinh doanh

Ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư Qatar Investment Authority(QIA) là hai đơn vị đang có ý định mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 Tower tại Hà Nội.

Nội dung nổi bật:

- Trong bê bối nợ nần, bị xóa tên khỏi thị trường chứng khoán, công ty mẹ của Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội đang tính đến chuyện bán tòa nhà này.

- Những người mua tiềm năng gồm có ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư QIA.


Theo tờ Hankyung, ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư Qatar Investment Authority(QIA) là hai đơn vị đang có ý định mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 Tower tại Hà Nội. Tòa nhà này đang được định giá khoảng hơn 1 tỷ USD.

Theo đó, ngày 19/4 vừa qua Goldman Sachs và quỹ QIA đã được mời đến văn phòng tại New York của Colliers International – đơn vị đứng ra rao bán Keangnam Landmark 72 để bàn bạc về thương vụ mua bán.

Về phía Goldman Sachs, ngân hàng này cho biết nếu mua Keangnam Landmark 72 thì sẽ theo phương thức nhận dự án hỗ trợ tài chính với giá trị 1 nghìn tỉ won và lập ra một công ty đặc biệt để quản lý tòa nhà với tư cách là cổ đông lớn nhất. Tuy vậy, hiện tại công ty mẹ của tòa nhà là Keangnam Enterprises đang gặp trục trặc và bản thân tòa nhà cũng có tỷ lệ phòng trống quá cao lên đến 40% nên ngân hàng này đang cân nhắc đến phương án bán lại dưới dạng nợ không thanh toán được.

Còn với QIA, quỹ này lại đưa ra lời đề nghị mua lại toàn bộ tòa nhà với giá 800 triệu USD và được sở hữu lâu dài.

Tòa nhà Landmark 72 thời gian gần đây đang vướng vào bê bối liên quan đến tập đoàn mẹ là Keangnam Enterprise tại Hàn Quốc. Cụ thể, cựu lãnh đạo Keangnam Enterprise là ông Sung Woan-jong bị điều tra về bê bối tham nhũng làm sụp đổ “chính sách năng lượng” dưới sự chỉ đạo của tổng thống Lee Myung-bak.

Ông này bị nghi ngờ làm giả các giấy tờ tài chính của công ty từ năm 2006 đến 2013 gây thất thoát 80 tỷ won (tương đương 74 triệu USD) khoản vay từ chính phủ cho các dự án tại nước ngoài và biển thủ khoảng 25 tỷ won.

Ông Sung đã tự sát vào tháng trước khiến tình hình công ty ngày càng xấu hơn và thậm chí chính thức bị xóa tên khỏi thị trường chứng khoán Seoul. Cùng thời điểm đó, Tòa án quận trung tâm Seoul đã xác nhận vào tuần trước rằng họ sẽ phải thụ lý tài sản của Keangnam Enterprise sau khi các chủ nợ từ chối yêu cầu hỗ trợ thêm tài chính của công ty. Đây có thể là yếu tố then chốt dẫn đến việc công ty này tính chuyện bán Landmark 72.

>> Công ty mẹ Keangnam ngập nợ, làm ăn thua lỗ bị xóa tên khỏi sàn chứng khoán

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM