GĐ Mobile Marketing Lazada: "Chịu lỗ để thâu tóm thị phần cũng đáng"
Với một công ty như Lazada, việc bỏ ra một số tiền lớn để tạo thói quen cho người tiêu dùng cũng là chuyện hợp lý.
Nội dung nổi bật:
- Tỷ trọng doanh số kinh doanh qua mảng Mobile của Lazada đã tăng gấp rưỡi trong vòng 6 tháng, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong vòng 1 năm tới
- Thách thức lớn hiện là phải hướng dẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt khu vực nông thôn biết sử dụng Smartphone và mua hàng qua Smartphone”.
- 2015 là năm Lazada tập trung phát triển nền tảng Mobile nên hãng sẵn sàng đầu tư cho quảng cáo trên nền các ứng dụng di động, với số vốn bỏ ra có thể vượt qua Desktop.
Nói về lợi ích của việc ứng dụng nền tảng di động trong kinh doanh, bà Nguyễn Ngọc Dung – Giám đốc Mobile Marketing của Công ty Lazada Việt Nam – cho rằng nền tảng di động đang mang lại 5 lợi ích chính cho Lazada: Mang lại kết quả tức thì, Dễ dàng sử dụng, Dễ dàng tiếp thị, Theo dõi phản ứng người dùng và Mở rộng quan hệ đối tác.
“Theo một nghiên cứu, một người trung bình mở điện thoại thông minh 110 lần trong 1 ngày. Tức nếu trừ thời gian ăn, ngủ, trong 1 tiếng, chúng ta bật, tắt Smartphone tầm 10 lần” – bà Dung cho biết khi nói về tiềm năng của các ứng dụng di động.
Sẽ tăng trưởng mạnh mảng Mobile
* Xin bà cho biết, hiện doanh thu trên nền tảng di động chiếm tỷ trọng thế nào trong doanh thu của Lazada?
Bà Nguyễn Ngọc Dung: Hiện tỷ trọng này đang ở tầm 30%. 6 tháng trước, doanh số mảng Mobile chỉ khoảng tầm 20%.
Có sự tăng trưởng rất ngoạn mục sau 6 tháng như vậy là vì chúng tôi biết cách tiếp cận hệ thống phân phối.
* Mục tiêu đặt ra cho doanh số mảng Mobile là gì?
Mục tiêu trong vòng 1 năm, sẽ đưa tỷ trọng doanh thu Mobile (Di động – PV) trên tổng doanh thu từ 30% lên 50%.
Tỷ lệ người dùng Internet trên Desktop và trên Mobile toàn cầu. Nguồn: Morgan Stanley.
* Bà mới chỉ đưa ra các con số liên quan đến tỷ trọng. Doanh số cụ thể của mảng Mobile thì sao, bà có thể chia sẻ?
Thực ra rất nhiều. Nhưng con số này chưa thể chia sẻ được.
* Thách thức của Lazada khi phát triển kinh doanh trên nền tảng di động là gì, thưa bà?
Thách thức thứ nhất là làm sao tiếp cận người tiêu dùng để họ không có cảm giác bị phiền. Chúng tôi phải làm một cách chiến lược và bài bản chứ không thể nào làm một chương trình giảm giá trong 30 ngày liên tục, mà cần phải biết chia ra những kênh như thế nào.
Một thách thức lớn là hiện nay, người tiêu dùng ở Việt Nam chưa biết cách mua hàng trên Mobile nhiều. Những tầng lớp mua hàng Mobile trên Lazada vẫn nhỏ và tập trung trên các thành phố lớn. Tuy nhiên, doanh số chia theo vùng nông thôn cũng rất nhiều. Cho nên, chúng tôi phải tiếp cận các vùng đó nữa thì doanh số mới đi lên được, để làm sao để hướng dẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt khu vực nông thôn biết sử dụng Smartphone và mua hàng qua Smartphone.
"Bỏ ra một số tiền lớn để lấy thị phần thì cũng đáng"
* Chi phí đầu tư cho kinh doanh trên nền tảng Mobile có cao như chi phí đầu tư cho hoạt động kinh doanh trên máy tính?
Chi phí đầu tư cho marketing trên Di động ở Việt Nam đắt hơn trên Desktop (máy tính để bàn – PV), hoàn toàn ngược lại với thị trường thế giới.
Trên thế giới, quảng bá qua Di động rẻ hơn vì ở những đất nước đó, hầu như tất cả mọi người đã sử dụng Smartphone rồi. Trong khi đó, nước mình sử dụng chưa nhiều.
Mình giống như là người khai phá. Bên cạnh lợi thế là người đi khai phá, mình đồng thời cũng không có lợi thế về mặt giá cả. Hiện nay, tất cả những kênh quảng cáo trên Mobile thường đắt hơn Desktop. Đấy là một thách thức.
Tuy nhiên, nếu mình biết cách tiếp cận đúng những đơn vị họ cần mình và mình cũng cần họ, như cách làm tiếp thị liên kết hay làm các chương trình gì đó cùng nhau, thực sự có thể giảm mức giá đó xuống bất ngờ và hiệu quả lên rất cao. Cũng vì mình là người đi khai phá, Lazada lại là một đơn vị lớn nên nhiều đơn vị muốn làm ăn với mình... Đó cũng là một “chiêu bài” giảm giá quảng cáo xuống.
* Tại Lazada, số vốn bỏ ra cho mảng Mobile so với mảng Desktop thế nào?
Vì 2015 là năm Lazada tập trung phát triển nền tảng Mobile nên chúng tôi sẵn sàng đầu tư cho quảng cáo trên nền các ứng dụng di động. Số vốn bỏ ra hoàn toàn có thể lên đến 50% hoặc cao hơn so với Desktop.
* Có chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử tiết lộ: Hiện Lazada đang chấp nhận lỗ 6 - 7 tỷ đồng/tháng để quảng bá hình ảnh và giữ thị phần. Không biết thông tin này có chính xác?
Thật ra ở một công ty như Lazada, việc bỏ ra một số tiền lớn để tạo thói quen cho người tiêu dùng thì tôi nghĩ đó là một chuyện hợp lý. Như tôi đã nói, người dân Việt Nam trình độ dân trí chưa cao so với các nước trong khu vực. Cho nên, nếu bỏ ra một số tiền lớn để lấy thị phần thì đó cũng là một con số rất đáng để công ty bỏ ra.
* Cho dù chấp nhận lỗ, chắc hẳn Lazada cũng đặt ra điểm hòa vốn? Mảng Mobile hiện đã đạt tới điểm hòa vốn chưa?
Cái đó tôi chưa nói được. Nếu có thể nói được trong tương lai, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo và công bố.
* Xin cảm ơn bà!
>> CEO Lazada Việt Nam: Mua sắm bằng Smartphone là xu hướng của tương lai
Thanh Thủy (thực hiện)