Doanh nghiệp "xác sống" hủy hoại kinh tế Nhật như thế nào?
Có công bằng không khi mà những doanh nghiệp quản trị tốt, tuyển dụng nhiều lao động và tạo ra nhiều của cải cho nền kinh tế lại phải đóng thuế quá nhiều trong khi rất nhiều doanh nghiệp “xác sống” lại ung dung tồn tại?
Trong một buổi họp chính sách cuối năm 2014, Bộ trưởng Tài chính Nhật Masatsugu Asakawa không khỏi khiến nhiều chính trị gia hàng đầu khác của Nhật mếch lòng khi ông tuyên bố thẳng thừng rằng các tập đoàn xác sống (zombie companies) đang giết chết tăng trưởng kinh tế Nhật.
Ông cũng khẳng định rằng nước Nhật cũng sẽ chẳng bao giờ có thể khá lên được và sẽ ngày một tụt hậu so với nhiều nước khác trên thế giới bởi sức cạnh tranh của doanh nghiệp mạnh sẽ ngày một yếu đi.
Ông cho rằng để khôi phục khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật, trước tiên cần đưa ra chính sách giảm thuế cho mọi đối tượng doanh nghiệp, đồng thời cần quyết liệt đóng cửa các doanh nghiệp không kinh doanh có lãi trong 10 năm.
Trên thực tế, theo một số liệu khác cung cấp bởi Bộ Tài chính Nhật, dù thuế thu nhập doanh nghiệp của Nhật ở mức ước khoảng 35%, nay đã được giảm xuống 31,3% nhưng trên thực tế chỉ 30% doanh nghiệp hiện đang tồn tại có đóng thuế.
Không ít chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi liệu có công bằng không khi mà những doanh nghiệp quản trị tốt, tuyển dụng nhiều lao động và tạo ra nhiều của cải cho nền kinh tế mà lại phải đóng thuế quá nhiều trong khi rất nhiều doanh nghiệp “xác sống” lại chẳng phải đóng đồng thuế nào và tồn tại quá nhiều năm, thậm chí chính phủ phải bỏ tiền ra cứu họ trong nhiều năm.
Thuế thu nhập doanh nghiệp Nhật, cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế, nên được giảm xuống mức chỉ còn 20% trong những năm tới. So với một số nước phát triển trong nhóm G7, thuế thu nhập doanh nghiệp Nhật hiện ở mức quá cao. Ở Anh, thuế thu nhập doanh nghiệp đã ở quanh ngưỡng 20% trong nhiều năm.
Cách đây 13 năm, hai giáo sư Joe Peek và Eric Rosengren đã viết một nghiên cứu có tên: “Sự chọn lọc tự nhiên và những đồng tiền cho vay sai mục đích”, trong đó hai giáo sư nhấn mạnh: “Những ngân hàng Nhật thường âm thầm rót vốn cho những tập đoàn mà nếu theo quy định cấp tín dụng thông thường, họ không bao giờ có thể vay được tiền. Những tập đoàn xác sống này khiến doanh nghiệp nhỏ không còn đất sống. Còn họ cứ cố tình bám lấy chính phủ càng lâu càng tốt với năng suất lao động thấp và năng lực quản lý yếu.”
Một nghiên cứu khác xuất bản năm 2009 của hai chuyên gia Mariassunta Giannetti và Andrei Simonov thì cho thấy chính phủ Nhật càng dùng nhiều tiền để cứu các tập đoàn thì công việc kinh doanh của họ sẽ tồi tệ hơn.
Chính phủ Nhật đã lập ra quỹ INJC và nhiều quỹ khác thuộc chính phủ chuyên để cứu các tập đoàn. Chính phủ Nhật hy vọng INCJ và những quỹ chính phủ cùng chức năng sẽ áp các tiêu chuẩn kiểm soát ngặt nghèo hơn để các tập đoàn/công ty có thể hoạt động hiệu quả hơn thế nhưng trong trường hợp này, đồng tiền đã làm hư các tập đoàn còn chính phủ lại không thể để các tập đoàn chết bởi sau đó là hàng trăm nghìn, hàng triệu người lao động.
Ai đó chắc chắn sẽ lập luận rằng chính phủ Mỹ cũng cứu ngành ô tô, vì vậy chẳng có lý do gì để chỉ trích chính phủ Nhật về việc cứu các “tập đoàn xác sống”. Còn nhớ trước đây trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, chính phủ Mỹ đã cứu General Motors và Chrysler khi hai hãng này thất bại trước Tesla Motors. Thế nhưng trên thực tế không thể so sánh hai chuyện với nhau.
Chính phủ Mỹ cứu các hãng xe Mỹ trong bối cảnh kinh tế nước này suy thoái rất sâu và việc 2 hãng xe mang tính biểu tượng của Mỹ sụp đổ sẽ có thể khiển các thị trường toàn cầu choáng váng.
Chính phủ Mỹ cũng đã yêu cầu các hãng xe phải tái cơ cấu đúng hạn đồng thời hoàn lại toàn bộ tiền đã nhận từ chính phủ Mỹ kèm với lãi suất theo chuẩn của ngân hàng.
Đó là còn chưa kể đến việc tại Mỹ, các công ty nước ngoài có cơ hội gần như tương đương với doanh nghiệp nội địa trong việc tiếp cận với nguồn tín dụng và thị trường vốn. Điều này gần như không tưởng tại Nhật.
Ở Nhật, việc phân phối các kênh tín dụng là độc quyền của các ngân hàng lớn có sự hậu thuẫn của chính phủ. Chính sách trên nhắm mục tiêu để bảo đảm sự thống trị của các tập đoàn xác sống lớn. Và chính phủ Nhật đã duy trì chính sách trên trong suốt một khoảng thời gian dài nhiều thập kỷ, dù kinh tế Nhật có khó khăn hay không.
Như vậy nếu so sánh cùng trên một hệ quy chiếu thì dù chính phủ Mỹ có nuông chiều chút ít cho các tập đoàn nhưng với Nhật thì đó là sự “làm hư” hay “nuông chiều” một cách có hệ thống. Đã đến lúc chính phủ Nhật cần chấm dứt những chính sách mang tính hủy hoại sức cạnh tranh của thị trường và gạt bỏ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài như thế.