Doanh nghiệp thủy sản: Hàng ngon mang đi xuất khẩu, trong nước toàn 'hàng dạt'
Tại Hội thảo Kênh bán lẻ nội địa và nhu cầu hàng thủy sản Việt Nam chất lượng cao ngày trong khuôn khổ Vietfish 2015 ngày 24/8 tại TPHCM, các ý kiến cho rằng có nghịch lý trong sản xuất tiêu thụ thủy sản là hàng đạt chuẩn đa phần dùng để xuất khẩu, còn “hàng dạt” thì bán trong nước.
Theo báo cáo của Cục nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN PTNT), năm 2014 sản lượng thủy sản tiêu thụ nội địa là 478.380 tấn gồm có thủy sản đông lạnh, mực khô, tôm khô, cá khô, đồ hộp, nước mắm, mắc các loại và các sản phẩm khác như giò, chả, sứa... với giá trị hơn 13.146 tỉ đồng.
Cả nước hiện có 140 doanh nghiệp và 3.383 cơ sở gia đình chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa nhưng đa phần là nhỏ lẻ, vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, khả năng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thấp.
Đại diện Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết hiện việc tiêu thụ thủy sản nội địa gặp nhiều khó khăn như: chất lượng sản phẩm còn ở mức thấp không bằng sản phẩm xuất khẩu nên người tiêu dùng không tín nhiệm. Cơ cấu sản phẩm chưa phong phú đa dạng, mẫu mã chưa đẹp, sản phẩm giá trị cao chưa nhiều.
Về phía người tiêu dùng do thói quen sử dụng thủy sản tươi sống nên đa phần đều mua qua các chợ, chấp nhận sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có thương hiệu, nhãn mác. Ngoài ra có thêm nghịch lý là thủy sản bán nội địa đang cao hơn xuất khẩu do chi phí vận tải, lưu thông và phân phối cao. Cụ thể, cá tra phile đông lạnh xuất khẩu chỉ 56.000 đồng – 60.000 đồng/kg nhưng bán tại Hà Nội là 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Chủ nhiệm CLB Hàng nội địa thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết các nhà chế biến thủy sản trong nước không có tiềm lực để xây dựng hệ thống phân phối riêng mà phải nương theo sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại, nơi có điều kiện bảo quản cho thủy sản đông lạnh, nhưng các nhà bán lẻ luôn đòi hỏi chiết khấu cao và năm sau cao hơn năm trước.
“Đến thời điểm hiện nay, có siêu thị ngoại đòi chiết khấu tới 20% nên một số công ty có tiềm lực phải ngừng cung cấp hàng để đàm phán lại giá. Trong khi đó, các công ty nhỏ thì không dám làm điều đó mà âm thầm giảm chất lượng, gây ác cảm cho người tiêu dùng và hại ngành thủy sản”, bà Lâm nêu thực trạng.
Ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc Chương trình bảo tồn WWF tại Việt Nam cho biết trong thời gian qua, WWF đã nỗ lực hỗ trợ cho ngành thuỷ sản Việt Nam thông qua đưa ra các chương trình nâng cao năng lực phù hợp với chứng nhận nuôi trồng có trách nhiệm ASC cho tôm, cá tra, cá rô phi. Chứng nhận thứ 2 là MSC quy định việc đánh bắt bền vững, ví dụ con ghẹ xanh đủ chuẩn tiêu thụ khi mai nó có kích thước dưới 10cm, những con có trứng hay quá nhỏ không được đánh bắt.
Đến nay đã có 20% - 25% sản lượng thuỷ hải sản sản xuất đạt tiêu chuẩn ASC. Tính chung cả nước có 60 vùng nuôi đạt ASC và 20 vùng nuôi khác đang hướng tới tiêu chuẩn này. Đối với thuỷ sản đánh bắt, năm 2009 nghêu Bến Tre đã được chứng nhận MSC, tính đến thời điểm này, đây là loại thuỷ sản duy nhất tại Đông Nam Á được cấp chứng chỉ.
“Điều nghịch lý là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn ASC và MSC đều xuất khẩu, người trong nước muốn mua cũng không có. Vì vậy thời gian tới WWF sẽ làm việc với các DN khuyến khích DN dành 1 phần sản phẩm đạt chất lượng để bán nội địa, làm việc với các nhà hàng để tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh truyền thông rộng rãi. Về phía người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, đòi hỏi các tiêu chuẩn, ưu tiên mua sản phẩm đạt chất lượng và sản xuất có trách nhiệm”, ông Huỳnh Tiến Dũng cho biết.
Ông Dương Ngọc Minh, Công ty thuỷ sản Hùng Vương cho biết kim ngạch tiêu thụ nội địa của công ty đạt 400 tỷ đồng/năm. Trong thời gian tới, Hùng Vương tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm từ cá basa vào các siêu thị trong nước. Hiện tại, thủy sản Hùng Vương vẫn triển khai các hoạt động kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm tiêu thụ nội địa tương đương như hàng xuất khẩu.
“Phát triển bền vững có thể nằm trong lộ trình của mỗi doanh nghiệp, nhưng nếu người tiêu dùng chưa nhìn thấy ưu điểm của sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm so với sản phẩm thông thường, các công ty dễ thấy hoài nghi về kết quả thu được khi đầu tư vào việc này”, ông Dương Ngọc Minh nêu ý kiến.