Chủ tịch FECON: Để vượt khủng hoảng, may mắn là yếu tố quan trọng nhất

01/10/2015 16:07 PM | Kinh doanh

Thành công = May mắn + Chọn đúng đường.

Đưa công ty vượt qua cơn bão khủng hoảng kinh tế 2008 – 2010 với doanh thu tăng trưởng đều đặn trên 35%, Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa cho rằng: Yếu tố vượt khó chủ chốt là may mắn và lựa chọn đúng ngành nghề.

“Lĩnh vực của FECON tương đối chuyên sâu và cần cho tất cả các loại công trình từ xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, xây dựng hạ tầng đến các công trình thủy lợi. Cho nên, chúng tôi hiểu rằng chỉ cần làm tốt, không khi nào lo hết việc” – ông Khoa chia sẻ.

Nền móng và công trình ngầm là lĩnh vực khá đặc thù trong ngành xây dựng công trình, nó đòi hỏi người kỹ sư phải am hiểu cùng một lúc những kiến thức về kết cấu công trình và những kiến thức về cơ học đất. Lĩnh vực này, như ông Khoa gọi, là “phần giao thoa giữa công trình và trái đất”.

* Trong lĩnh vực xây dựng, Turnover rate (tỷ lệ nghỉ việc) thường khá cao. Trong một khảo sát mới đây, 73% người được hỏi cho rằng một công ty tốt là một công ty trả lương cao. Với lĩnh vực làm việc khá đặc thù, công ty ông có trả lương cao để giữ chân nhân tài?

Ông Phạm Việt Khoa: Lương là yếu tố cần. Còn yếu tố đủ là văn hóa.

Một kỹ sư không nhìn nhận về dài hạn mà chỉ nhìn trên đồng lương lĩnh hàng tháng sẽ rất khó. Doanh nghiệp Việt Nam không thể so với doanh nghiệp nước ngoài về lương. Trong khi đó, các kỹ sư tốt ở FECON với nền tảng kỹ thuật tốt, tiếng Anh tốt, có đủ năng lực để làm việc ở môi trường quốc tế.

Xét về thu nhập, lương ở FECON thấp hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực. Nhưng các bạn nhân viên có thể nhìn thấy lộ trình nghề nghiệp tương đối rõ, tin rằng sau một thời gian, cùng với sự phát triển của công ty, thu nhập của các bạn sẽ tăng và quan trọng là đảm bảo mục tiêu phát triển sự nghiệp dài hạn.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ, FECON đặt ra nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhất và mang tính bao trùm.

Với một doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là làm nền móng và công trình ngầm, công việc vô cùng vất vả. Nếu như không có một sự gắn kết về tinh thần, tạo môi trường cho cán bộ nhân viên thực thi các đam mê, thể hiện mình, cũng như đóng góp cho xã hội… sẽ không giữ được người.

* Hơn 10 năm ngồi “ghế nóng” tại FECON, đâu là giai đoạn ông thấy khó khăn nhất?

Giai đoạn khó khăn nhất đối với người làm kinh tế là thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, từ 2008 – 2011. Khi ấy, một loạt các dự án bất động sản, khu công nghiệp, nhà máy… đều bị trì hoãn, thậm chí bị hủy.

Công ty cũng rất vất vả ngược xuôi để kiếm việc. May mắn, FECON có một số đối tác thân thiết là các nhà thầu lớn đến từ Nhật Bản. Do đó, FECON được tham gia khá nhiều các dự án FDI Nhật Bản tại Việt Nam, nhờ vậy, chúng tôi vẫn duy trì được dòng tiền, công việc…

* Nhìn lại thời kỳ đó, ông nhìn nhận đâu là yếu tố giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn?

Theo tôi, may mắn là yếu tố quan trọng nhất. FECON còn một cái may nữa là đã lựa chọn công việc tương đối chuyên sâu, không mở rộng, không dàn trải.

* Nói đến hoạt động kinh doanh của công ty, năm 2014, mặc dù doanh thu và lợi nhuận ròng có tăng trưởng, nhưng chỉ đạt lần lượt 90,3% và 91% kế hoạch đề ra. Có quan ngại cho rằng FECON khó đạt mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ đồng của năm 2015…

FECON tự tin sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Tuy chưa thể chắc chắn 100%, nhưng với các dự án đã nhận được cũng như các dự án đã tiếp cận sát sườn, chúng tôi khẳng định sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2015.

Tính thời điểm hiện nay, tổng giá trị hợp đồng đã ký và thực hiện đạt 2,040 tỷ đồng với 1 loạt dự án được hoàn tất như Nhiệt điện Thái Bình 1 (hơn 200 tỷ đồng) , Samsung Bắc Ninh (hơn 80 tỷ đồng), Nhiệt điện Long phú 1 gói cọc ( hơn 70 tỷ đồng), và dự án xử lý nền Đại Quang Minh ( hơn 180 tỷ đồng).

Một số dự án tại TPHCM chúng tôi đang tiếp cận rất mạnh, một vài ngày tới sẽ có thông tin tốt.

* FECON đặt chiến lược trở thành doanh nghiệp hạ tầng hàng đầu Việt Nam vào năm 2020. Mục tiêu này có quá xa vời khi chỉ còn cách đích 5 năm nữa?

Mục tiêu đặt ra thường cao hơn để cố gắng. Nó phải nằm ở ranh giới giữa không thể và có thể mới tạo động lực cho chính mình.

Để đạt được mục tiêu chiến lược đó,công ty đã và đang triển khai một số hành động chiến lược sau:

Thứ nhất là tăng doanh số.

Để tăng doanh số, FECON đã đầu tư khá nhiều cho máy móc thiết bị phục vụ các core service (hoạt động dịch vụ cốt lõi), đồng thời M&A (mua bán & sáp nhập) một số doanh nghiệp để phục vụ tăng nguồn lực của hệ thống, sẵn sàng cho các cơ hội lớn.

Hai là tái cơ cấu nền tảng tài chính.

Thời gian qua, công ty đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, đến nay chuẩn bị hoàn thành kế hoạch phát hành đó. Vốn thu được sẽ phục vụ các mục tiêu đầu tư, tăng trưởng về tài sản, cũng như dòng tiền để củng cố năng lực tài chính, nhằm tham gia đấu thầu và thực hiện các dự án lớn.

Bên cạnh đó, công ty rất nỗ lực lôi kéo đối tác nước ngoài vào đầu tư dự án tại Việt Nam, trên cơ sở đó FECON sẽ làm Nhà đầu tư và nhà thầu địa phương, để luôn có nguồn tài chính dồi dào.

Ba là liên tục nâng cao năng lực quản trị.

Trong giai đoạn 2014-2015, công ty đã có những hoạt động rất mạnhđể kiện toàn hệ thống và nâng cao năng lực quản trị, và chương trình này vẫn đang và sẽ tiếp tục triển khai trong các năm tới.

* Lĩnh vực hạ tầng đã tồn tại rất nhiều ông lớn như các Cienco, Tasco, CII… Đâu là lợi thế của FECON khi tham gia lĩnh vực này?

Ưu thế của chúng tôi là khả năng đưa ra giải pháp tối ưu, tổng thể cho các dự án. Nếu có giải pháp tối ưu, đặc biệt là các giải pháp về nền móng, dự án vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo được chất lượng và rút ngắn tiến độ, qua đó tăng hiệu quả dự án.

Từng dự án sẽ có các giải pháp thay thế rất cụ thể, đặc biệt là nền và móng của công trình ngầm, khi hệ số an toàn trong thiết kế rất lớn. Nhưng Fecon là đơn vị am hiểu về cơ học đất, nền móng kỹ thuật, cho nên có những dự án có thể tiết kiệm 30% chi phí nền móng.

Với các công trình hạ tầng giao thông, chi phí nền móng thường chiếm từ 40% - 60% giá trị xây lắp. Việc tiết kiệm được 30% chi phí nền móng tương đương với việc tiết kiệm khoảng 15% - 20% cho chi phí của cả công trình.

* FECON vừa ký kết với quỹ đầu tư Vault (UAE) về việc hợp tác chiến lược về nghiên cứu đầu tư dự án công viên thể thao giải trí 175 ha tại Phú Quốc (Kiên Giang). Dự án này có đóng góp cho lộ trình mục tiêu 2020?

Dự án này đang ở giai đoạn nghiên cứu, chưa gọi là đầu tư. Nếu cấp chính quyền chấp thuận và nhà đầu tư thấy hiệu quả, chúng tôi sẽ đầu tư.

Dự án này chỉ là một phần cho lộ trình tiến đến mục tiêu 2020. Với một số dự án về bất động sản cũng như về hạ tầng giao thông, chúng tôi xác định là nhà đầu tư địa phương cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện chúng tôi đã ghi nhận các thành công nhất định ở một vài dự án.

* Xin cảm ơn ông!

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM